Mỹ Linh: "Mẹ định hình đời tôi"

Thứ bảy, ngày 08/05/2021 21:25 PM (GMT+7)
Mỹ Linh là hình mẫu nghệ sĩ bền bỉ cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Sau ba thập niên kể từ khi làm nghề, cô khẳng định chính mẹ - một cựu công nhân dược phẩm đã cho mình tất cả. Tuy nhiên, cô cũng có những kinh nghiệm làm mẹ riêng để chia sẻ.
Bình luận 0

Ngày của Mẹ bắt đầu được biết đến ở Việt Nam. Mỹ Linh có kỷ niệm gì về ngày này?

- Một lần Duy con trai tôi mới độ lớp 3-4 tự dưng mang về tặng tôi bức tranh kèm một bài thơ bằng tiếng Pháp hay lắm, trong đó ví mẹ là khu vườn… Mẹ xúc động quá ôm ông ấy vào lòng: “Ôi sao Duy giỏi thế biết làm thơ tặng mẹ”. “Đâu cô bảo có 3 bài chọn bài nào chép thì chép xong rồi vẽ vào mang về đưa mẹ”. Đấy là một kỷ niệm không bao giờ quên để nói rằng đúng là ngày này không phải của Việt Nam nhưng việc mang nó về Việt Nam cũng rất hay. Thực ra Việt Nam cũng có truyền thống chuộng các ngày kỷ niệm. Thế giới có gì, Việt Nam thường có nấy. Nước mình có truyền thống hiếu kính với mẹ. Ngày nào chả là ngày của mẹ, nhưng có một ngày rõ ràng để tôn vinh như thế thì cũng rất hay, ý nghĩa.

Với mẹ chồng, phải lịch sự

Mỹ Linh thường chọn những dịp nào trong năm để thể hiện tình cảm với mẹ của mình và thể hiện bằng những hình thức nào?

- Tôi thể hiện tình cảm với… mẹ chồng có khi nhiều hơn. Thường là như thế. Vì là mẹ mình, đương nhiên là mình được yêu. Và tình cảm ấy cho dù có thể hiện ra ngoài hay không thì nó vẫn luôn ở đấy. Chứ nó không phải loại tình cảm phải có đi có lại. Nhiều khi cuộc sống quá bon chen, mình cũng mệt, xong mình cũng hơi ích kỷ, nên toàn mẹ yêu mình đấy chứ.

Mẹ thì sống ở gần nhà toàn nấu các thứ mang sang cho. Xong thể nào cũng bảo: “Mẹ biết ơn con lắm. Lúc gia đình mình khó khăn, mày đi làm hai chục đồng cũng đưa mẹ để mua thịt cho cả nhà ăn cơm”... Mình đi kiếm tiền từ năm 16 mà, kiếm được bao nhiêu đưa mẹ hết cho đến khi lấy chồng.

Kể cũng… sướng đấy chứ. Mấy ai được mẹ cảm ơn thế đâu?!

- Cũng chả sướng. Mình cũng chả thích mẹ mình nghĩ thế. Nên là mình phải bảo: “Thế ai đẻ ra con. Sao mẹ cứ phải nghĩ những việc như thế. Sao mẹ cứ tính thế nhỉ”. Mình lại cãi mẹ mình nhiều hơn là cãi mẹ chồng. Thì đứa con bao giờ cũng có cái ích kỷ. Nó biết nó có quyền được yêu. Với mẹ chồng phải lịch sự, nói gì là phải vâng. Mẹ đẻ là phải “cãi”. Vì mình biết mình có cãi thế nào mẹ mình vẫn yêu mình. Thế nó mới là tình mẫu tử chỉ có một trên đời.

Mỹ Linh: "Mẹ định hình đời tôi" - Ảnh 1.

Mỹ Linh: "Mẹ sang lúc nào cũng mua các thứ. Mình kêu: "Sao mẹ mua cho con lắm thế. Con sợ béo con không ăn đâu. Mẹ đừng mua nữa". Mẹ: "Không, mẹ phải mua cho mày vì ngày xưa mẹ không bao giờ quên mày đi làm nuôi cả gia đình. Mẹ ơn mày lắm"…

Linh có hay nói câu “con yêu mẹ”?

- Có nhưng hiếm, chả lẽ mẹ con suốt ngày nói yêu nhau, thế nào ấy, không quen. Nhưng thỉnh thoảng cũng nựng mẹ như nựng trẻ con, kiểu “dạo này xinh xế”… Ngay các con của mình mà nói câu đó cũng chỉ trong những dịp đặc biệt, nhưng nhắn tin thì thường xuyên hơn. Chẳng hạn mình nhắn là: “Đi cẩn thận, mẹ yêu con” thì nó nhắn lại: “Vâng mẹ yên tâm. Con yêu mẹ”. Nói chung các mẹ của mình ngày xưa thì không thế. Làm gì biết nhắn tin.

Con nhà mình mỗi lần đạt được thành tựu gì đấy trong công việc thì bao giờ người đầu tiên mà nó chia sẻ là mình, để mình chia vui với nó. Có lúc thì nó bảo là “nhờ mẹ đấy” hoặc Anna sến hơn thì bảo là “You shape my life” (Tạm dịch: Mẹ định hình cuộc đời con - PV).

Theo Linh, người mẹ có vai trò thế nào trong cuộc sống và sự nghiệp của con cái? Và cụ thể trong trường hợp của Linh, mẹ có bao nhiêu phần đóng góp?

- Tất nhiên là quan trọng, vừa nuôi vừa dạy cơ mà. Các mẹ bây giờ thông thái, đặc biệt các mẹ trẻ hơn mình thì còn giỏi hơn nhiều. Linh mới đọc một bài của GS Trương Nguyện Thành khẳng định tầm nhìn của người mẹ rất quan trọng. Nhiều khi đứa con mất cơ hội vì tầm nhìn hạn chế của mẹ. Đa số chúng ta đều biết là mình biết gì nhưng lại không biết là mình không biết gì. Căn cứ vào tầm hiểu biết của mình mà người mẹ sẽ vẽ những cái vòng định hướng con mình trong đó. Những bà mẹ có chiến lược biết cách dạy con sẽ chỉ cho nó cái đích. Còn đường nó phải tự đi.

Cũng có những bà mẹ chủ yếu nuôi và dạy những bài học đạo đức đơn giản. Dẫu sao đa phần người mẹ Á Đông rất yêu con cái. Những mẹ yêu đúng cách thì con sẽ được hưởng. Yêu không đúng cách nhiều khi thành ra cản trở. Làm mẹ thế mà không dễ đâu nhé. Tại một người mẹ mà bình an, ấm áp thì cho con những năng lượng rất tốt. Còn những người mẹ cáu giận, tức tối, nhiều ẩn ức thì cũng sẽ dễ truyền những vấn đề của mình sang con.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu: Gia tài quý giá nhất mà bố mẹ dành cho con cái đó chính là hạnh phúc của riêng họ. Và món quà lớn nhất đứa con dâng lên cha mẹ là hạnh phúc của chính nó.

- Mình yên mình ổn thì bố mẹ hạnh phúc là đúng rồi. Chứ con mà có gì trắc trở, bố mẹ ăn không ngon ngủ không yên ấy chứ. Nói chung giờ càng ngày càng nhận ra làm gì cũng phải học. Thế mới có câu: Sinh con rồi mới sinh cha... Chỉ có khi con ra đời thì mình mới được làm mẹ. Thành ra đến đứa thứ ba thì mình rút kinh nghiệm lắm rồi, chứ đứa đầu thì hiểu biết của mình rất cạn. Làm mẹ là công việc khó nhưng hay nhất là mẹ nào cũng làm được. Tỷ lệ không làm được rất ít.

Mỹ Linh: "Mẹ định hình đời tôi" - Ảnh 2.

Gia đình ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Trương Anh Quân- Ảnh: NVCC

Mỹ Linh nói về các con: "Ba đứa giờ này đang ổn. Từ giờ chúng phải tự sống đời chúng. Nhưng bố mẹ cũng vẫn phải trực chiến. Để con gọi cái là có mặt. Nếu đã làm mẹ thì công việc ấy sẽ không bao giờ ngưng đâu".

Người Việt có câu “Phúc đức tại mẫu”…

- Cũng tại bố chứ. Nó gọi là “hồng phúc tổ tiên”. Con gái lại ăn lộc nhà chồng, phân tích ra nó lắm thứ, nhưng được cái gì cũng do hồng phúc của tổ tiên chứ. Có phải mình muốn mà được đâu. Giờ con cái như thế cũng là tổ tiên để lại cho. Nếu ông chồng cũng "dở hơi cám hấp" này nọ ra thì có khi cũng phải giải tán, thì con cái cũng ảnh hưởng...

Niềm tin của mẹ

Cụ thể Linh được như bây giờ bao nhiêu phần nhờ mẹ?

- Vai trò của mẹ giống mình làm cho Anna, tức là “shape my life”. Mẹ là công nhân. Trong một buổi mẹ đi cắt tóc thì tự nhiên có một ông đi qua. Linh đang ngồi cạnh mẹ, ông ấy bảo “Ơ trông con này hay nhỉ” rồi hỏi ngày tháng năm sinh. Rồi nói: “Con bé này về sau vua biết mặt chúa biết tên. Nó làm rạng danh gia đình nhà bà. Nó sẽ khá lắm đấy. Nó sẽ là một nghệ sĩ rất nổi tiếng”. Ông ấy nói thế dù không hề nghe mình hát. Lúc đấy mình mới 5 tuổi. Nhưng mẹ mình như những người phụ nữ vất vả khác có một niềm tin rất lớn, nếu không làm sao người ta sống được. Mẹ mình tin ngay điều đó là thật và từ đó coi mình là ca sĩ luôn. Đi đâu cũng tìm cách đưa mình lên sân khấu: “Cho cháu cầm micro hát một bài”. Hoặc có ai đến nhà là: “Con hát đi, nếu không là mẹ không nhìn mặt con nữa đâu. Không mẹ con gì nữa!”. Lớn hơn một chút thì gặp ai cũng gửi gắm, gửi cả bố chồng mình (nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh-PV) bây giờ.

Lần đó, ông đến dàn dựng cho văn nghệ cho nhà máy chỗ mẹ làm. Mẹ không tham gia văn nghệ nhưng vẫn chèo kéo bằng được nhạc sĩ lớn đến nhà mình ở một khu tập thể rất nghèo nàn chỉ để “nghe cháu nó hát xem có theo nghề được không”. Lúc đấy mình hơn 10 tuổi. Ông cũng lên bảo, cháu hát hay lắm chị ạ. Thì người ta cũng phải lịch sự thế... Về sau ông còn nhắc mình: “Tao lên nhà mày từ ngày mày còn bé tí, mẹ mày cứ chèo kéo bằng được”.

Đến lúc mình lên cấp 3 đi hát, thi vào trường nhạc, bố mình phản đối quyết liệt: “Làm cái nghề xướng ca vô loài, nhà này không có cái giống đấy”... Thời đấy nó thế. Nghèo lắm, các nghệ sĩ cũng nghèo. Mẹ mình chiến đấu bảo vệ mình kinh khủng và hậu thuẫn tất cả. Mẹ không có tiền, không có gì cho con ngoài một niềm tin và một tình yêu vô điều kiện. Hồi bé đi thi hát ở phường lúc nào mình cũng được Nhất, HCV. Tất cả các bằng chứng nhận mẹ mình treo trang trọng trong nhà. Nó là một niềm an ủi, một chỗ dựa về tinh thần… Một gia đình nghèo ít có thứ để tự hào lắm, nên là một đứa con mang về niềm tự hào thì nó hạnh phúc. Nhất là người nghèo lại còn hay lục đục, cãi vã.

Sau đấy lớn 17 gần 18 thấy yêu anh Bằng Kiều, vào ban nhạc đi hát, tối tối lúc nào bố mẹ cũng chờ đến 1h đêm. Bởi hồi đó mình đi hát bằng xe đạp, nhà tận dưới Thanh Xuân, hát xong đạp xe mãi mới về đến nhà. Mà hôm nào về cũng thấy bố mẹ dắt nhau ra đường đứng đợi con. Tối nào cũng như tối nào. Mình thì cứ mải chơi. Bạn rủ có khi ngồi lại tán chuyện đến 2h mới về. Tuổi trẻ mà. Giờ con mình cũng đi diễn, mình mới thấu hiểu tình cảm của mẹ mình lúc đấy. Mà bây giờ còn có tin nhắn “dọa nhau” con về đi, muộn rồi… các thứ.

Tất cả những gì mình đang có là nhờ mẹ định hình. Ngay cả đến khi cưới, mẹ cũng định hình luôn. Lúc ấy mình đang rất phân vân. Ca sĩ vừa nổi, ai muốn lấy chồng. Thì mẹ mình bảo: “Mẹ thấy thằng Quân là người tốt. Mẹ nhìn thấy cách nó chăm sóc con nó. Con lấy nó được”. Người mẹ có những bản năng ghê gớm như thế. Còn bố mình thì bảo: “Nếu con quyết lấy thằng Quân, con phải thương con Anna như con con đấy nhé”.

Mỹ Linh: "Mẹ định hình đời tôi" - Ảnh 4.

Mỹ Linh và mẹ Phạm Thúy Liễu. Ảnh: NVCC

Điều mà mình cảm thấy biến mình thành con người như bây giờ nhất chính là bố mẹ luôn nói với mình những điều tử tế như thế. Không bao giờ phân biệt giữa Anna với Duy. Mua cái này cho đứa này là mua cho đứa kia. Cũng có thể bởi vì mẹ mình cũng là thân phận con vợ lẽ, nên mẹ hiểu... Mẹ mình là con một ông giáo. Tất cả các anh chị của mẹ đều học giỏi, đỗ đạt cao. Nhưng mẹ mình con bà lẽ, lại là út nên không được học hành đến nơi đến chốn chứ mẹ mình thông minh lắm. Đi làm ở đâu cũng có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, được khen.

Sự độ lượng của mẹ là điểm tựa tinh thần rất lớn. Chứ suốt ngày phân biệt, kể lể, xót con (phải nuôi con chồng) thế này kia thì có khi mình lại động lòng.

Tựu chung lại, cho đến giờ này định hình mình kể cả con người nghệ sĩ lẫn người đàn bà bình thường là mẹ mình. Tất cả.

Linh có những nguyên tắc nào để nuôi dạy con cái?

- Mẹ chồng suốt ngày kêu mình “đội con lên đầu”. Nhưng quan điểm của Linh là lắng nghe và đối thoại. Nhà Linh ít khi mắng lắm. Cái thứ hai là lúc nào cũng ôm. Bởi mình cảm giác một cái ôm trước khi đi ngủ và một cái ôm đầu ngày ấm áp lắm. Bởi mình rất thích được ôm nên mình cũng rất thích được ôm người khác. Sau này đến Làng Mai mình mới biết có pháp môn gọi là thiền ôm. Tức là ôm để cho người kia giải tỏa hết đau buồn, để họ trải được lòng ra.

Tiếp theo đến bữa ăn là nói chuyện. Hồi đầu mọi người không có thói quen kể chuyện khi vào bữa, nhưng Linh tự kể chuyện của mình, chỉ là những chuyện như hôm nay đi đường gặp cái nọ cái kia. Đầu tiên mọi người chỉ nghe thôi, nhưng về sau khi đã thành thói quen thì như Mỹ Anh đi đâu về cứ đến bữa ăn là bắt đầu kể con ở đấy gặp người này, lúc đấy con stress thế kia. Mình lắng nghe. Mình ở đấy để nó có thể trút tất cả những điều đấy ra. Đấy là thứ mà mình đã thực hành rất lâu rồi. Mà không ai dạy cả. May quá đến Làng Mai thấy y chang. Ở Làng Mai, vào bữa ăn chỉ có 20 phút đầu là im thôi. Sau đó mọi người chia sẻ, chuyện trò với nhau. Tức là thầy Thích Nhất Hạnh cũng có chỉnh sửa để phù hợp với đời sống hiện đại. Tăng đoàn của Đức Phật là chuyên tu rồi. Còn mình tu tại gia, sao thế được. Mỗi bữa ăn là cơ hội hiếm hoi trong ngày để ngồi với nhau mà.

Tình mẹ con cứ tự nhiên mà có hay cũng cần nuôi dưỡng? Và nuôi dưỡng như thế nào cho phù hợp?

- Linh nghĩ là có nhưng không nhất thiết phải tặng nhau quà. Nó không đơn giản như thế. Nó là những thứ khác. Mỗi người sẽ tìm ra công thức của mình chứ không thể có mẫu số chung. Còn người ta cứ nghĩ ra ngày này kia để còn bán hàng, tặng quà chứ (cười). Chẳng hạn kỳ nghỉ của gia đình Linh vừa rồi, anh Quân rủ cả mẹ anh ấy đi cùng. Thì đấy là yêu đấy.

Mỹ Linh: "Mẹ định hình đời tôi" - Ảnh 6.

Mỹ Linh cùng mẹ và con gái Mỹ Anh- Ảnh: NVCC


Nguyễn Mạnh Hà (Tiền phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem