"Nếu TP.HCM không làm được trung tâm tài chính quốc tế thì không tỉnh, thành nào làm được"

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 27/04/2021 14:45 PM (GMT+7)
"Không nơi nào trên đất nước này đủ điều kiện thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, ngoài TP.HCM. Nếu TP.HCM không làm được thì không nơi nào có thể làm được", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Bình luận 0

TS Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đã khẳng định điều này tại Hội thảo Định hình lại thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam, tổ chức tại TP.HCM sáng 27/4.

TP.HCM phải thành trung tâm tài chính quốc tế

Nói về chiến lược tài chính Việt Nam hiện nay, TS Trần Du Lịch cho rằng có một điểm mừng là TP.HCM đang tái khởi động việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Ông cũng cập nhật điểm đáng mừng hơn là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) có đề ra nhiệm vụ: "Phát triển có hiệu quả các đô thị lớn và vùng TP.HCM; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế".

Nếu TP.HCM không làm được trung tâm tài chính quốc tế thì không tỉnh thành nào làm được - Ảnh 1.

TS Trần Du Lịch cho rằng nếu TP.HCM không làm được trung tâm tài chính quốc tế thì không tỉnh, thành nào làm được. Ảnh: Hồng Phúc.

TS Trần Du Lịch cho rằng mục tiêu trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của TP.HCM đã được nhắc đến từ 20 năm trước, thời điểm đó quy mô thị trường tài chính tại TP.HCM rất lớn. Đến nay, quy mô thị trường tài chính của TP.HCM vẫn gia tăng trị số tuyệt đối nhưng thực tế tỷ trọng đóng góp cho cả nước có dấu hiệu giảm dần. 

Theo các chuyên gia, mục tiêu này cần sớm được hình thành và quyết tâm thực hiện để TP.HCM không tiếp tục đánh mất cơ hội trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

TS Trần Du Lịch vạch ra lộ trình 3 giai đoạn phát triển trung tâm tài chính TP.HCM. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ là giai đoạn khẳng định vai trò trung tâm tài chính của TP.HCM. Giai đoạn 2026-2030 sẽ nâng tầm trở thành trung tâm tài chính của khu vực. Giai đoạn 10-15 năm tiếp theo sẽ là trung tâm tài chính quốc tế thực sự.

Về việc thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trong nước cũng muốn trở thành trung tâm tài chính, TS Trần Du Lịch cho rằng thực tế mô hình mà các tỉnh đang nhắm đến chỉ mới là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm công nghệ số chứ chưa hẳn là hội tụ đủ các điều kiện thành trung tâm tài chính.

"Không nơi nào đất nước này đủ điều kiện thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, ngoài TP.HCM. Nếu TP.HCM không làm được thì không nơi nào có thể làm được", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Cần có cơ chế đặc thù cho trung tâm tài chính quốc tế

Theo các chuyên gia, mục tiêu TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế là khát vọng lớn. Để thực hiện điều này phải có lộ trình chia theo từng giai đoạn cụ thể.

Ngoài ra, với bức tranh ngành tài chính trong nước hiện nay, để TP.HCM thực sự trở thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TS Trần Du Lịch cho rằng trước mắt cần giải quyết ba vấn đề. 

Nếu TP.HCM không làm được trung tâm tài chính quốc tế thì không tỉnh thành nào làm được - Ảnh 3.

Chuyên gia cho rằng để TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, cần phải có cơ chế đặc thù cho TP.

Thứ nhất, cần có cơ chế đặc thù riêng cho TP.HCM thực hiện đề án. Các quy định, quản lý, ràng buộc cần được đưa ra trong quá trình thực hiện, không nên đưa khuôn mẫu cứng nhắc ngay từ ban đầu.

Thứ hai, TP.HCM thực sự phải là nơi đáng sống cho các nhà đầu tư quốc tế, khi đó mới thu hút được dòng vốn đầu tư quốc tế. 

"Thứ ba, thực thi được hay không cần có chương trình hành động mạnh mẽ, xem đây là chương trình quốc gia chứ không phải là của địa phương", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

GS.TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng TP.HCM có mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế 20 năm nay, nhưng nếu không có tham vọng, không có quyết tâm, lựa chọn mô hình và hướng đi đúng thì khó thành công.

Theo ông, nếu thực sự quyết tâm từ Trung ương đến địa phương, TP.HCM sẽ có những sandbox, khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới dưới sự giám sát của nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia. Khi đó, trung tâm tài chính quốc tế mới dần định hình rõ. 

GS.TS Sử Đình Thành cho rằng với việc tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại từ mức hơn 30% xuống chỉ còn hơn 18% như hiện nay thì rất khó để phát triển, khó đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phục vụ dân sinh. Điều này đồng nghĩa không thể làm bệ phóng cho mục tiêu trở thành trung tâm tài chính. 

Chuyên gia nêu quan điểm cần có chính sách thuận lợi hơn cho các tỉnh thành giữ vai trò động lực phát triển, đặc biệt là TP.HCM thì mới có cơ hội bứt tốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem