Mua bán bào thai sẽ bị xử lý thế nào?

Bảo Uyên Thứ tư, ngày 12/12/2018 15:16 PM (GMT+7)
Mua bán bào thai là hình thức hoạt động mới, biến hóa phức tạp của nạn mua bán người. Theo luật sư, việc mua bán bào thai sẽ bị xử lý hình sự.
Bình luận 0

Trong thời gian gần đây, dư luận vô cùng ngỡ ngàng trước những thông tin về việc mua bán bào thai diễn ra ở vùng miền núi Nghệ An. Theo các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, những phụ nữ có thai từ 6-8 tháng được các đối tượng đưa sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch để sinh con. Những đứa trẻ sơ sinh được bán ngay sau khi sinh xong với giá từ 60-80 triệu đồng.

Năm 2018, cơ quan công an tỉnh này đã bắt giữ 16 vụ, giải cứu hơn 40 nạn nhân.

Trao đổi với Dân Việt về tình trạng mua bán bào thai, luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: "Mua bán bào thai (thai nhi, đứa bé chưa được sinh ra đời) là hình thức hoạt động mới, biến hóa phức tạp của nạn mua bán người".

Cũng theo luật sư Yến, hiện nay, mua bán bào thai thường được thực hiện thông qua các hình thức, thủ đoạn xảy ra như sau:

Thứ nhất, mua bán bào thai diễn ra khi người mẹ còn mang thai nhưng thời điểm mà đối tượng nhận con và giao hết số tiền sau khi sinh (thường sau khi sinh ít ngày hoặc một, hai tháng). Nghĩa là tội phạm hoàn thành khi đứa trẻ đã sinh ra và bị cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện. Trường hợp này, đối tượng giao dịch mua bán cả người mẹ và bào thai (người mẹ là nạn nhân của hành vi mua bán).

img

Những phụ nữ có thai từ 6-8 tháng được các đối tượng đưa sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch để sinh con. Ảnh minh họa. I.T

Thứ hai, mua bán người mẹ đang mang thai nhưng thời điểm mà đối tượng nhận người mẹ (đứa con vẫn chưa ra đời, người mẹ vẫn đang mang thai), bị cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện (người mẹ là nạn nhân của hành vi mua bán).

Thứ ba, trường hợp đối tượng chỉ mua bán bào thai, có sự thống nhất của người mẹ (thường do người mẹ có dấu hiệu tư lợi để kiếm tiền), người mẹ bán thai nhi để lấy tiền tiêu rồi đợi ngày sinh để bàn giao đứa con của mình cho người khác. Đối tượng sẽ lên kế hoạch đưa người này ra nước ngoài để sinh con và giao đứa bé cho bên mua, sau đó người mẹ sẽ quay lại Việt Nam.

Luật sư này cũng cho biết, hành vi mua bán bào thai trên tùy từng trường hợp bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Cụ thể như sau:

Luật Đầu tư năm 2014 quy định rõ về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, gồm: mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người. Việc mua bán người, trẻ em bào thai được xác định là ngành nghề cấm kinh doanh. Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Theo luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về hành vi mua bán người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác, tùy từng tường hợp bị phạt tù đến 20 năm (Điều 150). Trường hợp nếu đứa trẻ là đối tượng của hành vi mua bán người thì được xác định có dấu hiệu của tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151, bị phạt tù đến chung thân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem