Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung chính sách tinh giản biên chế dù vẫn thiếu công chức, vì sao?

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 13/05/2023 11:25 AM (GMT+7)
Thực tế, có những đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập đang thiếu cán bộ, công chức, viên chức. Tuy vậy, Bộ Nội vụ vẫn mạnh dạn đề xuất tinh giản biên chế. Vậy lý do là gì?
Bình luận 0

Tinh giản biên chế: Lợi ích nhiều hơn giữ nguyên hiện trạng

Dự thảo Nghị định Quy định về tinh giản biên chế được Bộ Nội vụ xin ý kiến vẫn đang nhận được rất nhiều ý kiến quan tâm của người dân, chuyên gia cũng như cơ quan có liên quan. 

Qua phân tích đánh giá các tác động của chính sách, Bộ Nội vụ đề xuất lựa chọn giải pháp về bổ sung chính sách tinh giản biên chế là phương án tối ưu cả về lợi ích và chi phí so với phương án giữ nguyên hiện trạng.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung chính sách về hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi đến trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về BHXH.

Cùng với đó là bổ sung chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp.

tinh giản biên chế

Ngoài cán bộ, công chức, viên chức, thì nhóm đối tượng hoạt động không chuyên trách cấp, thôn, xã cũng sẽ được đưa vào diện tinh giản biên chế. Ảnh: N.T

Theo đánh giá tác động liên quan tới vấn đề này, Bộ Nội vụ nêu tác động tích cực về mặt xã hội đó là: Việc bổ sung các chính sách tinh giản biên chế để giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp ở xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư nghỉ ngay so với lộ trình sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền được hưởng một khoản tiền trước khi nghỉ việc. Do đó, thực hiện giải pháp này sẽ khuyến khích các đối tượng này nghỉ ngay trước thời điểm sắp xếp.

Việc bổ sung quy định hưởng chính sách về hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi đến 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về BHXH  nhằm khuyến khích cán bộ, công chức cấp xã tự nguyện tinh giản biên chế nhằm cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Về tác động tiêu cực, theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc bổ sung quy định hưởng chính sách về hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tối đa đủ 10 tuổi đến trên 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về BHXH sẽ làm tăng số lượng người hưởng chính sách hưu trí.

Tuy nhiên, theo dự kiến, số đối tượng hưởng chính sách này không nhiều do trung bình tuổi đời của cán bộ, công chức cấp xã là thấp so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.

Cụ thể tại Điều 9, Dự thảo Nghị định Quy định chính sách tinh giản biên chế có quy định rõ: Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nghỉ trong thời gian 6 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, nhóm đối tượng này ngoài được hưởng trợ cấp thôi việc; trợ cấp BHXH nếu có số năm đóng dư; chính sách học nghề... thì công chức, viên chức còn được hưởng khoản trợ cấp do việc sắp xếp lại công việc. Mức hưởng tối đa có thể lên tới gần 200 triệu đồng. Mức tính được đề xuất là bằng mức lương cơ sở (1,8 triệu đồng Lương cơ sở tính từ 1/7/2023) hoặc tính trợ cấp bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng.  

Tinh giản biên chế sẽ tiết kiệm, chi trả ít hơn 9.732 tỉ đồng so với giữ nguyên 

Mặc dù tại một số địa phương sau sát nhập vẫn còn tình trạng thiếu cục bộ cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên việc tinh giản biên chế là cần thiết nhằm cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị.

Theo tính toán của Bộ Nội vụ, khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2023, dự kiến sẽ có hơn 48.000 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Đồng thời, cũng có hơn 27.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư.

Do đó, dự kiến nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp đối với các đối tượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ ngay (nghỉ trước 60 tháng so với lộ trình sắp xếp) là 9.732 tỉ đồng.

Theo Bộ Nội vụ, nếu lựa chọn phương án “Giữ nguyên hiện trạng” thì Nhà nước vẫn phải chi trả tiền lương đối với số cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư nêu trên với số tiền dự kiến là 19.464 tỉ đồng (gấp đôi số nguồn kinh phí dự kiến chi trả trợ cấp cho các đối tượng dôi dư đó nếu họ nghỉ ngay).

Do vậy, nếu thực hiện giải pháp 2 thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả ít hơn 9.732 tỉ đồng so với phương án giữ nguyên.

Qua phân tích đánh giá các tác động của chính sách, mặt tích cực và tiêu cực của các giải pháp, Bộ Nội vụ đề xuất lựa chọn giải pháp về bổ sung các chính sách tinh giản biên chế là phương án tối ưu cả về lợi ích và chi phí so với giải pháp “Giữ nguyên hiện trạng”.

tinh giản biên chế

Tinh giản biên chế sẽ giúp tiết kiệm được khoản tiền lớn so với giữ nguyên bộ máy. Quan trọng hơn đây là cách để tinh gọn, nâng cao hiệu suất hoạt động của bộ máy công quyền. Ảnh: N.T

Cũng trong tờ trình Dự thảo Nghị định Tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính thuộc đối tượng tinh giản biên chế nhằm giải quyết chính sách đối với các đối tượng này khi bị dôi dư, không có việc làm ổn định cuộc sống. Theo báo cáo có hơn 27.000 đối tượng thuộc nhóm này.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, việc bổ sung đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng mục đích, yêu cầu của Đảng đề ra.

"Về mặt xã hội, tác động của chính sách này đó là đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có một khoản tiền nhằm ổn định cuộc sống khi bị dôi dư, mất việc làm vì bản thân nhóm này là nhóm có tiền lương thấp", ông Dĩnh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem