Năm mới nghe những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghệ An kể chuyện làm giàu

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ hai, ngày 23/01/2023 06:14 AM (GMT+7)
Không nản chí trước thất bại, dám nghĩ dám làm, dùng kiến thức làm chìa khóa mở ra thành công, những nông dân xứ Nghệ đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2022.
Bình luận 0

Trắng tay vẫn liều vay thêm gần chục tỷ

Năm 2022 đã qua là một năm gặt hái được nhiều thành công đối với anh Lê Quốc Tân (SN 1976, trú tại xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Anh là một trong số 7 đại biểu tỉnh Nghệ An dự Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI. Hiện anh Lê Quốc Tân cũng là Chi hội trưởng chi hội chăn nuôi tại xã Hưng Nghĩa.

Năm mới nghe những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghệ An kể cách làm giàu - Ảnh 1.

Anh Lê Quốc Tân (SN 1976, trú tại xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), là một trong số 7 đại biểu tỉnh Nghệ An dự Hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI. Ảnh: Thắng Tình

Tuy nhiên, ít ai biết để có được thành công như ngày hôm nay, anh Tân cũng đã trải qua không ít khó khăn, thậm chí có lúc trắng tay, nợ nần. Đó là thời điểm, anh Tân chưa có kinh nghiệm, dịch bệnh nhiều, giá cả thị trường cũng bấp bênh nên quá trình chăn nuôi, gia đình anh Tân gặp không ít khó khăn. Có những năm đàn lợn chết sạch do dịch bệnh anh mất cả vốn lẫn lãi, có năm đến khi chuẩn bị xuất chuồng thì giá lợn lại rơi thê thảm giữ lại cũng khổ mà xuất bán thì lại phải chấp nhận lỗ.

Không nản chí, anh tiếp tục vay vốn, tích góp kinh nghiệm, đặc biệt xác định kiến thức chính là chìa khóa mở ra con đường thành công. Vì vậy, ngay khi địa phương có mở lớp sơ cấp về thú y, anh Tân liền đăng ký theo học không sót một buổi nào. Ngoài ra anh Tân còn tìm hiểu thêm nhiều tài liệu về quy trình chăn nuôi lợn, các loại bệnh mà lợn hay mắc phải để nắm vững kiến thức.

Năm mới nghe những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghệ An kể cách làm giàu - Ảnh 2.

Khu vực trang trại nuôi lợn khép kín với doanh thu 18 tỷ đồng của anh Lê Quốc Tân ở xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thắng Tình

"Chỉ có nắm vững kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật thì mới mang lại thành công. Khi đã học được kiến thức cùng với kinh nghiệm đã có tôi mạnh dạn vay vốn để mở rộng chuồng trại, xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín, đảm bảo các tiêu chí phòng dịch bệnh. Từ đó, tôi đã có được những thành công ban đầu và phát triển, mở rộng cơ ngơi như ngày hôm nay", anh Lê Quốc Tân chia sẻ.

Với chủ trương chuyển đổi ruộng đất, khu đất ruộng ở xóm 2, xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An Anh Tân mạnh dạn nhận hơn 6 ha, lập đề án xây dựng trang trại lợn nái công nghệ cao kết hợp nuôi cá, trồng cây. Anh Tân đánh liều vay ngân hàng gần 10 tỷ để đầu tư xây dựng trang trại công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường bền vững, hướng đi được anh xác định lâu dài.

Hơn 6 ha được thành một khu trang trại khép kín. Trong đó có 6 dãy chuồng được đầu tư hiện đại, với hệ thống làm mát vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư thêm hệ thống xử lý chất thải để bảo vệ môi trường. Bao quanh khu vực trang trại là diện tích khoảng 5ha anh Tân đào ao nuôi cá. Tại đây anh thả các loại cá truyền thống như cá chép, trắm, mè… với mật độ thích hợp. Diện tích còn lại anh Tân cải tạo để trồng rau, các loại cây ăn trái, vừa tăng thêm thu nhập, tạo cảnh quan, lại tận dụng được các loại chất thải làm phân bón. Năm 2019, mô hình nuôi lợn, gà và nuôi trồng thủy sản của anh Tân chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Năm mới nghe những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghệ An kể cách làm giàu - Ảnh 3.

Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình chăn nuôi của anh Lê Quốc Tân. Ảnh: Thắng Tình

Hiện tại, bình quân mỗi năm anh Tân thu về khoảng 18 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí anh lãi ròng khoảng 3 tỷ đồng. Số nợ 10 tỷ giờ cũng đã được thanh toán, trang trại lại tạo công ăn việc làm ổn định cho 8 lao động với thu nhập bình quân từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn một số lao động thời vụ.

Ngày Tết cận kề, anh Tân hi vọng rằng năm mới sẽ có nhiều đột phá hơn nữa, các thành viên trong chi hội sẽ mở rộng các mô hình chăn nuôi, liên kết nâng cao giá trị, tăng thu nhập cùng nhau phát triển.

Đa dạng hóa ngành nghề, tạo thế bền vững

Trong khi đó, ông Lê Hội Hưng (SN 1979, trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, người có trong tay 19 tàu công suất lớn, cùng hệ thống nhà máy chế biển thủy hải sản, đá lạnh, dụng cụ, hậu cần nghề cá… ông Hưng cũng là một trong những "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022". Cũng là người đi lên từ hai bàn tay trắng, để có được thành công như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của nông dân Lê Hội Hưng, người dám thay đổi, nhạy bén trong kinh doanh, sản xuất, tạo thế bền vững khi đa dạng hóa ngành nghề.

Năm mới nghe những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghệ An kể cách làm giàu - Ảnh 4.

Ông Lê Hội Hưng (SN 1979, trú tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, người có trong tay 19 tàu công suất lớn, cùng hệ thống nhà máy chế biển thủy hải sản, đá lạnh, dụng cụ, hậu cần nghề cá. Ảnh: Thắng Tình

Từng được cử đi học để làm xã đội trưởng, nhưng cảm thấy mình không phù hợp với công việc này nên đã về đi biển, làm thủy sản. Bắt đầu từ một con tàu cũ công suất khoảng 250 CV chung với một người khác, ông Hưng bắt đầu những tháng ngày lênh đênh trên biển, ăn với sóng ngủ cùng với gió. Khoảng 5 năm sau, ông Hưng quyết định thanh lý con tàu và bắt tay vào làm dịch vụ hải sản. Khoảng thời gian này, ông thu mua tôm, mực rồi tiêu thụ ở khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh.

Ông Lê Hội Hưng kể lại: "Có được chút vốn lại đúng vào thời điểm nhà nước hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67. Tôi quyết định vay vốn đóng 2 con tàu với công suất 822 CV với tổng số tiền lên đến 25 tỷ đồng để vươn khơi bám biển. Bên cạnh đó, nguồn thu từ ngành dịch vụ thủy sản vẫn giúp tôi phát triển, đảm bảo sản xuất, giúp đỡ hàng xóm an tâm bám biển mưu sinh".

Năm mới nghe những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghệ An kể cách làm giàu - Ảnh 5.

Hiện tại anh Lê Hội Hưng đang kinh doanh, sản xuất với nhiều ngành nghề tạo thế bền vững trong phát triển kinh tế ngay cả khi thị trường khó khăn nhất. Ảnh: Thắng Tình

Sau đó ông thành lập công ty đầu tư thêm nhà máy chế biến bột cá để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Đồng thời làm xưởng đá lạnh, rồi cung cấp xăng, ngư cụ… cho tàu cá khác tại địa phương. Đa dạng hóa ngành nghề, lấy cái này nuôi cái kia nên doanh thu của ông Hưng ổn định.

Đến năm 2018 - 2019, ông Hưng tiếp tục sắm thêm nhiều con tàu công suất đều trên 700 CV. Những con tàu này, ông Hưng đều cho anh em bạn thuyền góp vốn, họ như những cổ đông gắn trách nhiệm và quyền lợi đối với công ty, qua đó cũng nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện tại đội tàu của ông đã lên đến 19 chiếc công suất lớn đều đặn vươn khơi. Nguồn thủy sản đánh bắt được cũng phục vụ cho các nhà máy chế biến, dịch vụ trên bờ mà ông phát triển. Một năm, doanh thu của ông Lê Hội Hưng khoảng 10 tỷ đồng.

Năm mới nghe những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghệ An kể cách làm giàu - Ảnh 6.

Ông Lê Hội Hưng ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An đang trồng 78 ha rừng thông, bạch đàn. Ảnh: Thắng Tình

"Nhìn lại quãng thời gian đã qua, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đảm bảo được công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho anh, chị em. Anh, chị em có thu nhập ổn định cuộc sống khá lên là tôi vui lắm, vì họ đã tin tưởng vào mình, mình đã không phụ lòng tin của mọi người", ông Lê Hội Hưng chia sẻ.

Mỗi năm ông Hưng vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thuê công nhân chăm sóc 78 ha rừng thông, bạch đàn mà ở khu vực xã Quỳnh Lập mà trước đó bố ông từng nhận trồng. Đến nay khoảng 78 ha rừng đã được phủ kín với thông, bạch đàn tạo thành một khu rừng xanh mát. Mặc dù chưa có bất kỳ khoản thu nào từ rừng, thậm chí còn phải "lấy biển nuôi rừng" những với ông Lê Hội Hưng đó là việc cần làm, phải làm để thế hệ mai sau sẽ có những cánh rừng xanh mướt, trải dài, để ngăn ô nhiễm môi trường, bảo tồn cuộc sống...

Năm mới nghe những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Nghệ An kể cách làm giàu - Ảnh 7.

Những cánh rừng bạt ngàn xanh mát dưới bàn tay chăm sóc của ông Lê Hội Hưng. Ảnh: Thắng Tình

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, ông Hưng còn đặc biệt quan tâm đến hoạt động an sinh xã hội tại địa phương. Những năm công việc thuận lợi, ông dành ra hàng trăm triệu đồng để đóng góp, tặng quà, giúp đỡ các trường hợp khó khăn. Ông còn nhận giúp đỡ 5 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trước thềm năm mới, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Lê Hội Hưng gửi lời chúc bình an, may mắn đến mọi nhà, ông cũng mong doanh nghiệp mình làm ăn tốt để có thêm kinh tế giúp đỡ được thật nhiều các hoàn cảnh khó khăn. Với ông đó là trách nhiệm, là tấm lòng của mình giành cho cộng đồng và xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem