Mường Nhé không còn lo đói

San nguyễn Thứ bảy, ngày 11/07/2015 08:54 AM (GMT+7)
Huyện Mường Nhé (Điện Biên) hiện có 10 dân tộc cùng sinh sống tại 97 bản thuộc 11 xã, với trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của nhân dân phần lớn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 53,8%. 
Bình luận 0

Theo ông Lò Văn Hùng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Nhé, năm 2002, khi mới thành lập toàn huyện chỉ có 2 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đến nay 100% số xã đã có đường ô tô; hơn 40% số bản có đường ô tô, đường dân sinh đến bản, trên 70% hộ gia đình được cung cấp nước sinh hoạt.

img
Đồng bào các DTTS huyện Mường Nhé đã có trên 70% hộ gia đình được cung cấp nước sinh hoạt. Ảnh: San Nguyễn

“Một trong nhiều các chính sách hỗ trợ thiết thực nhất đối với người dân đó là chương trình hỗ trợ các loại giống nông nghiệp theo Quyết định 102 của Chính phủ. Thời gian qua huyện Mường Nhé đã cấp hàng chục tấn giống các loại như lúa, ngô, đậu tương cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết về an ninh lương thực và nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân; tạo điều kiện cho hộ nghèo có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống” – ông Hùng cho hay.

Nhớ 3 năm về trước, do thiếu nước tưới tiêu nên toàn bộ diện tích lúa của bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé chỉ cấy được 1 vụ. Ngoài thời gian làm vụ mùa, người dân chủ yếu đi phát nương, làm rẫy nhưng vẫn không đủ ăn. Từ khi công trình thủy lợi Huổi Đanh với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ hoàn thành đưa vào sử dụng, cuộc sống của hơn 30 hộ dân trong bản đã bớt nhiều khó khăn, không còn thường trực nỗi lo thiếu lương thực như trước đây nữa. Từ chỗ đủ lương thực, người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, đời sống ngày một khấm khá lên.

Ông Nguyễn Sĩ Văn, người bản Phiêng Kham chia sẻ: “Lúc trước, nhà nào tự túc được lương thực là đã giỏi lắm rồi, nhưng nay hộ nào trong bản cũng đã có ngô, lúa bán ra thị trường và sử dụng cho chăn nuôi”.

Còn đối với hơn 20 hộ với gần 120 khẩu tại bản Nà Pán, xã Mường Nhé, mặc dù nằm ngay cạnh trung tâm huyện, nhưng bà con lại sinh sống trên các sườn đồi, triền núi nên trước đây mọi sinh hoạt như tắm, giặt hay thậm trí là nước ăn đều dùng chung dưới suối không đảm bảo vệ sinh. Trước thực tế đó, Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu cho UBND huyện đầu tư hệ thống nước sinh hoạt về tận bản, người dân ở đây vô cùng phấn khởi, không còn phải xuống suối gùi từng can nước như trước. “Từ khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng bà con ai cũng vui mừng. Chúng tôi sẽ cố gắng hướng dẫn bà con bảo quản, giữ gìn để sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả”- ông Lò Văn Thạch - Trưởng bản Nà Pán cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem