Nói đến Kinh Bắc, ngoài quan họ, bánh phu thê, bánh tẻ, ít người biết ở mảnh đất “Em ơi buồn làm chi, anh đưa em về bên kia bờ sông Đuống” còn một đặc sản dân dã rất ngon và độc đáo: nem Bùi.
Cuối tuần, chúng tôi về thăm vùng Kinh Bắc cổ kính và quyết định lang thang một ngày ở mảnh đất làng Bùi để hiểu rõ ngọn nguồn của nó. Làng Bùi nằm bên bờ sông Đuống thơ mộng dần hiện ra trước mắt với con đường bêtông chạy thẳng tắp giữa cánh đồng.
Mới vào đến đầu làng đã nghe mùi thơm của thính lan tỏa ngào ngạt khắp nơi như một nét đặc trưng chỉ thấy ở làng nem Bùi. Cuộc sống ấm no, sung túc của người dân, mà chủ yếu do nghề làm nem mang lại như hiển hiện ra trước mắt.
|
Phụ nữ trở thành lao động chính trong các khâu làm nem |
Sau nhiều lần hỏi đường chúng tôi cũng tìm được đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Đối. Ông Đối năm nay đã gần 80 tuổi và là một trong số ít những nghệ nhân làm nem lâu năm hiện còn sống.
Nem Bùi được khai sinh ở làng Bùi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trải qua bao thăng trầm, vài năm trở lại đây nem Bùi dần có mặt trên thị trường và trở thành món ẩm thực ngon, rẻ, đồng thời là món quà trao tay ý nghĩa cho bạn bè, người thân sau mỗi dịp ghé qua Bắc Ninh.
Sau nụ cười hồn hậu, chén nước chân quê chào đón những vị khách trẻ phương xa, ông Đối tự hào cho biết: “Nhà tôi làm nem từ ba đời nay. Nói về xuất xứ của nem Bùi thì phải nhắc đến ông cụ sinh ra tôi.
Ngày trước, mỗi khi trong làng có cỗ bàn, các cụ thường thái nhỏ thịt mỡ sống và ăn với bánh đa. Sau lần đó ông cụ nhà tôi nghĩ ra cách ngâm gạo, rang lên, rồi xay nhỏ bằng cối xay để tạo ra thính trộn với thịt, dần món ăn được hoàn thiện và nem Bùi cũng ra đời từ đó".
Theo dòng thời gian, nem Bùi ngày càng được nhiều người biết đến và kinh tế nhiều hộ gia đình cũng phất lên nhờ làm nghề này.
Ra đời gần 100 năm, món ăn đặc sản vùng Kinh Bắc đã trải qua bao thăng trầm, đến hôm nay ông Đối tự hào tâm sự: “Ngoại trừ nem Phùng (Hà Tây cũ) có nét khá giống với nem Bùi, miền Nam, miền Trung hay chính vùng Bắc bộ này cũng không nơi đâu có nem Bùi như quê tôi”.
|
Những ruột nem khi chưa được bọc lá chuối |
Chúng tôi ghé thăm cơ sở làm nem của gia đình anh chị Hà - Cương, một điểm làm nem Bùi lớn trong làng. Anh Cương cho biết gia đình đã làm nem khoảng 10 năm, mỗi ngày có thể làm khoảng 500 chiếc để giao ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và một số hàng quán gần nhà.
Nem Bùi sử dụng trong ngày là ngon nhất, nếu bảo quản trong tủ lạnh thì được 2-3 ngày, nếu nem được đóng gói trong túi nilông sau đó hút chân không thì để được lâu hơn. So với thu nhập ở vùng nông thôn và so với những nghề khác thì nem Bùi đem lại nguồn lợi khá cao cho người làm nghề. Nhưng để làm ra những chiếc nem Bùi, người làm nghề cũng rất vất vả.
Để làm nem phải lấy nguyên phần hông con lợn. Phần thịt nạc và thịt mỡ để sống, chỉ riêng phần bì là luộc chín rồi thái nhỏ tất cả, nêm gia vị tỏi ớt, bột ngọt trộn đều với thính nóng, sau đó để chín thịt, tiếp đến nắm chặt nem thành quả nhỏ bọc trong lá chuối.
Ngày nào cũng phải dậy từ 2g-3g sáng để lấy thịt từ chợ về, làm liên tục đến khoảng 7g-8g. Làm xong phải đi giao hàng ngay, hiếm thấy gia đình nào làm nem vào buổi trưa và chiều trừ khi khách đặt hàng lấy ngay lúc đó.
|
Những chiếc nem Bùi hoàn thành chờ đi bán |
Dọc trên con đường quốc lộ chạy từ Cầu Hồ - Thuận Thành đi Hải Dương đâu đâu cũng thấy biển hiệu nem Bùi bán buôn và bán lẻ, nhiều người mua xong bóc một cái mang vào quán bia ăn thử. Thật thú vị khi trong những ngày hè oi bức có được đôi ba cốc bia ngồi nhâm nhi với chiếc nem Bùi thơm ngon, ăn cùng lá sung, lá đinh lăng chấm tương ớt.
Một số người bán nem ở đây kể vài năm gần đây, một số người Việt sống ở nước ngoài khi có dịp về nước cũng tranh thủ mua nem Bùi mang về ăn và làm quà. Chúng tôi tạm biệt làng Bùi sau cái vẫy chào thân thiện của những người bán hàng cùng vài chiếc nem mang về Hà Nội. Có lẽ chẳng bao lâu nữa, thương hiệu nem Bùi sẽ bay xa khắp nơi và sẽ nổi tiếng như bánh phu thê vậy.
Theo Tuổi Trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.