Lào Cai: Vay 1 tỷ vốn Quỹ HTND nuôi cá tầm, cá hồi đặc sản Sa Pa, nông dân nơi này ai cũng khá giàu
Lào Cai: Vay 1 tỷ đồng Quỹ HTND nuôi cá tầm, cá hồi đặc sản Sa Pa, nông dân ai cũng khá giàu
Tuệ Linh - Mùa Xuân
Thứ ba, ngày 12/04/2022 09:36 AM (GMT+7)
Đồng vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Lào Cai đã giúp 15 hội viên nông dân thuộc Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh là cá tầm, cá hồi đặc sản Sa Pa ở thôn Dền Thàng (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) có thêm điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.
Clip: Mô hình nuôi cá nước lạnh của hội viên nông dân Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng.
Thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về "Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp", những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Lào Cai đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên có chung ngành nghề sản xuất tham gia thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Đầu năm 2021, Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng (xã Tả Van, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) được thành lập với 45 thành viên.
Đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp sức hội viên nuôi cá tầm, cá hồi đặc sản
Để hỗ trợ các thành viên trong Tổ hội có điều kiện mở rộng sản xuất, tháng 6/2021, Hội Nông dân thị xã Sa Pa giải ngân 1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Lào Cai cho 15 thành viên, với mức vay từ 60 – 70 triệu đồng/thành viên.
Những ngày đầu tháng 4/2022, phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt (PV) đã có dịp cùng với lãnh đạo Hội Nông dân thị xã Sa Pa thăm mô hình sản xuất của Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng.
Thăm mô hình nuôi cá tầm, cá hồi của Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng Hầu A Seng càng thấy rõ hơn hiệu quả từ đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Lào Cai đã triển khai trong thời gian vừa qua.
Chia sẻ với PV, ông Seng nhớ lại: Trước đây gia đình trồng thảo quả nhưng do thời tiết khắc nghiệt khiến diện tích thảo quả của gia đình chết gần hết. Sau khi đi tham quan các mô hình nuôi cá nước lạnh trên địa bàn thị xã Sa Pa, gia đình tôi quyết định chuyển đổi sang nuôi cá tầm, cá hồi để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, do vốn ít, gia đình ông Seng dùng bạt quây thành ao để nuôi cá tầm, cá hồi với số lượng hơn 1.000 cá giống. Tháng 6 năm 2021, ông Seng phấn khởi khi được vay 70 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Lào Cai. Cùng với số tiền tích góp được của gia đình, ông Seng có thêm điều kiện mở rộng sản xuất.
Hết năm 2021, gia đình ông Seng xuất được gần 4 tấn cá tầm, cá hồi ra thị trường. Với giá bán trung bình 150.000 đồng/kg, thu được 600 triệu đồng. Sau khi trừ phí tiền cám, tiền giống khoảng 180 triệu đồng, ông Seng lãi hơn 400 triệu đồng.
Trước đây, cũng do nguồn vốn hạn hẹp nên gia đình anh Hầu A Chứ, thành viên Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng nuôi cá bằng cách quây bạt vào ao.
Anh Chứ cho biết: Trước gia đình làm nương, trồng thảo quả nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi tham quan các mô hình và được tham gia các lớp tập huấn nuôi cá nước lạnh do các cấp Hội Nông dân và cơ quan chuyên môn tổ chức, gia đình quyết định chuyển đổi sang đầu tư nuôi cá nước lạnh.
Tháng 6 năm 2021, gia đình anh Chứ được tạo điều kiện vay 70 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh Lào Cai. Từ đó, anh Chứ đã có thêm điều kiện để mua giống, thức ăn và mở rộng quy mô sản xuất. Hiện, diện tích ao nuôi cá nước lạnh của anh Chứ rộng khoảng 180m2, với 4.000 con cá hồi và 6.000 con cá tầm.
Nhờ được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật cộng với thiên nhiên ban tặng dòng nước suối mát lạnh, sạch, chảy quanh năm từ đại ngàn Hoàng Liên Sơn nên đàn cá tầm, cá hồi của gia đình anh Chứ sinh trưởng và phát triển rất tốt. Hết năm 2021, anh Chứ xuất bán ra thị trường 5 tấn cá tầm, cá hồi ra thị trường, thu được 700 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí lãi hơn 500 triệu đồng.
Thôn Dền Thàng đổi thay nhờ nuôi cá nước lạnh, cá tầm, cá hồi Sa Pa
Trao đổi với PV, ông Giàng A Tình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa thông tin: Từ năm 2016 trở về trước, đời sống của đồng bào Mông ở thôn Dền Thàng gặp rất nhiều khó khăn, bởi sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, đường sá đi lại khó khăn.
Trước thực trạng đó, Hội Nông dân thị xã Sa Pa đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước lạnh cho hội viên nông dân trên địa bàn, trong đó có hội viên nông dân thôn Dền Thàng, xã Tả Van.
Từ năm 2016 trở lại đây, sau khi học hỏi được kỹ thuật nuôi cá nước lạnh, bà con nông dân thôn Dền Thàng đã chuyển sang nuôi cá tầm, cá hồi theo hướng hàng hoá, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước đây. Hiện có khoảng 70% hộ dân thôn Dền Thàng nuôi cá nước lạnh, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa đánh giá, mô hình nuôi cá nước lạnh của người dân thôn Dền Thàng là hướng đi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh ở địa phương; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.
Theo ông Giàng A Tình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sa Pa, hiện Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước lạnh thôn Dền Thàng đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cá nước lạnh với Công ty TNHH Song Nhi.
Theo đó, Công ty TNHH Song Nhi cam kết thu mua sản lượng cá tầm, cá hồi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng do các thành viên trong Tổ sản xuất ra với mức giá ổn định.
Ông Tính cho biết thêm: Trong thời gian tới, Hội Nông dân thị xã Sa Pa sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước lạnh cho hội viên nông dân.
Đồng thời, tiếp tục giải ngân nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cho các hội viên nông dân có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Từ đó, giúp hội viên có vốn, kiến thức áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập, góp phần đẩy mạnh hoạt động của hội và phong trào nông dân trên địa bàn, từng bước giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Hết năm 2021, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh Lào Cai là: 29,772 tỷ đồng. Trong đó, phân theo cấp quản lý: Nguồn Trung ương ủy thác: 14,4 tỷ đồng (chiếm 48%); nguồn cấp tỉnh: 7,720 tỷ đồng (chiếm 26%); cấp huyện: 7,652 tỷ đồng (chiếm 26%).
Phân theo nguồn hình thành: Nguồn Trung ương ủy thác: 14,4 tỷ đồng (chiếm 48%); nguồn ngân sách cấp: 8,503 tỷ đồng (chiếm 29%); nguồn ủng hộ: 6,121 tỷ đồng (chiếm 21%); nguồn tăng trưởng, bổ sung: 0,34 tỷ đồng (chiếm 1%); nguồn mượn: 0,407 tỷ đồng (chiếm 1%).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.