Lo xảy ra rủi ro, TP.HCM chấm dứt hợp đồng BT đối với nhà thi đấu gần 2.000 tỷ đồng

Diệu Bình Thứ tư, ngày 11/12/2024 10:06 AM (GMT+7)
Theo lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM, nếu tiếp tục thực hiện dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý.
Bình luận 0

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng toạ lạc trên khu "đất vàng" rộng gần 1,5ha ngay trung tâm TP với 4 mặt tiền đường Võ Văn Tần – Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Trước đó, ở vị trí này là nhà thi đấu cũ xây từ năm 1977, sửa sang nâng cấp vào năm 1985. Nơi đây từng diễn ra nhiều sự kiện thể thao quan trọng của TP. Năm 2017, nhà thi đấu cũ được tháo dỡ để bàn giao mặt bằng. Nằm ở vị trí đắc địa nhưng sau 6 năm tháo dỡ, dự án chỉ là bãi đất trống, cỏ cây mọc um tùm.

Tháng 4/2023, UBND TP.HCM quyết định dừng dự án theo hợp đồng BT và chuyển sang xây dựng nhà thi đấu bằng ngân sách.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM cho biết, năm 2010, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho áp dụng thí điểm hình thức hợp đồng BT.

Ban đầu, dự án do Công ty TNHH An Tạo đề xuất tham gia, nhưng sau đó doanh nghiệp không đủ điều kiện về năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án. Do vậy, doanh nghiệp đã chủ động đề xuất thanh lý hợp đồng và chuyển cho đơn vị khác đầu tư dự án.

Chủ tịch UBND TP sau đó đã chỉ đạo cho các sở phối hợp rà soát các vướng mắc liên quan đến dự án.

img

Hình phối cảnh của Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Ảnh: T.L

Theo ông Thuận, tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm thực hiện, việc thay đổi nhà đầu tư thực hiện dự án xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của các nhà đầu tư nhằm bảo đảm năng lực chuyên môn tài chính để triển khai dự án và không phải xuất phát từ phía cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, quy định pháp luật về đấu thầu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2017 đã có nhiều thay đổi và nếu chỉ căn cứ vào nội dung cho phép, chỉ định của Thủ tướng thì không còn phù hợp.

Với vướng mắc như vậy, ông Thuận cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện dự án theo hợp đồng BT sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về hiệu quả kinh tế, tài chính và pháp lý. Cùng với tính cấp thiết thực hiện ngay dự án, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo dừng đầu tư dự án theo phương thức hợp đồng BT và chuyển về hình thức đầu tư công.

Hiện nay, Tổ công tác của TP cùng với nhà đầu tư đang tập trung rà soát để đề xuất với UBND TP một phương thức đầu tư hợp lý nhất và sẽ đề xuất với lại HĐND TP thông qua dự án này.

Các thủ tục đang tiến triển khá thuận lợi và sẽ báo cáo để công bố dự án này trong dịp TP kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng dự kiến được xây dựng với kinh phí 1.850 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Khuôn viên dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng rộng hơn 14.400 m2. Theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, mật độ xây dựng của dự án là 50%, hệ số sử dụng đất 2.0. Công trình sẽ có ba tầng nổi và 3,5 tầng hầm. Tổng diện tích sàn (tính cả phần ngầm) là hơn 59.600 m2.

Công trình sẽ đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu 13 môn thể thao như: bóng chuyền, bóng rổ, đấu kiếm, cầu lông, võ vật, bóng ném... với 4.000-5.000 ghế ngồi.

Theo kế hoạch, trường hợp có thi tuyển phương án thiết kế, TP sẽ thực hiện vào năm sau, khởi công năm 2026 và hoàn thiện năm 2028.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem