Long An: "Liều" trồng cam sành trên đất phèn, ông nông dân này bất ngờ "trúng số" vì cây nào cũng ra trái quá trời

Chí Tâm-Kim Nhạn Chủ nhật, ngày 13/12/2020 13:00 PM (GMT+7)
Trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An có nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó có mô hình trồng cam sành trên đất phèn của anh Huỳnh Thành Công ở ấp Hiệp Thành, xã Tân Bình.
Bình luận 0

Thời gian qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An mang lại hiệu quả.

Long An: "Liều" trồng cam sành trên đất phèn chua, ông nông dân này bất ngờ vì cây nào cũng ra trái quá trời - Ảnh 1.

Hiện vườn cam của anh Huỳnh Thành Công, ấp Hiệp Thành, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm ngành Bảo vệ thực vật, anh Công làm tư vấn kỹ thuật tại vùng chuyên trồng cây có múi ở các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng,...

Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, anh thuê hơn 4.000m2 đất phèn hoang hóa tại ấp Hiệp Thành, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh (Long An) để khởi nghiệp. 

Ban đầu, anh thử nghiệm trồng 1.000 gốc cam sành. Thấy cây cam phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, anh Công quyết định thuê thêm hơn 4.000m2 đất để mở rộng diện tích trồng cam sành.

Sau gần 3 năm trồng, bình quân 1 năm, anh thu hoạch 3 đợt trái cam sành với hơn 40 tấn cam. 

Dự tính, sản lượng trái cam sành sẽ tăng từ 40 lên 50 tấn vào năm tiếp theo. Với mức giá bán cam sành dao động từ 8.000-10.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí, anh Công lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Anh Huỳnh Thành Công chia sẻ: “Vốn đầu tư ban đầu để trồng cam sành khá lớn, đối với vùng đất nhiễm phèn thì lại càng lớn hơn. Do đó, muốn thành công phải kiên trì chăm sóc, đồng thời áp dụng đúng các biện pháp khoa học - kỹ thuật mới mang lại hiệu quả cao”.

Việc phát triển mô hình trồng cam sành của anh Công còn tạo việc làm cho lao động ở địa phương. 

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) - Võ Ngọc Vi cho biết: “Mô hình trồng cam sành trên đất phèn của anh Công bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Nhiều nông dân địa phương muốn áp dụng mô hình trồng cam sành nhưng chi phí ban đầu cao. Nông dân mong muốn được ngành chức năng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, góp phần cùng địa phương xây dựng thành công xã văn hóa, nông thôn mới”.

Đến nay, toàn huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) chuyển đổi 6.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đề ra mục tiêu thực hiện chương trình đột phá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem