Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hải xúc động, tự hào khi nghe chuyện về 10 cô gái Lam Hạ

Phạm Thứ Thứ ba, ngày 23/07/2024 15:15 PM (GMT+7)
“Tôi hy vọng rằng sẽ có thêm những tác phẩm sân khấu hóa để lan tỏa khí phách hào hùng của dân tộc trong thời kháng chiến”, NSND Nguyễn Hải chia sẻ trong buổi giới thiệu di ảnh màu "10 cô gái Lam Hạ".
Bình luận 0

Giới thiệu di ảnh màu “10 cô gái Lam Hạ”

Sáng 23/7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam diễn ra buổi lễ giới thiệu di ảnh 10 nữ Anh hùng Liệt sĩ Dân quân Lam Hạ, tác phẩm nhật ký "Trở về trong giấc mơ" và trao tặng "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" cho Trường THCS Lương Văn Nắm (xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hải xúc động, tự hào khi nghe chuyện về 10 cô gái Lam Hạ- Ảnh 1.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hải xúc động, tự hào khi nghe chuyện về 10 cô gái Lam Hạ- Ảnh 2.

Hoạt động trao tặng di ảnh màu phục dựng của "10 cô gái Lam Hạ" và trao tặng "tủ sách Đặng Thùy Trâm" cho trường THCS Lương Văn Nắm (xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: BTC.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản lý CLB “Mãi mãi tuổi 20” cho biết, những năm 1965 đến năm 1967, địa bàn phường Lam Hạ (TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) là một trong những trọng điểm không quân Mỹ bắn phá ác liệt ở miền Bắc. Đó là giai đoạn bom đạn Mỹ trút xuống Hà Nam suốt ngày đêm. Lam Hạ được coi như “Đồng Lộc thứ 2” của Việt Nam.

“Tham gia chiến đấu bảo vệ địa bàn này, trung đội nữ dân quân Lam Hạ, được trang bị pháo phòng không tầm thấp 37 ly và 57 ly. Tuổi đời họ còn rất trẻ, chỉ từ 17 đến 20. Trong những trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, lần lượt 10 nữ dân quân đã anh dũng hy sinh trong những năm 1966 - 1967…

Trong kháng chiến chống Mỹ, “10 cô gái Đồng Lộc” là Thanh niên xung phong, đã dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom và bảo đảm giao thông tuyến lửa... Còn “10 cô gái Lam Hạ” là dân quân trực tiếp chiến đấu, họ hy sinh khi ngẩng cao đầu trên mâm pháo, bắn trả máy bay Mỹ. Các chị là những bông hoa tươi thắm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Các chị là niềm tự hào và cảm phục của chúng ta” - Bà Trần Hồng Dung nghẹn ngào chia sẻ.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hải xúc động, tự hào khi nghe chuyện về 10 cô gái Lam Hạ- Ảnh 3.

Chân dung 10 cô gái Lam Hạ được phục dựng màu. Ảnh: BTC.

Di ảnh màu của 10 cô gái Lam Hạ được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn rằng, khách tham quan tại Bảo tàng, không chỉ người Việt Nam và cả quốc tế sẽ biết nhiều hơn đến 10 nữ dân quân Anh dũng Lam Hạ cũng như các Liệt sĩ đã hy sinh anh dũng để có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.

Ngoài ra, các di ảnh màu phục dựng cũng được trao trả cho thân nhân, gia đình của các nữ dân quân Lam Hạ. Ông Nguyễn Văn Kiên (Cháu của 2 chị em ruột liệt sĩ Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi) tâm sự với PV Dân Việt: “Gia đình chúng tôi rất xúc động khi nhìn thấy di ảnh màu của 2 chị liệt sĩ. Bức ảnh màu phục dựng thật sự là rất giống người thật. Chúng tôi rất biết ơn tổ chức “Trái tim người lính” và các đơn vị cùng phối hợp để cho gia đình chúng tôi được "gặp lại" 2 nữ anh hùng mà chúng tôi luôn luôn tự hào”.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hải xúc động, tự hào khi nghe chuyện về 10 cô gái Lam Hạ- Ảnh 4.

Đại tá, NSND Nguyễn Hải chia sẻ tại buổi lễ. Ảnh: Phạm Thứ.

Có mặt tại buổi lễ, Đại tá, NSND Nguyễn Hải cho biết, ông rất xúc động và tự hào khi được nghe kể lại những câu chuyện về 10 cô gái Lam Hạ.

“Phải đến đây tôi mới biết được những câu chuyện vô cùng cảm động. Tôi hy vọng rằng sẽ có thêm những tác phẩm sân khấu hóa để lan tỏa khí phách hào hùng của dân tộc trong thời kháng chiến” - NSND Nguyễn Hải bộc bạch.

“Trở về trong giấc mơ” - Những lá thư tình đi qua chiến tranh

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ giới thiệu nhật ký “Trở về trong giấc mơ” - được Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu từ những trang sổ tay nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến (1945 - 1968).

Nhật ký là câu chuyện cảm động về mối tình đẫm nước mắt của đôi trai tài - gái sắc một thời xứ Hà Đông. Trước khi ra trận hy sinh, anh Trần Minh Tiến là một cầu thủ bóng đá của đội tuyển trẻ Hà Tây và Đội bóng Sư đoàn 308; còn chị Vũ Thị Lưu Liên là một thiếu nữ xinh đẹp, diễn viên của Đoàn Văn công xung kích tỉnh Hà Tây. Hai người đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi học trò trong sáng nhưng đứng trước sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc họ đã lựa chọn chia xa. Trong khoảng thời gian đó, họ vẫn trao cho nhau những tình cảm nồng thắm, nỗi nhớ nhung da diết, cùng nhau vượt qua những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hải xúc động, tự hào khi nghe chuyện về 10 cô gái Lam Hạ- Ảnh 5.

Nhật ký "Trở về trong giấc mơ" được tái bản lần thứ 2 có đầy đủ 109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi cho người yêu. Ảnh: BTC.

Hơn nửa thế kỷ qua, liệt sĩ Trần Minh Tiến vẫn “sống chung” trong nhà người yêu của mình. Anh đã được chồng và các con của người bạn gái năm xưa chấp nhận như một “thành viên” trong gia đình: có bàn thờ riêng, để mọi người cùng thắp hương nhân mùng Một, ngày Rằm theo lịch âm hằng tháng và “xin ý kiến” khi có công việc “đại sự”…

Phát biểu tại buổi lễ, bà Vũ Thị Lưu Liên - người bạn gái của Liệt sĩ Trần Minh Tiến chia sẻ: “Liệt sĩ Trần Minh Tiến đã sống một cuộc đời không dài nhưng rất đẹp. Anh hy sinh năm 1968 trong chiến dịch Khe Sanh ở Quảng Trị khi tròn 5 tuổi quân nhân, 1 tuổi Đảng và 25 tuổi đời. Dù anh đã đi xa 56 năm nhưng anh Tiến vẫn như sống cùng gia đình tôi như một thành viên, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng”.

Bản thảo những lá thư được liệt sĩ Trần Minh Tiến viết trong khoảng thời gian từ tháng 11/1966 đến tháng 3/1968. Thông qua những trang nhật ký, người chiến sĩ trẻ Trần Minh Tiến đã ghi lại những tháng ngày tập luyện gian nan, vất vả, để chuẩn bị cho cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Cuốn sổ nhật ký nhỏ đã trở thành một người bạn tâm tình, là nơi để người lính trẻ bộc bạch những tâm tư, tình cảm sâu kín nhất của lòng mình.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Hải xúc động, tự hào khi nghe chuyện về 10 cô gái Lam Hạ- Ảnh 6.

Chân dung liệt sĩ Trần Minh Tiến được phục dựng màu. Ảnh: BTC.

Được xuất bản lần đầu năm 2005, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, “Trở về trong giấc mơ” đã được NXB Công an Nhân dân tái bản lần đầu năm 2010 và nay vinh dự được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 2. Gần 20 năm qua, “Trở về trong giấc mơ” đã được nhiều thế hệ bạn đọc đón nhận, không chỉ bởi nội dung trung thực của thế loại Nhật ký thời chiến, mà còn cảm động bởi mối tình đặc biệt của đôi trai tài gái sắc xứ Hà Đông xưa đã đi qua chiến tranh.

Điều đặc biệt trong lần tái bản năm 2024, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã làm mới “Trở về trong giấc mơ” bằng cách kết hợp sách giấy và sách điện tử, với nhiều trang có in các mã QR. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên được Nhà xuất bản ứng dụng chuyển đổi số phục vụ bạn đọc. Ngoài phần nhật ký, sách còn cung cấp thêm cho độc giả nội dung đầy đủ 109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi cho người yêu là Vũ Thị Lưu Liên. Đó cũng chính là tác phẩm "Những lá thư tình đi qua chiến tranh", đã được NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem