Long đong đời công nhân cuối năm (Bài 2): Xoay xở đủ cách
Long đong đời công nhân cuối năm (Bài 2): Xoay xở đủ cách để chờ cơ hội
Nha Mẫn - Mỹ Quỳnh
Thứ ba, ngày 13/12/2022 06:30 AM (GMT+7)
Từ cuối quý III/2022, sản xuất công nghiệp bắt đầu chững lại do số lượng các đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí cho công nhân nghỉ không lương từ 1-3 ngày/tuần vì đơn hàng đã giảm 20-50%.
Những năm trước, thời điểm cận tết là lúc doanh nghiệp và công nhân đều phấn khởi vì đơn hàng dồi dào, tăng ca nhộn nhịp. Có khi công nhân làm tăng ca tới 9 - 10 giờ đêm, thu nhập 3 tháng cận tết lên đến gần 20 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên năm nay, do doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng nên công nhân rơi vào cảnh bị giảm giờ làm, nghỉ không lương, thu nhập giảm mạnh dù tết đã cận kề. Nhiều người tiếp tục lỗi hẹn với cha mẹ, quê hương, không thể về thăm dù 2 năm trước dịch bệnh không về được.
Công nhân "thắt lưng buộc bụng" vì thu nhập giảm
Anh Tạ Danh Hoan, công nhân tại KCN Amata cho biết, anh là trụ cột chính trong gia đình nhưng 2 tháng nay thu nhập giảm 30%. Vợ chồng anh có 2 con, 1 trai, 1 gái nhưng con trai bị bệnh tật nên vợ anh chủ yếu ở nhà lo cho con, làm thuê vặt, không có thu nhập ổn định. Vì vậy, mọi nguồn tiền trong nhà chủ yếu dựa vào đồng lương của anh Hoan.
"Giờ đi chợ mà phải đắn đo nghĩ trước nghĩ sau, sợ đồng lương không đủ trang trải trong nhà. Bữa cơm giờ chỉ dám ăn rau, chỉ ít thịt cá dành cho con", anh Hoan tâm sự.
Chị Phan Thị Thơm (công nhân trong KCN Biên Hoà 2) than thở, hơn một tháng qua trung bình mỗi tuần chị nghỉ từ 1 - 2 ngày vì công ty giảm đơn hàng. Mỗi tháng tiền trọ hết hơn 1 triệu đồng, ăn uống, sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, trong khi lương bị sụt giảm nên hai vợ chồng chị rất khó khăn.
"Để tiết kiệm tiền xăng xe, vợ chồng tôi chọn cách đưa đón nhau đi làm, bỏ một xe ở nhà. Mua thực phẩm thì ra chợ cóc ven KCN mua cho rẻ đồng thời lâu lâu lại xin bố mẹ ở quê gửi vào 1 thùng đồ ăn tươi kèm gạo", chị Thơm chia sẻ.
Chung cảnh ngộ, anh Hoàng Văn Tiến làm trong KCN Trảng Bom (Đồng Nai) cũng đang chịu cảnh "thắt lưng buộc bụng". Tiền lương giờ trừ chi phí tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, tiền gửi con đi học thì hầu như không còn được đồng nào.
"Nhiều người còn phải vay nóng vay nguội vì thiếu trước hụt sau nên như mình vẫn xem là còn may mắn. Vợ chồng tôi bữa sáng chỉ dám ăn 1 gói mì sau đó đi làm, tối về thì cơm với rau dành thịt trứng cho con", anh Tiến nói.
Công nhân xoay xở đủ cách để kiếm tiền
Anh Danh Hoan cho biết, để bù đắp phần nào thu nhập, tối thứ 7 và ngày chủ nhật, anh tranh thủ đi làm tạp vụ cho một công ty tư nhân gần nhà. Nhiệm vụ chủ yếu là lau dọn nhà cửa, chà cọ những vị trí cần thiết.
"Làm vậy cũng thêm được khoảng 500.000 đồng/tuần, phụ vào chi tiêu, thuốc men chữa bệnh cho con", anh Hoan kể.
Cũng theo anh Hoan, lo sợ thu nhập của chồng ngày càng giảm nên gần đây vợ anh phải đăng ký giúp việc theo giờ để hỗ trợ thêm cho chồng. Mỗi tuần, vợ anh sẽ có 3 ngày, mỗi ngày 3 tiếng để đi phụ việc cho nhà một người quen trong thành phố. Mặc dù cả hai làm quần quật nhưng vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống hiện tại.
Anh Tiến (quê Quảng Bình) có thâm niên gần 6 năm làm công nhân trong một công ty chế biến gỗ ở Trảng Bom cho biết, anh chưa bao giờ thấy bất an, lo lắng như bây giờ. Đầu tháng 10, công ty thông báo đơn hàng giảm, buộc phải cắt giảm ngày công.
"Để bù đắp thu nhập, tôi tranh thủ chạy xe ôm vào các ngày nghỉ, nhưng tiền cũng chỉ đủ lo ngày 2 bữa", anh nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tâm, quê ở Nghệ An, làm công nhân Công ty TNHH May mặc M.G đóng tại phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa được hơn 5 năm. Gần đây, công ty gặp khó khăn về đơn hàng. Chị và các đồng nghiệp đã chấp nhận chia sẻ bằng cách cho công ty nợ toàn bộ tiền lương tháng 8, tháng 9 cùng 1/2 lương tháng 10.
Ngày 6/12 mới đây, họ vào công ty làm việc thì thấy công ty đóng cửa nhưng liên hệ với lãnh đạo công ty (giám đốc người Việt Nam lẫn ông chủ Hàn Quốc) đều không được. “Giờ chúng tôi chẳng biết kêu ai nên đã đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai cầu cứu nhờ hỗ trợ", chị Tâm cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.