Một xã của Hậu Giang chuyển đổi số như thế nào mà hơn 80% hộ dân biết giao dịch trên Smartphone?

Hồng Cẩm Thứ tư, ngày 15/11/2023 10:35 AM (GMT+7)
Xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A là xã nông thôn mới kiểu mẫu thứ 3 của tỉnh Hậu Giang thực hiện chuyển đổi số với nhiều kết quả ấn tượng. Hơn 90% hộ dân thanh toán tiền điện, nước không bằng tiền mặt; hơn 80% hồ sơ của người dân được nộp trực tuyến; 92% người dân tiếp cận được thông tin dựa trên nền tảng công nghệ…
Bình luận 0

Lấy người giỏi hướng dẫn, dạy cho người chưa biết

Ông Phạm Quốc Việt – Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết: Năm 2017 xã Thạnh Xuân được công nhận xã nông thôn mới (NTM), tháng 6/2020 xã được công nhận NTM mới nâng cao, tháng 7/2023 được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Để có được kết quả đó là cả một lộ trình nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là giai đoạn xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Xã Thạnh Xuân của tỉnh Hậu Giang thực hiện chuyển đổi số như thế mà hơn 80% hộ dân biết giao dịch trên Smartphone? - Ảnh 1.

Xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A là xã nông thôn mới kiểu mẫu thứ 3 của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồng Cẩm

Theo Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, để được công nhận xã NTM kiểu mẫu thì xã phải được tái công nhận 19 tiêu chí NTM nâng cao. 

Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của nhân dân, sau khi hoàn thành xã NTM nâng cao, xã được các sở, ban ngành tỉnh tái công nhận lại 19 tiêu chí nâng cao và tiến hành xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

 "Xã Thạnh Xuân là xã nông thôn, nhưng 6 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu đều gắn với chuyển đổi số, trong đó có 5 tiêu chí bắt buộc là thu nhập, cảnh quan môi trường, sản xuất, mô hình ấp thông minh, chuyển đổi số và 1 tiêu chí tự chọn là văn hóa du lịch. Chính vì thế mà ban đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng, phải chờ và nhờ các sở, ngành tỉnh, bộ hướng dẫn liên tục.

Có những tiêu chí chúng tôi phải xin văn bản nhiều lần, các sở liên quan mới hướng dẫn thực hiện. Khó nhất là tiêu chí thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông, chuyển đổi số, phát triển về kinh tế số, nông nghiệp số, xã hội số, chính quyền số… 

Những tiêu chí này đều mới so với địa phương, nhất là Thạnh Xuân là xã nông thôn, sự chênh lệch tiếp cận thông tin giữa thành thị và nông thôn rất lớn, kể cả CBCC, NLĐ, đặc biệt là người nông dân tiếp cận công nghệ thông tin rất khó khăn"- Ông Phạm Quốc Việt, chia sẻ.

Xã Thạnh Xuân của tỉnh Hậu Giang thực hiện chuyển đổi số như thế mà hơn 80% hộ dân biết giao dịch trên Smartphone? - Ảnh 2.

HTX ba ba Thạnh Lợi là HTX đầu tiên của xã Thạnh Xuân sử dụng phần mềm kế toán, tem truy xuất nguồn gốc trên trang nông sản Hậu Giang. Ảnh: Hồng Cẩm

Tuy nhiên, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh, xã Thạnh Xuân thành lập ban chỉ từ đạo xã đến ấp, do người đứng đầu chi bộ, Đảng bộ làm Trưởng ban. Xã thực hiện theo từng lộ trình cụ thể, trong lộ trình địa phương thực hiện những tiêu chí dễ sẽ thực hiện trước, rồi từng bước thực hiện các tiêu chí khó.

Để thực hiện được các tiêu chí liên quan chuyển đổi số xã tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, nhất là cấp tỉnh, đặc biệt là sở Thông tin truyền thông, tổ chức các lớp tập huấn cho CBCC, NLĐ. Từ đó chọn những người giỏi tập huấn, dạy lại cho nhưng người chưa biết và cứ thế nhân rộng. 

Đặc biệt xã ưu tiên tập huấn cho đối tượng đoàn thanh niên, học sinh - những đối tượng tiếp cận CNTT nhanh để về hướng dẫn lại cho gia đình.

Song song đó xã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng, giao cho đoàn thanh niên, phụ nữ kết hợp với trưởng ấp thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng ở 9/9 ấp. 

Đầu tiên là các thành viên công nghệ số cộng đồng tạo cho mỗi hộ gia đình một tài khoản dịch vụ công; cài đặt và hướng dẫn sử dụng App của tỉnh (App Hậu Giang), mạng xã hội zalo… tạo tài khoản ví điện tử, yêu cầu các hộ dân đến ngân hàng gần nhất cài đặt tài khoản banking để thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến, như: trả tiền điện, tiền nước, nhận tiền chính sách…

Bà Lê Ngọc Điệp, Bí thư chi bộ ấp So Đũa Lớn, cho biết: Khó khăn ban đầu trong thực hiện chuyển đổi số của ấp là ấp có nhiều hộ dân lớn tuổi, tiếp cận công nghệ thông tin chậm. Tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ của đoàn thanh niên và hội phụ nữ liên tục xuống ấp tổ chức hướng dẫn cho bà con tận tình nên chỉ trong thời gian ngắn ấp So Đũa Lớn đã có 80% hộ dân cài đặt, sử dụng thông thạo các App giao dịch và tài khoản banking ngân hàng… Đặc biệt hiện xã có khoảng 10 hộ dân đã đưa sản phẩm nông sản của mình lên các sàn giao dịch để kinh doanh.

Người dân nhiệt tình hưởng ứng

Bằng cách làm đó, trong năm 2022 xã Thạnh Xuân hơn 90% hộ dân (còn những hộ chưa sử dụng Smartphone) đã thanh toán tiền điện, nước bằng ví điện tử, nhận lương hưu và các khoản tiền khác từ tài khoản ngân hàng và hơn 80% hộ gia đình tạo được tài khoản dịch vụ công (mỗi một hộ tạo được từ 1-2 tài khoản, tuỳ vào hộ có số người sử dụng smartphone), 80% hồ sơ được nộp trực tuyến; 92% người dân tiếp cận được thông tin về chủ trương, chính sách, an ninh trật tự, thủ tục hành chính… dựa trên nền tảng công nghệ.

Xã Thạnh Xuân của tỉnh Hậu Giang thực hiện chuyển đổi số như thế mà hơn 80% hộ dân biết giao dịch trên Smartphone? - Ảnh 3.

Đường giao thông nông thôn của xã Thạnh Xuân. Ảnh: Hồng Cẩm

Từ đó việc giao dịch của người dân được nhiều thuận lợi, tránh đi lại mất thời gian, thực hiện nhanh, an toàn, tiết kiệm nên người dân rất đồng tình ủng hộ.

Đặc biệt, thực hiện xã NTM kiểu mẫu, xã Thạnh Xuân được cấp trên quan tâm đầu tư lắp đặt hệ thống wifi miễn phí cộng đồng tại 9 cơ sở nhà văn hóa ấp và trụ sở cơ quan hành chính đều được lắp đặt wifi miễn phí để cho người dân sử dụng, thường xuyên nâng cấp băng thông để người dân thực hiện các dịch vụ tốt nhất. 

Bên cạnh đó, các hộ dân tự lắp đặt hệ thống wifi, hệ thống camera an ninh gắn kết với công an xã để quản lý trật tự an ninh xã hội tốt…

Ngoài ra tại các tổ chuyển đổi số công đồng thành lập, hướng dẫn bà con nông dân các mô hình sản xuất ra các mặt hàng nông nghiệp như là cây ăn trái, rau quả, sản phẩm ocop… hướng dẫn người dân đăng bán trên các sàn thương mại điện tử, như: vỏ sò, lazada. 

Kết nối với Viettel post trung chuyển hàng hóa cho người dân đến với khách hàng, thanh toán trực tuyến. Hiện xã có 70-80 sản phẩm của bà con nông dân được đăng bán trên các sàn giao dịch điện tử, như: Chanh không hạt, sầu riêng, cá thát lát, cam xoàn, cam mật…

Xã Thạnh Xuân của tỉnh Hậu Giang thực hiện chuyển đổi số như thế mà hơn 80% hộ dân biết giao dịch trên Smartphone? - Ảnh 4.

Thực hiện chuyển đổi số người dân xã Thạnh Xuân đã biết đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử để kinh doanh. Ảnh: Hồng Cẩm

Ông Phan Văn Lai (ấp Trầu Hôi), chia sẻ: Ông có người con làm thủ quỹ ở xã nên ngay từ lúc ấp vận động chuyển đổi số con ông đã hỗ trợ ông các các App trên điện thoại, tài khoản banking và cách tham gia bán hàng trên sàn giao dịch vỏ sò. Hiện gia đình ông và bà con trong ấp đóng tiền điện, nước bằng chuyển khoản. 

Đặc biệt gia đình ông trồng 6 công chanh không hạt, lúc trước giá cả bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái. Từ lúc biết sàn giao dịch vỏ sò ông đã đăng bán, vừa có giá vừa có nhiều thương lái khác biết tìm đến tạo sự cạnh tranh nên giá bán ra cao hơn lúc trước nhiều.

"Thực hiện chuyển đổi số bà con hưởng lợi nhiều nhất. Được mở mang kiến thức, giao dịch mua bán được rộng rãi hơn… nên bà con nhiệt tình ủng hộ chính quyền thôi"- Ông Lai nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem