Lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII: Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

Lương Kết - Thành An Thứ sáu, ngày 30/10/2020 13:30 PM (GMT+7)
“Điều quan trọng nhất Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý “không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn”, bởi yếu tố tiêu chuẩn mới quyết định cán bộ có đảm đương được công việc của Đảng, của dân hay không”, PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh.
Bình luận 0

Bài 3: Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn

LTS: Tiếp tục loạt bài "Lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII: Làm sao loại bỏ những cán bộ 'thấy đỏ tưởng chín'?", PV Dân Việt có trao đổi với PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII: Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn - Ảnh 1.

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Thành An)

 

Loại bỏ cán bộ ngồi "nhầm" ghế, cán bộ "luồn sâu, trèo cao"

Thưa ông, theo quy định, quy trình giới thiệu nhân sự cho Đại hội phải qua 5 bước, trong khi trước đây chỉ cần 3 bước. Theo ông vì sao cần phải tiến hành chặt chẽ như vậy?

- Như Bác Hồ đã nói, con người là gốc, cán bộ là gốc của mọi vấn đề cho nên công tác nhân sự là vô cùng quan trọng, trong tất cả sự thành bại của cách mạng và của các chế độ nói chung vấn đề cán bộ luôn quyết định sự thành công hay không. Cho nên, như Bác Hồ đã nói, con người làm cán bộ phải có tài, có đức trong đó "đức" là đặc biệt quan trọng, "tài" cũng cực kỳ quan trọng vì không có tài thì làm việc gì cũng khó.

Qua lịch sử phát triển của các triều đại cũng như của các chế độ, đặc biệt là cách mạng xã hội chủ nghĩa của các nước, đặc biệt ở Việt Nam chúng ta hiện nay cán bộ lại vô cùng quan trọng. Đảng ta, đất nước ta muốn phát triển và bền bền vững thì phải quan tâm đến vấn đề cán bộ.

Từ trước đến nay quy trình để lựa chọn cán bộ là 3 bước. Thực tiễn cho thấy đã lựa chọn được những người có năng lực, có đạo đức và tâm huyết. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện, bổ sung.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hàng chục trường hợp cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả những cán bộ cấp cao. Điều đó chứng tỏ đã có những cán bộ có khuyết điểm, yếu kém năng lực, tha hóa lọt vào Trung ương.

“Quy trình 5 bước là hoàn toàn đúng đắn và rất tốt nếu chúng ta thực hiện nghiêm chỉnh việc đó, điều này thể hiện ở ý thức của những người cầm lá phiếu. Nếu ở các cấp, người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu thì quy trình 5 bước vẫn có thể bị lọt. Cho nên, bên cạnh quy trình 5 bước phải thực hiện quy trình kiểm tra chặt chẽ hơn nữa, bởi vì vừa rồi tôi được biết có những cơ quan đã thực hiện đầy đủ quy trình 5 bước, người được bổ nhiệm thành công nhưng ngay sau đó đã phát hiện người này khai man lý lịch”

PGS.TS Lê Quốc Lý

Để tránh những hiện tượng như vậy, Đảng ta đã đề ra quy trình 5 bước. Bản chất sự khác nhau giữa 3 bước và 5 bước chính là mở rộng dân chủ hơn, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, chính xác hơn.

Có thể nói, trong thời gian qua, Đảng ta làm rất chặt chẽ các quy trình liên quan tới công tác cán bộ. Các quy trình này được thực hiện qua rất nhiều khâu, rà soát lại nhiều lần. Và quá trình đó cũng chính là quá trình để sàng lọc, đánh giá lại cán bộ.

img
img
img
img

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Những người có thể ban đầu được đưa vào quy hoạch nhưng sau đó phát hiện ra những "tì vết", những vấn đề không phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí thì có thể bị loại ra.

Trong quy trình 5 bước, Trung ương nhấn mạnh đầu tiên là phải chuẩn bị cho nhân sự tái cử với những ủy viên Trung ương khóa XII đủ điều kiện tái cử khóa XIII. Bước tiếp theo tính đến số nhân sự mới tham gia lần đầu. Và sau cùng mới tính đến "trường hợp đặc biệt", xét xem có cần đặc biệt không và đặc biệt là thế nào.

Quy trình là chuẩn bị xong nhân sự cũng phải từ Trung ương rồi mới đến nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Xong nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư mới chuẩn bị đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Cuối cùng mới tính đến "trường hợp đặc biệt".

Thưa ông, từ tháng 12/2018 - 9/2020, công tác chuẩn bị nguồn nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII đã được Bộ Chính trị 4 lần phê duyệt với tổng số 227 đồng chí. Đây có phải quá trình sàng lọc, lựa chọn trong công tác cán bộ?

- Có thể nói, trong quá trình lựa chọn và sàng lọc cán bộ cấp chiến lược vừa qua, Đảng ta làm rất chặt chẽ các quy trình liên quan tới công tác cán bộ. Các quy trình này được thực hiện qua rất nhiều khâu, rà soát lại nhiều lần. Tôi đánh giá rất cao quá trình này. Có thể nói, đây cũng chính là quá trình để sàng lọc, đánh giá lại cán bộ. Thực tế, ban đầu có những cán bộ được vào quy hoạch nhưng sau đó quá trình này phát hiện ra những "tì vết", phát hiện ta những vấn đề không phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí để loại ra ngoài.

Công tác nhân sự được thực hiện rất chặt chẽ, qua việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự. Tiểu ban Nhân sự đã chỉ đạo 10 cơ quan chức năng và địa phương liên quan tiến hành thẩm định, kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện đối với các nhân sự đã được giới thiệu (bao gồm nhân sự tái cử và nhân sự tham gia lần đầu).

Lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII: Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn - Ảnh 4.

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tôi tin tưởng rằng, qua quá trình rà soát, sàng lọc như vậy sẽ chọn được những nhân sự có tài, có đức, có tâm, có tầm để giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII.

“Kỷ luật cán bộ là giúp cho chúng ta răn đe cho những ai vô tình hay hữu ý vướng vào sai lầm thì cũng phải chùn bước, dừng tay lại để tự sửa mình cho tốt hơn”

PGS.TS Lê Quốc Lý

Đặc biệt, tôi mong rằng sẽ không để xảy ra sai sót, bởi vì đau lòng nhất là khi Đại hội xong, bầu xong trong thời gian ngắn thì có một số đồng chí bị kỷ luật.

Cho nên phải làm chặt chẽ như vừa qua, để đến Đại hội các đại biểu sáng suốt lựa chọn những người có tài, có đức, có tâm, có tầm thật để đưa vào các vị trí lãnh đạo hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Công tác cán bộ chúng ta đã làm rất chặt chẽ, qua rất nhiều bước từ lấy phiếu nhân sự, thẩm định, rà soát… Vậy, điều này có tránh được tình trạng cán bộ ngồi "nhầm" ghế, cán bộ "luồn sâu, trèo cao", thưa ông?

- Đúng vậy! Bởi vì thực sự có những người có khuyết điểm tiêu cực như tham nhũng, gian lận… nhưng chưa bị phát hiện, vẫn được đề cử, giới thiệu, thậm chí có những người khai man lý lịch… chưa bị phát hiện. Tất cả đều được khoác lên một chiếc áo rất đẹp để mong muốn "trèo" lên "ghế" cao hơn.

Có thể nói, vừa qua chúng ta đã thực hiện những quy trình hết sức chặt chẽ về công tác cán bộ. Tại Hội nghị Trung ương 13 khoá XII này cũng có nội dung bàn về công tác nhân sự.

Với quy trình chặt chẽ như vậy về công tác cán bộ, chúng ta có thể phát hiện ra những người có khuyết điểm để tránh đưa vào Trung ương khoá tới. Đồng thời, với những bước làm rất kỹ như vậy chúng ta có thể phát hiện ra những cán bộ có khuyết điểm, phát hiện ra những người có "tấm áo đẹp" bên ngoài mà che đậy khuyết điểm, dứt khoát không đưa vào khoá tới.

Việc này cũng tránh những bài học đau lòng về công tác cán bộ, có những người được bầu vào Trung ương nhưng sau đó lại phát hiện ra những sai phạm, những khuyết điểm từ thời kỳ trước đó.

Tóm lại, với quy trình nhân sự chặt chẽ và thận trọng, các cơ quan thẩm tra nhiều lần sẽ hạn chế được tình trạng chọn nhầm cán bộ. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh tỉnh, cảnh báo với những người "có vết" thì cũng nên xin rút, không nên tham gia vào. Việc này sẽ hạn chế được tình trạng cán bộ "ngồi nhầm" ghế, hạn chế được những cán bộ có tư tưởng "luồn sâu, trèo cao" nhằm trục lợi.

Lựa chọn cán bộ phải vì lợi ích của nhân dân, đất nước

Thưa ông, tại Hội nghị Trung ương 13 khóa XII vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, khi xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự phải căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng. Tuy nhiên, không vì cơ cấu, số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn. Vậy việc đề cao vấn đề "tiêu chuẩn" quan trọng như thế nào trong lựa chọn cán bộ?

- Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 13, khoá XII, khi lưu ý về công tác nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng có lưu ý tới vấn đề cơ cấu và vấn đề tiêu chuẩn. Đây hoàn toàn là những lưu ý rất đúng đắn và đáng quan tâm.

Bởi vì việc cơ cấu cán bộ hợp lý rất quan trọng trong việc bảo đảm sự đoàn kết, sự hài hoà giữa vùng miền, giữa các dân tộc, giữa các thành phần, địa bàn, lĩnh vực công tác. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý "không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn". Bởi yếu tố tiêu chuẩn mới là yếu tố quyết định cán bộ có đảm đương được công việc của Đảng, của dân hay không.

Lựa chọn nhân sự Đại hội Đảng XIII: Không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn - Ảnh 7.

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Đảm bảo cơ cấu quan trọng nhưng quan trọng hơn đó là năng lực, phẩm chất, uy tín của cán bộ mới là những yếu tố quyết định. Những cán bộ phải đáp ứng được những yêu cầu trên thì mới có thể thực hiện được các nhiệm vụ của cán bộ cấp chiến lược.

Cơ cấu trong công tác cán bộ là một yếu tố tương đối. Việc lựa chọn cán bộ đều phải vì lợi ích chung, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước chứ không phải chỉ đại diện cho một nhóm người nào.

Vậy theo ông, đâu là những tiêu chuẩn, phẩm chất quan trọng nhất trong việc lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII?

- Đảng ta đã có các quy định, quy chuẩn rất cụ thể về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ cấp chiến lược, cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đảng đã có Quy định số 214-QĐ/TW quy định cụ thể về việc này.

Trong rất nhiều tiêu chí đánh giá, tôi cho rằng cần hết sức lưu ý một số tiêu chí, tiêu chuẩn để chọn được nhân sự cấp chiến lược một cách hiệu quả.

img

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ở khóa trước, có tình trạng một số Ủy viên Trung ương sau khi được bầu một thời gian thì phát hiện sai phạm trong quá khứ, nhiều vị đã bị kỷ luật, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Để nhiệm kỳ này tránh được tình trạng đó, Đảng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát. Nếu làm tốt thì các trường hợp mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm trước đây sẽ không thể lọt được vào Trung ương", PGS.TS Lê Quốc Lý

Đầu tiên là những người phải có bản lĩnh cách mạng, phải trung thành với Đảng, Nhà nước, có phẩm chất, tư tưởng chính trị vững vàng. Bởi nếu không có bản lĩnh cách mạng, không trung thành với đường lối của Đảng và Nhà nước thì rất dễ bị xúc động, "hai lòng", rất dễ bị dao động, bị lung lay, bị lôi kéo, dễ bị sa ngã, bị mua chuộc, mắc vào sự thoái hóa biến chất, thậm chí "tự diễn biến, tự chuyển hoá"… nghiêm trọng hơn là sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ.

Tiêu chuẩn thứ hai, đó là nhân sự được lựa chọn phải thực sự có năng lực, có tài năng để giải quyết được công việc. Kinh nghiệm được cha ông cũng như Bác Hồ đã chỉ ra rằng nếu chỉ có "nhiệt tình cách mạng" mà không có kiến thức, không có tài năng thì dẫn đến phá hoại. Đơn cử như việc tưởng như đơn giản là cán bộ làm công tác phong trào, nếu không có tài năng để vận động quần chúng, thuyết phục quần chúng để dẫn dắt nhân dân thì làm phong trào cũng không thể thành công cho nên cơ cấu cũng quan trọng nhưng quan trọng hơn là tiêu chí tài năng.

Bởi vậy nên yếu tố năng lực này rất quan trọng, có thể thực hiện được thắng lợi, thực hiện được thành công công việc mà Đảng, Nhân dân giao phó phụ thuộc rất nhiều vào điều này.

Thứ ba, để nhân dân tin và làm theo, đồng thời người lãnh đạo có thể dẫn dắt được nhân dân thì đó phải là người có tâm. Cán bộ cấp chiến lược phải là người tận tâm với công việc, cống hiến làm những việc vì nhân dân, đừng nghĩ tư lợi cá nhân, đừng nghĩ tới hưởng "phần trăm" trước mà phải đặt tới lợi ích "của dân, của nước" lên hàng đầu. Người cán bộ tận tâm, tận lực cống hiến sẽ đạt được thành quả với nhân dân, với đất nước. Đó chính là giá trị cống hiến của họ.

Mặt khác, trong thời đại hội nhập ra thế giới, chúng ta phải chọn những người có khả năng hành động, có hiểu biết, có tầm nhìn thì mới có thể hội nhập với quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để lựa chọn, xây dựng đất nước.

Đại hội Đảng XIII cần có "trường hợp đặc biệt"

Nhắc đến "trường hợp đặc biệt" như ông nói ở trên, điều này cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng đề cập đến trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần lưu ý đến trường hợp này. Theo ông, tại sao cần có và cần hiểu thế nào về "trường hợp đặc biệt"?

- Xuất phát từ quan điểm, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn là phải kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và đặc thù, giữa cái chung và cái riêng, nên Trung ương thấy cần thiết phải có "trường hợp đặc biệt". Đặc biệt tức là rất ít và rất cần thiết.

Ở kỳ Đại hội trước là trường hợp bầu Tổng Bí thư, đây là vị trí quyết định sự thành bại của cách mạng, sự vững bền của Đảng.

Vị trí này cần những người phải thực sự tiêu biểu, là kết tinh của trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh và các điều kiện Đảng đặt ra, đảm bảo cho Đảng có sức chiến đấu mạnh mẽ. Đại hội XIII sắp tới tôi nghĩ là nên có "trường hợp đặc biệt". Tuy nhiên cần lưu ý đã là "trường hợp đặc biệt" thì không nên nhiều, bởi sẽ dễ phá vỡ những quy định của Đảng.

Vậy cần hiểu thế nào về "trường hợp đặc biệt" thưa ông?

- Như tôi đã nói ở trên đó là xuất phát từ bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, đồng thời phải kết hợp hài hòa giữa tính phổ biến và đặc thù, giữa cái chung và cái riêng, chính vì vậy nên Trung ương thấy cần thiết phải có "trường hợp đặc biệt". Những trường hợp đặc biệt này thường sẽ rất ít và thực sự cần thiết.

Ở kỳ Đại hội trước là trường hợp bầu Tổng Bí thư, đây là vị trí quyết định sự thành bại của cách mạng, sự vững bền của Đảng. Vị trí này cần những người phải thực sự tiêu biểu, là kết tinh của trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh và các điều kiện Đảng đặt ra, đảm bảo cho Đảng có sức chiến đấu mạnh mẽ.

Cá nhân tôi cho rằng, Đại hội Đảng khóa XIII cũng cần những "trường hợp đặc biệt" nhưng số lượng hạn chế để tránh phá vỡ quy định của Đảng.

Xin cảm ơn ông!  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem