Một nước Đông Nam Á đưa sầu riêng tấn công thị trường Trung Quốc, Việt Nam thêm sức ép cạnh tranh?
Một nước Đông Nam Á đưa sầu riêng tấn công thị trường Trung Quốc, Việt Nam thêm sức ép cạnh tranh?
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 28/02/2023 06:21 AM (GMT+7)
Xuất khẩu nhiều loại trái cây của Việt Nam - trong đó có sầu riêng - sang Trung Quốc ngày càng khởi sắc. Trong khi đó, Philippines cũng đang lên kế hoạch đưa trái sầu riêng tấn công thị trường Trung Quốc
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 242 triệu USD, giảm 22,6% so với tháng 12/2022 và giảm 16,8% so với tháng 1/2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, xuất khẩu hàng rau quả giảm trong tháng 1/2023 phần lớn là do có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc cũng có cùng lịch nghỉ tết, do đó xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này giảm.
Hoạt động xuất khẩu gián đoạn bởi dịp nghỉ tết khiến trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… cũng giảm trong tháng 1/2023.
"Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến".
Ông Nguyễn Như Cường -
Cục trưởng Cục Trồng trọt
Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong những tháng tới, xuất khẩu hàng rau quả có nhiều tín hiệu tích cực, bởi thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng chính sách "Zero Covid".
Đáng chú ý, tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2023 rất khả quan, bởi trong năm 2022 thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa chính ngạch cho nhiều loại rau quả của Việt Nam như sầu riêng, khoai lang.
Tuy nhiên, trái sầu riêng của Việt Nam sắp tới sẽ có thêm đối thủ cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc. Theo nguồn globaltimes.cn, Bộ Nông nghiệp Philippines sẽ mở rộng sản xuất sầu riêng bằng cách đào tạo thêm nông dân địa phương, sau khi ký kết thỏa thuận xuất khẩu với Trung Quốc.
Được biết, ngày 4/1/2023, Philippines và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng tươi, cùng với Việt Nam và Thái Lan cung cấp trái cây tươi cho Trung Quốc.
Năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 821.500 tấn sầu riêng tươi. Năm 2022 bất chấp tác động của dịch Covid-19, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc ước tính đạt 800.000 tấn.
Lo ngại việc trồng sầu riêng ồ ạt
Xuất khẩu trái cây, trong đó có sầu riêng sang Trung Quốc thuận lợi đã thúc đẩy giá sầu riêng trong nước tăng nhanh nhưng cũng xuất hiện nguy cơ tăng diện tích ồ ạt.
"Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam" - ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định.
Để phát triển sầu riêng bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, trong Công văn số 140/TT-CCN ngày 23/2/2023, Cục Trồng trọt đề nghị các Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ trồng sầu riêng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 8084 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông.
"Việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý; thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng" - ông Nguyễn Như Cường khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.