Lộ diện lĩnh vực "đỡ" tăng trưởng GDP quý I, 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

An Linh Thứ tư, ngày 29/03/2023 11:44 AM (GMT+7)
Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020. 60.200 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Bình luận 0

Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố báo có tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2023.

Theo đó, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3 tháng đầu năm ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020, trong giai đoạn 2011-2023.

Tăng trưởng GDP 3,32% đến từ đâu?

Ba tháng đầu năm: Doanh nghiệp phá sản, "chết lâm sàng" vượt số doanh nghiệp thành lập mới - Ảnh 1.

Bình quân mỗi tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp tháo chạy, rời bỏ thị trường và phá sản do kinh tế khó khăn, nhiều hơn số doanh nghiệp lập mới (Ảnh CTV).

Trong cơ cấu tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, nông lâm thủy sản có giá trị tăng lớn nhất cho nền kinh tế. Nông nghiệp tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22% vào mức tăng GDP của toàn nền kinh tế.

Ngành lâm nghiệp tăng 3,66% nhưng chiếm tỷ trọng thấp, do đó ngành này chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP quý này. Trong khi đó, ngành thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.

Ngược lại, lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo và xây dựng suy giảm đồng loạt.

Số liệu thống kê cho thấy, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Với kết quả này, ngành công nghiệp đã làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm.

Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý I/2023 có sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.

Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng GDP như, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,64%; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, đóng góp 0,85%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, đóng góp 0,45%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43%…

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).

"Mức tăng trưởng nông nghiệp, lâm, thủy sản và dịch vụ đang là trụ đỡ của nền kinh tế khi công nghiệp, xây dựng và khai khoáng suy giảm. Dù giá trị gia tăng của nông lâm, thủy sản không lớn, đóng góp tỷ trọng không nhiều cho GDP, song việc duy trì sức tăng trưởng ổn định, giúp kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà ổn định", báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ.

Lộ diện lĩnh vực "đỡ" tăng trưởng GDP quý I, 60.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - Ảnh 3.

Mức tăng trưởng nông nghiệp, lâm, thủy sản và dịch vụ đang là trụ đỡ của nền kinh tế khi công nghiệp, xây dựng và khai khoáng suy giảm.

Mỗi tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Về tình hình doanh nghiệp, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng này, cả nước có 14.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 60,9% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, có gần 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,1% so với tháng trước và tăng 46,2% so với cùng kỳ.

Trong tháng cũng có 4.147 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 9,1% so với tháng 2.

Có 3.452 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 31% so với tháng trước và tăng 39,5% so với cùng kỳ. Cùng với đó, 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 21% và tăng 31,1%

Luỹ kế hết 3 tháng năm 2023, cả nước có 57.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có gần 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Trái lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 60.200 doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem