"Quỳnh Hoa nhất dạ" do Live On sản xuất và CJ HK Entertainment phát hành, dự kiến bấm máy đầu năm 2021. Trong dự án này, Thanh Hằng hóa thân thành Lưỡng triều Hoàng hậu Dương Vân Nga và là nhà sản xuất. Thanh Hằng muốn cùng ê-kíp (đạo diễn Lý Minh Thắng, nhà thiết kế Thủy Nguyễn) mang đến một tác phẩm vừa khắc họa rõ nét về người phụ nữ có vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam vừa ngợi ca sự hào hùng của đất nước ở giai đoạn này.
Giám đốc sáng tạo của dự án để thực hiện những bộ trang phục cho "Quỳnh Hoa nhất dạ" là nhà thiết kế Thủy Nguyễn – cô từng để lại dấu ấn đậm nét khi thiết kế phục trang cho nhiều bộ phim như "Cô Ba Sài Gòn", "Tấm Cám – Chuyện chưa kể" …
Quá trình sáng tạo bộ phượng bào của hoàng hậu Dương Vân Nga trong "Quỳnh Hoa nhất dạ"
Không muốn khán giả cảm thấy quá xa lạ - khán giả lại nói trang phục đã đưa niên đại đi quá xa
Theo NKT Thủy Nguyễn, bộ phượng bào được lên ý tưởng dựa trên nghiên cứu của cô qua nhiều tư liệu lịch sử kết hợp với yêu cầu của đạo diễn về nhân vật, thêm vào đó một chút sáng tạo của bản thân. Cô gặp khá nhiều áp lực khi phải thiết kế trang phục cho một nhân vật lịch sử, lại là người ở vị trí mẫu nghi thiên hạ. "Ba tiêu chí hàng đầu mà mình đặt ra cho bộ phượng bào này là: thể hiện được quyền uy của nhân vật, đẹp và không tạo cảm giác 'quá cũ'. Mình không muốn để khán giả cảm thấy quá xa lạ khi nhìn vào trang phục của nhân vật, dù họ đang xem một bộ phim về thời xưa.
Giám đốc sáng tạo cũng cho hay: "Màu đỏ được NKT Thủy Nguyễn lựa chọn cho bộ phượng bào mà Dương Vân Nga mặc trong ngày cưới và cũng là ngày lên ngôi hoàng hậu, bởi đây là màu sắc rực rỡ dành cho thời khắc nhiều ý nghĩa này. Trang phục nặng tới 9,5kg, gồm 5 lớp áo giao lĩnh lớn, nhỏ từ trong ra ngoài (còn gọi là trường lĩnh); 2 lớp váy; tà áo kéo từ trái qua phải với hàng nút sao gắn tỉ mỉ giữa ngực. Thiết kế cầu kỳ nhiều lớp, cùng dáng áo thụng và tay áo dài rộng chính là một chuẩn mực để thể hiện vị trí tôn quý của người mặc trong xã hội bấy giờ. Bên cạnh đó, bộ trang phục còn mang một sức nặng không hề nhỏ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. "Người khoác lên mình bộ phượng bào không chỉ chịu sức nặng của nhiều lớp trang phục, mà còn gánh trên vai trọng trách to lớn đối với một triều đình, một đất nước" – nữ diễn viên Thanh Hằng đã chia sẻ cảm xúc khi mặc lên mình bộ phượng bào.
Cũng bởi sự cầu kỳ trong thiết kế mà bộ phượng bào đã cần tới 6 tháng để hoàn thành. Hơn 1.000 giờ để may vá, thêu dệt sao cho các họa tiết và màu sắc giữa từng lớp trang phục phải kết hợp hài hòa, chuẩn xác và thực sự đẹp mắt… là một thử thách không nhỏ với những nghệ nhân. Điều này một lần nữa cho thấy tâm huyết và sự đầu tư của êkíp dành cho bộ phim nói chung, và cho tạo hình của một nhân vật đặc biệt như Dương Vân Nga nói riêng – êkíp sản xuất chia sẻ.
Mất rất nhiều công sức để tạo nên bộ trang phục cho nhân vật Dương Vân Nga nhưng những nhận xét của khán giả khi chiêm ngưỡng bộ phượng bào đang gặp phải rất nhiều dấu hỏi.
Trên một diễn đàn phim ảnh có nhận xét như sau: "Nhìn vào bức ảnh vừa được chia sẻ trên trang Facebook của phim, có thể thấy nữ diễn viên Thanh Hằng đang mặc một dạng thức trang phục quá xa lạ so với người Việt. Rất tiếc khi nói rằng, êkíp phục trang của "Quỳnh Hoa Nhất Dạ" đã sử dụng một dạng thức trang phục mang đậm ảnh hưởng của triều đại Mãn Thanh lên một nhân vật sống vào thế kỉ thứ 10. Đây là điều khó chấp nhận".
Đồng tình với ý kiến trên, nhiều bình luận góp ý: "Người ta thường đánh giá văn hóa một nước qua nền điện ảnh của nước đó đúng không? Theo mình thì đã là một bộ phim điện ảnh, lấy bối cảnh trong lịch sử nhân vật có thật trong lịch sử để công chiếu đại trà, tự động người xem ít nhiều mặc nhận "à, thế là lịch sử như này, thời đại đó như này", rồi về sau mỗi khi liên tưởng và nhận thức về thời đại đó sẽ lại ít nhiều nhớ đến hình ảnh đã được đập vào mắt. Thế nên đã làm thì làm cho tới, công trình mượn nhân vật có tầm ảnh hưởng, diễn viên có tầm ảnh hưởng, lại không đem lại nhận thức đúng đắn thì hơi tiếc nhỉ", "Phim dã sử nên cũng không soi trang phục làm gì. Nhưng cái kiểu biến tấu từ Tàu như này thì thua"; "Không hiểu nổi luôn, mấy trang Việt Nam cổ phục đầy ra mà không tham khảo"...
Nhà sản xuất hứa hẹn về độ lộng lẫy của trang phục, khán giả lại cho rằng sự phù hợp mới là đạt
Theo chia sẻ của nhà sản xuất, "Quỳnh Hoa nhất dạ" sẽ khắc họa nhiều cột mốc quan trọng trong cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga. Chính vì vậy khán giả hoàn toàn sẽ có cơ hội được thấy những trang phục lộng lẫy hơn nữa của riêng Dương Vân Nga và những nhân vật khác trong phim.
Chia sẻ về các chi tiết hoa văn trên chiếc phượng bào, NTK Thủy Nguyễn cho biết: "Nếu như màu sắc thể hiện tính chất sự kiện của trang phục, thì yếu tố tạo nên điểm nhấn cho phượng bào chính là các họa tiết hoa quỳnh và hoa sen được thêu tỉ mỉ, kỳ công trên phượng bào. Hoa quỳnh là chi tiết liên quan đến hình tượng nhân vật trong kịch bản, còn hoa sen là hình ảnh quen thuộc xuất hiện trong tất cả những nơi thờ cúng Thái hậu Dương Vân Nga mà NKT Thủy Nguyễn từng ghé thăm. Hai loài hoa này không chỉ là biểu tượng cho sự thuần khiết và cao quý, mà còn giúp trang phục toát lên một nét đẹp đậm chất Việt Nam – yếu tố được đề cao trong phim. "Thủy luôn mong muốn trang phục của mình không chỉ góp phần kể câu chuyện của nhân vật mà còn thể hiện được nét văn hóa Việt Nam trong đó, với trang phục của nhân vật Dương Vân Nga trong "Quỳnh Hoa nhất dạ" cũng vậy".
Một bạn độc giả yêu lịch sử cho biết, ngày càng có nhiều dự án lấy cảm hứng từ lịch sử đã tạo nên sự lan tỏa tình yêu sử Việt đối với công chúng, đó là điều rất cần được khích lệ, hoan nghênh. Tuy nhiên, trang phục mà diễn viên Thanh Hằng khoác lên người trong bộ ảnh của phim "Quỳnh Hoa nhất dạ" vừa tung ra (do nhà thiết kế Thủy Nguyễn thực hiện) rất có vấn đề về kiểu dáng, nhất là phần cổ áo.
"Được biết, nhà thiết kế Thủy Nguyễn gọi đó là trang phục giao lĩnh, nhưng trong số các trang phục của diễn viên Thanh Hằng mặc – rất nhiều lớp, chỉ có duy nhất một lớp đúng với giao lĩnh (áo trắng, 2 vạt chéo nhau). Còn những lớp khoác bên ngoài, đặc biệt nhìn phần hoa văn trên cổ áo - vắt ngang cổ và sau đó kéo xuống thân áo, thì có thể khẳng định đó là dạng thức trang phục đậm chất Mãn Thanh, xuất hiện vào trung kỳ và hậu kỳ thời Thanh (khoảng thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20). Trong khi nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga mà phim đề cập là người phụ nữ quyền lực sống vào thời Đinh - Tiền Lê, khoảng thế kỷ thứ 10, khoảng cách niên đại rất xa. Nên việc sử dụng trang phục ảnh hưởng như vậy rất khó chấp nhận, nhất là trong cộng đồng yêu lịch sử", anh cho biết.
Người này cũng cho rằng trong tấm poster đầu tiên, trang phục Thái hậu Dương Vân Nga có nhiều lớp, nhìn tổng thể thì đẹp, nhưng xem những hình sau đó với các lớp áo bên trong thì có vấn đề. Trong lịch sử các triều đại Việt Nam: Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần chưa hề xuất hiện dạng thức trang phục như vậy. Rất khó có thể nói tư liệu hiện tại về trang phục các thời trên khan hiếm hay không thể có. Vì trong vòng 2 - 3 năm gần đây, phong trào phục dựng cổ phong, nhất là của giới trẻ yêu sử Việt, có những tác động sâu rộng.
"Chúng ta không đả kích về tính mỹ thuật vì đó là những phong cách rất riêng, sự phối màu, dấu ấn hoa văn… của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, chỉ có kiểu dáng sai lệch nếu nói đó là giao lĩnh", độc giả nhận xét. Và điều này cũng được thấy rõ qua rất nhiều hình ảnh được so sánh trên các diễn đàn liên quan đến cổ phong.
Theo một độc giả, êkíp làm phim có thể tham khảo thêm tài liệu từ các hội nhóm, những người nghiên cứu trẻ về dạng thức của loại trang phục triều Đinh - Tiền Lê, vì qua nghiên cứu hoàn toàn có thể đối chiếu, so sánh để có thể thực hiện vừa chuẩn với thẩm mỹ hiện đại và kết hợp từ kiểu dáng truyền thống, đó là điều hoàn toàn có thể làm được.
Không những có ý kiến về sự sai lệch lịch sử niên đại của thiết kế này, những nhìn nhận về chất liệu của trang phục cũng được đưa ra bàn tán. Một bạn đọc khác nhận xét:
"Tôi không biết nhà thiết kế Thủy Nguyễn đã tham khảo được những gì, từ những nguồn thông tin nào, nhưng với hiểu biết và nhận định của tôi thì: Thời phong kiến của một đất nước nông nghiệp hoang sơ và cách nay cả ngàn năm về trước... thì không cách nào có những trang phục "tầng tầng lớp lớp" và quá mức lộng lẫy như những mẫu trang phục trên ảnh minh họa ở bên trên. Một thiết kế đạt, (theo tôi) thì phải "Phù Hợp" càng nhiều càng tốt. Phù hợp về niên đại, phù hợp về bối cảnh, phù hợp về nhân vật. Nếu ở thời điểm 1100 năm trước, hoàng tộc vẫn chỉ mặc áo vải thô vì bối cảnh đất nước vừa qua cuộc đao binh, chưa phục hồi được kinh tế xã hội, thì nhà thiết kế vẫn phải làm ra những trang phục theo kiểu vải thô. (Còn việc góc máy, lên phim có huyền ảo, có rực rỡ, có sang quý hay không thì đó là vấn đề của đạo diễn phim). Nghĩ làm sao mà một đất nước vừa qua loạn chiến tranh 12 sứ quân suốt nhiều năm liền, lại là đất nước hơn 80% nông nghiệp lạc hậu, lại có được áo mão cân đai rực rỡ bề thế đến mức như kia? Chả lẽ muốn... đề cao sự bòn rút của triều đình với dân nghèo (để nhằm có cuộc sống xa hoa) chăng?".
Sẽ có một "Quỳnh Hoa nhất dạ" chỉn chu mang đến cái nhìn chuẩn, đẹp nhất về lịch sử
Chia sẻ về khoảnh khắc khi hoàn thành bộ phượng bào sau nhiều tháng tâm huyết, NTK Thủy Nguyễn nói rằng cô thực sự xúc động: "Ngay khi nhìn thấy Thanh Hằng khoác lên mình bộ phượng bào và tỏa ra khí chất của một hoàng hậu, mọi lo lắng và áp lực theo mình trong suốt thời gian qua đã được giải tỏa. Mình rất hồi hộp chờ đợi và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của khán giả". Còn Thanh Hằng cho biết cô cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh khi khoác lên mình bộ trang phục, đồng thời háo hức và mong chờ đến ngày được hóa thân hoàn toàn vào nhân vật đặc biệt.
Nhà sản xuất cho biết ê-kíp phim cảm ơn và trân trọng những ý kiến đóng góp của khán giả và sẽ tiếp thu để hoàn thiện hơn cho các thiết kế phục trang tiếp theo của phim. Trên fanpage của phim "Quỳnh Hoa nhất dạ", nhà sản xuất đã chia sẻ: "Vì thời Đinh - Tiền Lê trong sách sử không có nhiều tư liệu ghi chép nên khó tránh sẽ có một số sai sót, đồng thời êkíp "Quỳnh Hoa nhất dạ"mong sẽ nhận được sự đồng hành và đóng góp cho êkíp trong thời gian tới để cùng mang đến một "Quỳnh Hoa nhất dạ"thật chỉn chu. "Êkíp "Quỳnh Hoa nhất dạ" vô cùng cảm ơn những lời góp ý của các khán giả yêu và đam mê cổ phong, sử Việt để dự án điện ảnh sử "Quỳnh Hoa nhất dạ", có thêm động lực hoàn thiện hơn và mang đến cái nhìn chuẩn, đẹp nhất về lịch sử nước mình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.