Hang Lạng Nắc còn có tên gọi khác là hang Miệng Hổ, hoặc người dân địa phương vẫn thường gọi là hang Pác Gảc, nằm trong dãy núi đá vôi Mai Sao ngay cạnh km32, quốc lộ 1A (cũ). Đây cũng là nơi cửa ngõ đầu tiên bước vào khu di tích lịch sử Chi Lăng.
Hang Lạng Nắc nằm ở độ cao khoảng 100m so với mặt thung lũng, cửa hang rộng 18m, cao 16m, hướng về phía đông. Dưới chân núi hang Lạng Nắc có con suối Mai Sao, là nơi đầu nguồn của sông Thương. Di tích này nằm trong một hệ sinh thái đa dạng, có núi đá, núi đất, đồi, thung lũng, sông suối...
Di tích khảo cổ học này cách mặt thung lũng chừng 100m và không có lối lên.
Hang động Lạng Nắc, Mai Sao, Chi Lăng, (Lạng Sơn), thuộc loại di tích khảo cổ, đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), xếp hạng di tích khảo cổ cấp quốc gia theo Quyết định số 77-2004/QĐ-BVHTT, ngày 23.8.2004.
|
Hang Lạng Nắc được nhân dân địa phương phát hiện và thông báo với Ty văn hóa Lạng Sơn, nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện khảo cổ học Việt Nam vào năm 1968. Từ tháng 7.1970, Viện khảo cổ học Việt Nam và Ty văn hóa Lạng Sơn đã thực hiện thám sát hang Lạng Nắc lần đầu tiên.
Sau ba đợt khảo sát di chỉ khảo cổ học hang Lạng Nắc, các nhà khoa học đã phát hiện hàng nghìn di vật, hiện vật là những công cụ điển hình của người tiền sử xưa. Một số di chỉ đã được lưu giữ tại Viện Khảo cổ học Việt Nam gồm: 1 công cụ chặt thô sơ, 1 mảnh gốm thô, 1 mảnh sọ... và Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, các mảnh tước ở hang Lạng Nắc có niên đại sớm hơn văn hóa Bắc Sơn...
Việc phát hiện di chỉ khảo cổ học Lạng Nắc có một ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu người tiền sử, khẳng định mảnh đất Chi Lăng từ xa xưa đã có người tiền sử tới cư trú và sinh sống, trong đó có hang Lạng Nắc là một di chỉ điển hình.
Nhưng khi đến di tích này, chúng tôi khá bất ngờ. Hang nằm khá cao, cách mặt thung lũng chừng 100m nhưng vô cùng rậm rạp, cây cỏ um tùm và không có lối lên. Cảm giác nơi đây là khu rừng hoang chứ không phải một di tích khảo cổ học được xếp hạng cấp quốc gia, cũng không biển cắm, không mốc khoanh vùng và cách đó không xa là mỏ đá và trạm bê tông đang hoạt động rầm rầm.
Ông Vy Văn Trinh - một người dân địa phương cho biết: Người dân ở đây gọi là Hang Pác Gảc. Thời chống Pháp, người dân trong làng, du kích và bộ đội đã vào các hang động ở đây sinh sống, lập các kho chứa thóc, chống giặc. Sau này người ta cũng phát hiện trong hang có có các di chỉ, hiện vật, trống đồng… Giờ muốn lên đó cũng khó, xung quanh rậm rạp không có đường lên, mà cũng không ai lên đó làm gì. Từ xưa đến nay cũng chẳng thấy cắm biển hay xã nói đây là di tích nên người dân cũng không biết.
Những ngọn núi đá liền kề đang dần bị san bằng và màu xanh của núi rừng cũng dần biến mất.
Ông Trần Ngọc Hùy (70 tuổi) cho biết: Hồi còn khỏe tôi cũng lên đó chặt củi vài lần. Sau thấy mọi người nói hang đó thiêng, không ai dám xây nhà đối diện hang nên tôi cũng không lên đó nữa. Tôi cũng chưa nghe nói đây là di tích vì từ trước tới nay đều thấy um tùm, cỏ cây rậm rạp, không có đường lên, cũng chẳng có biển cắm.
“Trước cũng có một hang ở núi bên cạnh nhưng công ty đá cho nổ hết rồi, có khi tới đây, hang này cũng bị nổ khai thác cũng nên”, ông Hùy nói.
Điều đáng lo ngại là vài năm trở lại đây, Công ty TNHH đá Thượng Thành đã tiến hành khai thác đá, nhiều hang động xung quanh đã bị phá hủy, dãy núi này đang có nguy cơ bị san phẳng. Nếu dãy núi đá này mất thì có nguy cơ uy hiếp đến hang Lạng Nắc, vì hiện nay Công ty đang triển vừa khai thác đá, lại vừa xây trạm trộm bê tông...
Mỏ đá này không chỉ phá cảnh quan quanh khu vực di tích khảo cổ hang Lạng Nắc, mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường, khiến hàng trăm hộ dân đang sinh sống tại phố Lạng Nắc phải sống chung cảnh với bụi, nhiều loại cây trồng không phát triển. Đặc biệt là hiện nay, đường 1A cũ đi qua khu vực Công ty đang khai thác, đá trên núi có thể bị lở xuống quốc lộ 1A bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng người và phương tiện tham gia giao thông khi đi qua khu vực này.
Trao đổi với Dân Việt, bà Đinh Thị Thao - Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Chi Lăng cho biết: Khu quần thể di tích lịch sử Chi Lăng có 48 di tích, trong đó có 12 điểm di tích tôn giáo và 3 điểm di tích xếp hạng cấp quốc gia. Là một huyện có rất nhiều di tích lịch sử, di tích khảo cổ học, hang động..., mặc dù đã được xếp hạng các cấp nhưng vẫn chưa thực sự được quan tâm, bảo vệ, trong đó có di tích khảo cổ hang Nạng Lắc.
Di tích khảo cổ hang Lạng Nắc theo kế hoạch 2019 -2020 sẽ được tiến hành khoanh vùng và bảo vệ.
Lý giải việc di tích được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 2004, nhưng đến nay tại vị trí hang không hề có cắm biển, cắm mốc khoanh vùng, không có một động thái nào cho thấy sự quan tâm, bảo vệ, bà Thao cũng cho biết: Đúng là ngành văn hóa trên địa bàn chưa thực sự quan tâm đúng mức. Đồng thời Chi Lăng là huyện có rất nhiều điểm di tích lịch sử, di tích khảo cổ… nên công tác khoanh vùng, bảo vệ, trùng tu các điểm này cũng gặp nhiều khó khăn.
“Chúng tôi cũng vừa tham mưu cho UBND huyện kế hoạch khoanh vùng bảo vệ và cấp giấy chứng nhận đất cho các điểm di tích, danh lam..., để từ đó các đơn vị dễ dàng quản lý, phát huy những giá trị di tích lịch sử, văn hóa kết hợp với phát triển kinh tế xã hội địa phương. Theo kế hoạch thì Di tích khảo cổ học hang Lạng Nắc sẽ được khoanh vùng bảo vệ, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất trong giai đoạn 2019 - 2020”, bà Thao nói.
Hang Nạng Lắc là một di chỉ điển hình và có ý nghĩa quan trọng. Những khu vực nằm trong khu vực II, khu vực III, cần được bảo vệ theo Pháp lệnh số 14-LCT/ HDDNN7, ngày 4.4.1984 về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Thiết nghĩ, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cần có biện pháp ngăn chặn, gìn giữ cảnh quan môi trường quanh khu vực hang Lạng Nắc, đồng thời ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cắm biển, khoanh vùng bảo vệ đối với di tích khảo cổ học đã được xếp hạng quốc gia này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.