Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Giám sát chặt tránh dấu hiệu "anh giúp tôi thì tôi giúp anh"

Thành An Thứ ba, ngày 16/05/2023 08:41 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam nhấn mạnh, cần giám sát chặt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư để tránh dấu hiệu "anh giúp tôi thì tôi giúp anh".
Bình luận 0

Lấy phiếu tín nhiệm đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII (khai mạc sáng 15/5). Về việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, cần giám sát chặt lấy phiếu tín nhiệm để tránh "anh giúp tôi thì tôi giúp anh".

Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Giám sát chặt để tránh "anh giúp tôi thì tôi giúp anh" - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

Người khác đánh giá về mình sẽ khách quan hơn

Ông Nguyễn Túc cho rằng, từ sau khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi đã tác động mạnh đến sự lãnh đạo của Đảng. Trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư mức độ tín nhiệm và hoạt động của các thành viên đều ở mức độ khác nhau.

"Tôi cho rằng, thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm lần này của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư khóa XIII sẽ giúp các đồng chí hiểu được mình hơn và có phương hướng tự nâng cao trách nhiệm của bản thân đối với những công việc được phân công để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao", ông Nguyễn Túc nói.

Nhấn mạnh thêm, ông Nguyễn Túc cho rằng, từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ngoài việc liên hệ, kiểm điểm, đánh giá bản thân, căn cứ vào ý kiến góp ý, vào phiếu lấy tín nhiệm của tập thể, mỗi cán bộ có thể nhìn nhận lại bản thân mình đầy đủ hơn.

Đặc biệt, đối với những cán bộ nhận được tín nhiệm thấp phải tự vấn lại mình xem còn những mặt hạn chế gì để tới đây sửa chữa, khắc phục và vươn lên. Kết quả đó cũng là một kênh tham khảo, giúp cho cấp quản lý đánh giá cán bộ chính xác hơn, hạn chế được những nhìn nhận cảm tính.

"Nếu chỉ mình nhìn nhận, đánh giá lại chính mình sợ rằng chưa chính xác và khách quan, có khi lại thấy ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm. Cho nên ngoài việc tự kiểm điểm, tự liên hệ, tự đánh giá bản thân thì cần phải có sự đánh giá của tập thể để người khác nhìn mình, như vậy khách quan hơn", ông Nguyễn Túc nói.

Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Giám sát chặt để tránh "anh giúp tôi thì tôi giúp anh" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Thành An.

Cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, ông Nguyễn Túc nhận định, qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở những lần trước có thể thấy đó là việc làm cần thiết. Kết quả cho thấy Trung ương đã đánh giá cán bộ khá chính xác, phản ánh khách quan.

Tuy nhiên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lưu ý, việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh quan trọng để đánh giá cán bộ, nhưng không coi đây là tuyệt đối. "Chúng ta nên nhớ rằng, thời gian vừa qua, có nhiều cán bộ lãnh đạo đều là những người được tín nhiệm rất cao, thậm chí có những đồng chí ở cấp ủy các nơi bầu đều 95-100%, nhưng qua nửa nhiệm kỳ rất nhiều đồng chí ủy viên Trung ương không chỉ bị xử lý kỷ luật mà còn bị xử lý hình sự", ông Nguyễn Túc nói và mong muốn ngoài việc Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm thì cần có sự tín nhiệm của nhân dân nữa như vậy sẽ toàn diện, công tâm và khách quan hơn.

"Tôi cho rằng bên cạnh việc lấy phiếu tín nhiệm của các đồng chí trong Đảng, trong Quốc hội và các tổ chức chính trị xã hội thi chúng ta cần phải lấy tín nhiệm của nhân dân nữa. Việc là là vô cùng quan trọng", ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư: Giám sát chặt để tránh "anh giúp tôi thì tôi giúp anh" - Ảnh 3.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Giám sát chặt để tránh "anh giúp tôi thì tôi giúp anh"

Liên quan đến phát biểu khai mạc giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 15/5), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Kiên quyết không để xẩy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ", về ý này, ông Nguyễn Túc cho rằng, việc này chứng tỏ Đảng ta đã thấy được đâu đó có dấu hiệu lợi ích nhóm nên sẽ có những nhận xét, đánh giá không công tâm và khách quan.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điều đó để nhắc nhở các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải thực sự công tâm, không vì bất cứ lợi ích nào mà có những đánh giá không trung thực đối với đồng chí của mình dẫn đến nội bộ mất đoàn kết", ông Nguyễn Túc nói.

Bàn luận thêm về việc "có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.." như trong Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định 96), ông Nguyễn Túc cho rằng, trước đây có những người tín nhiệm thấp, Trung ương "gợi ý" nhưng không nghỉ, nên quy định 96 ra đời để giải quyết những trường hợp "cố đấm ăn xôi" như vậy.

"Khi tín nhiệm thấp, anh nói làm sao người ta nghe, do đó cần phải đưa ra khỏi quy hoạch, xem xét cho thôi giữ chức vụ. Tôi nghĩ rằng đây là cách giải quyết kịp thời, nghiêm túc", ông Nguyễn Túc nói và nhấn mạnh: "Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh sự tự giác thì phải có sự giám sát chặt chẽ của cấp trên để phòng trường hợp dĩ hòa vi quý, nể nhau, anh giúp tôi thì tôi giúp anh. Tôi nghĩ rằng, Trung ương có quy định rồi nhưng việc giám sát hiện nay phải đến nơi đến chốn".

Theo Quy định 96/2023 của Bộ Chính trị, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 - năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương bầu sẽ lấy phiếu tín nhiệm theo chương trình làm việc của Trung ương.

Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm gồm phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được công khai trong Ban chấp hành Trung ương Đảng. Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác, cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem