Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản tăng tốc thu gom, Việt Nam thu 10 tỷ USD nhờ bán cá tôm, kỷ lục chưa từng có

K.Nguyên Thứ tư, ngày 02/11/2022 06:30 AM (GMT+7)
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận 0

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành thuỷ sản. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU là những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam, đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định FTA cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022. 

Xuất khẩu thuỷ sản 10 tháng đầu năm đạt 9,5 tỷ USD - Ảnh 1.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến hết tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: VASEP.

VASEP cho biết, tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19%. Xuất khẩu tôm năm 2022 dự kiến đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD, tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 1,5 tỷ USD.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (VASEP) nhận định, năm 2022, lạm phát và xung đột Nga – Ukraine đã giúp cho loài cá thịt trắng có giá vừa phải như cá tra tăng mạnh doanh số xuất khẩu đi các thị trường. Đa số các thị trường đều tăng nhập khẩu cá tra của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng từ 40 – 200%.

Nhờ đó, xuất khẩu cá tra tính đến cuối tháng 10/2022 đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021.

Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ tính đến hết tháng 10 ước đạt 890 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ. Năm 2022, lần đầu tiên cá ngừ trở thành ngành hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 

Tính tới tháng 10/2022, các sản phẩm mực – bạch tuộc xuất khẩu đã đạt doanh số 625 triệu USD, tăng 32%. Ước tính cả năm 2022, xuất khẩu sản phẩm này sẽ đạt 734 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021.

Xuất khẩu thuỷ sản T1-T10/2022 (Nguồn: VASEP)

Sản phẩm

T10/2022

T1-10/2022

Tăng trưởng (%)

Tôm các loại

389,548

3.788,068

18,8

Cá tra

218,737

2.187,395

80,3

Cá ngừ

80,567

888,212

49,6

Cá khác

189,624

1.705,082

25,7

Mực, bạch tuộc

68,974

625,589

32,0

Nhuyễn thể có vỏ

14,972

125,105

9,3

Nhuyễn thể khác

340

5,250

-18,7

Cua ghẹ và giáp xác khác

19,262

185,910

32,2

Tổng

982,022

9.510,611

34,2

"Theo kết quả trên, ước tính đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới", chuyên gia của VASEP nhận định.

Với kết quả này, theo VASEP, năm 2022, ước tính ngành thuỷ sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thuỷ sản đóng góp gần 12% giá trị.

Trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thuỷ sản nói chung đang bị giảm 0,6% điểm thì ngành hàng thuỷ sản tăng 0,4% điểm, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thuỷ sản trong chỉ số GDP của cả nước, đặc biệt trong ngành hàng nông lâm thuỷ sản xuất khẩu.

"Trên bản đồ xuất khẩu thuỷ sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy – 2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Với kết quả của năm 2022, ước tính thuỷ sản Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới", chuyên gia của VASEP cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem