Ngân hàng nới room tín dụng, nhà đầu tư bất động sản vẫn đứng ngồi không yên

Hồng Trâm Thứ năm, ngày 15/09/2022 12:50 PM (GMT+7)
Trước thông tin nới room tín dụng, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản đang trong trạng thái thấp thỏm, chờ giải ngân từ phía ngân hàng như "nắng hạn chờ mưa."
Bình luận 0

Bất động sản rục rịch trước thông tin nới room tín dụng

Trong những ngày gần đây, trước thông tin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, nhiều diễn đàn nhà đất - bất động sản đã liên tục chia sẻ các bài viết về các chuyển biến, tín hiệu tích cực đối với thị trường trong những tháng cuối năm.

Anh Hà Đức (giám đốc sàn giao dịch bất động sản H.Đ tại TP.HCM) chia sẻ đang rất kỳ vọng vào việc ngân hàng sẽ giải ngân cho khoản vay của doanh nghiệp. Anh Đức cho biết công ty của mình đã nộp hồ sơ vay từ tháng 3/2022 nhưng vẫn chưa được ngân hàng xử lí. Hiện, doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để duy trì hoạt động kinh doanh, trả lương cho nhân viên vì dòng tiền đang nằm trong các sản phẩm, chưa bán ra được.

TP.HCM: Ngân hàng nới room tín dụng, nhà đầu tư bất động sản vẫn đứng ngồi không yên - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản chững lại thời gian qua vì nhiều ngân hàng hết room tín dụng. Ảnh: H.T

Trong khi đó, chị Trần Thị Ngọc (kinh doanh tự do tại quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết 1 tuần trở lại đây, chị liên tục nhận được điện thoại của môi giới chào mua sản phẩm với cam kết nếu đầu tư chắc chắn sẽ lãi to vì thị trường đang dần sôi động.

"Nhiều môi giới nói với tôi rằng thông tin ngân hàng nới room tín dụng sẽ kích cầu thị trường. Nhà đầu tư nên nhân lúc rổ hàng nhiều sản phẩm giá cắt lỗ mà gom mua, trong thời gian ngắn bán ra sẽ thu chêch lệch cao. Tuy nhiên, tôi lo ngại thị trường sẽ sốt ảo vì vẫn chưa thấy các động thái rõ ràng từ phía các ngân hàng. Để giảm nguy cơ rủi ro, tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường", chị Ngọc cho hay.

Được biết, ngân hàng nới room tín dụng là một trong những thông tin được doanh nghiệp và người dân chờ đợi suốt thời gian qua. Sau một thời gian, ngày 7/9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nới room tín dụng cho một số ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với tổ chức tín dụng có đề nghị và gửi thông báo cho các đơn vị này. Việc điều chỉnh hạn mức (room) tín dụng, theo Ngân hàng Nhà nước, dựa vào việc đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng và còn phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ...

TP.HCM: Ngân hàng nới room tín dụng, nhà đầu tư bất động sản vẫn đứng ngồi không yên - Ảnh 3.

Ngân hàng nới room tín dụng là một trong những thông tin được doanh nghiệp và người dân chờ đợi. Ảnh: H.T

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, việc nới room tín dụng nhằm thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Dù thông báo của Ngân hàng Nhà nước không nêu rõ tên cũng như hạn mức được nới của từng ngân hàng, nhưng theo thông tin, hơn 10 ngân hàng được tăng room là HDBank, OCB, Sacombank,VCB, VPB, BIDV, CTG, MBB, TCB, ACB, TPB, VIB,… Được biết, mức tăng cao nhất khoảng 4%, thấp nhất khoảng 0,7% và có hai ngân hàng được nới room hơn 3%.

Nới room tín dụng, bất động sản vẫn phải chờ

Có thể thấy, việc ngân hàng chính thức nới "room" tín dụng đem lại nhiều kỳ vọng cho cả người mua nhà nhu cầu ở thực, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp. Bởi lẽ, lĩnh vực bất động sản đang gặp nhiều khó khăn từ khi nguồn tín dụng "thắt lại" trong những tháng qua. Từ khi nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng siết lại, trong khi kênh huy động vốn khác như trái phiếu cũng gián đoạn đã ngay lập tức khiến thị trường bất động sản chững lại.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, động thái nới room của Ngân hàng Nhà nước vừa qua có mức nới không nhiều. Vì vậy, các ngân hàng chỉ ưu tiên giải ngân vốn vào lĩnh vực thiết yếu, thay vì bất động sản.

Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết đơn vị sẽ ưu tiên room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, giải quyết bài toán hỗ trợ khách hàng cá nhân khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả... Còn với bất động sản, đơn vị tiếp tục hạn chế cho vay hoặc chỉ thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

TP.HCM: Ngân hàng nới room tín dụng, nhà đầu tư bất động sản vẫn đứng ngồi không yên - Ảnh 4.

Dòng tiền khó đổ về bất động sản khi nới room tín dụng. Ảnh: H.T

Theo nhóm chuyên gia Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), việc nới room tín dụng sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản, tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản theo hai góc độ. Trước tiên, doanh nghiệp có nguồn tiền mới để vay đảo phần nợ trái phiếu đến hạn. Tuy nhiên phương án này chỉ áp dụng được đối với doanh nghiệp có dự án mới và còn tài sản đảm bảo chất lượng tốt.

Tiếp đến, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm khi dòng tín dụng được khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho và có thêm nguồn tiền để trả nợ.

Ông Nguyễn Văn Hậu - Tổng giám đốc Asian Holding phân tích khi điểm nghẽn lớn nhất là tín dụng được lưu thông thì thị trường bất động sản sẽ sớm tìm lại nhịp phát triển. Tuy nhiên, sẽ không có sự bùng nổ mà thị trường sẽ hồi phục từng bước theo hướng bền vững hơn. Hiện nhu cầu đầu tư bất động sản cả mục đích để ở lẫn kinh doanh vẫn còn rất lớn và lĩnh vực này sẽ có nhiều đóng góp lớn cho nền kinh tế. 

Vị lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng mức hồi phục sẽ không phải thần tốc mà thị trường sẽ chuyển sang giai đoạn thanh lọc thật sự. Chỉ những chủ đầu tư uy tín có năng lực, tạo ra dòng sản phẩm mang giá trị thật sẽ có nhiều cơ hội phát triển. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem