Mỹ và nhóm CPTPP tăng tốc chốt đơn mua loài cá ngừ khổng lồ
Mỹ và nhóm CPTPP tăng tốc chốt đơn mua 1 loài cá khổng lồ, Việt Nam thu hàng trăm triệu USD
Thiên Ngân
Thứ sáu, ngày 22/04/2022 08:15 AM (GMT+7)
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay, Mỹ vẫn là thị trường số 1 tiêu thụ cá ngừ của Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 137 triệu USD, tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ và các nước CPTPP tăng tốc thu mua cá ngừ của Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), luỹ kế 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 259 triệu USD. Con số này tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021, và tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.
Điều đáng mừng là các đơn hàng xuất khẩu các sản phẩm thịt/philê cá ngừ đông lạnh (mã HS0304) có giá trị cao trong 3 tháng đầu năm nay tăng mạnh, đạt 123% so với cùng kỳ, đạt 184 triệu USD.
Nhất là tỷ trọng giá trị xuất khẩu nhóm mặt hàng này đã tăng từ 55% trong quý 1/2021 lên 72% trong quý 1 năm nay.
Xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến khác (chủ yếu là loin cá ngừ hấp đông lạnh) cũng tăng 37% so với cùng kỳ. Còn xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp có xu hướng giảm.
Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, TP.HCM và Bình Dương là những địa phương dẫn đầu về doanh số xuất khẩu cá ngừ.
Chỉ tính riêng thị trường Mỹ, trong 3 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã tăng tốc chốt các đơn hàng mua cá ngừ. Việc xuất khẩu cá ngừ của nước ta sang Mỹ đã thu về gần 137 triệu USD, tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái. Với con số này, Mỹ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam.
Bà Nguyễn Hà - chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP cho biết, hiện nay sản lượng đánh bắt cá ngừ tại khu vực Đông Thái Bình Dương (EPO) thấp, do đó nguồn cung cá ngừ từ các nước Châu Mỹ như Ecuador cho thị trường Mỹ giảm. Vì vậy, các doanh nghiệp thủy sản của Mỹ sẽ phải tăng nhập khẩu cá ngừ từ các nước khác như Thái Lan hay Việt Nam.
Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ nhiều tiềm năng này.
Bên cạnh thị trường Mỹ, việc xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đang có xu hướng tăng tốc.
Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường CPTPP trong tháng 3/2022 tăng 49%, đạt gần 14 triệu USD. Luỹ kế 3 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 30,4 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang Canada đạt 14 triệu USD, tăng 70%; sang Mexico đạt 4,3 triệu USD, tăng 79%; sang Chile đạt 2,4 triệu USD, tăng 71%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn tiếp tục sụt giảm 20% so với cùng kỳ, đạt 6 triệu USD.
Ngoài các thị trường chính trên, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường tiềm năng khác như: UAE, Cộng hoà Dominica và Panama cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của chuyên gia VASEP, xuất khẩu cá ngừ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu con cá khổng lồ này của Việt Nam cũng phải đối mặt với việc giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao, cước vận chuyển đường biển tăng; các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid… Do đó, dù tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sự phục hồi này mới chỉ ở bước đầu.
Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mỹ ước đạt khoảng 330 triệu USD. Trong khi theo VASEP, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ cả năm 2021 đạt hơn 759 triệu USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.