Ngân hàng Thế giới dự báo Ukraine chịu thiệt hại kinh tế nặng nề do chiến sự. Ảnh minh họa: Reuters
Ukraine sẽ là bên chịu ảnh hưởng kinh tế nặng nhất, với GDP giảm 45,1% trong năm 2022, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 10/4. Nga - nước đang chịu các lệnh trừng phạt chưa từng có của Mỹ và các đồng minh phương Tây - sẽ hứng chịu mức sụt giảm 11,2% trong GDP năm 2022.
WB còn dự báo một số quốc gia láng giềng với Nga - Ukraine sẽ buộc phải tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để tránh vỡ nợ. Các thị trường mới nổi ở châu Âu và Trung Á sẽ bị suy giảm GDP khoảng 4,1% trong năm nay, theo WB, đảo ngược dự báo trước xung đột Nga - Ukraine cho rằng GDP của các thị trường này tăng trung bình 3%.
"Chiến sự ở Ukraine đang có tác động tàn khốc tới đời sống và tàn phá kinh tế ở cả 2 quốc gia", WB cho biết. Tổ chức này dự báo "châu Âu, Trung Á và phần còn lại của thế giới sẽ hứng chịu thiệt hại kinh tế đáng kể".
WB cảnh báo, Kyrgyzstan và Tajikistan, 2 nước gần Nga - Ukraine, sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay do tác động từ cuộc khủng hoảng Ukraine.
Sự suy giảm GDP trong khu vực có Nga - Ukraine sẽ tăng gấp đôi so với mức sụt giảm năm 2020 khi đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Theo WB, ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Nga sẽ lan rộng ra kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây do thương mại bị gián đoạn.
"Tác động của chiến sự ở Ukraine đang bao trùm lên các mối liên kết thương mại, tài chính và gây ra khủng hoảng di cư, dẫn đến thiệt hại kinh tế đáng kể cho các nước láng giềng", WB dự báo.
Tổ chức có trụ sở ở Washington (Mỹ) cũng đưa ra "một kịch bản không mấy lạc quan", trong đó, Moscow phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt hơn và giá hàng hóa tăng vọt. Nếu trường hợp này xảy ra, GDP của Nga sẽ giảm khoảng 20%, trong khi GDP của Ukraine sẽ giảm mạnh tới 75%.
Tháng 3, WB đã công bố khoản tài trợ bổ sung trị giá 925 triệu USD cho Ukraine để giúp cứu trợ nhân đạo. Hôm 8/4, WB cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi hàng chục quốc gia áp đặt hạn chế xuất khẩu để bảo đảm nguồn cung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.