Nghịch lý xuất khẩu gạo tăng nóng nhưng nông dân chưa hưởng được bao nhiêu

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 25/04/2023 19:13 PM (GMT+7)
Ngành xuất khẩu gạo là điểm sáng hiếm hoi trong quý I/2023. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho rằng nông dân, doanh nghiệp chưa hưởng được kết quả tương xứng.
Bình luận 0

Tại Tọa đàm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM ngày 25/4, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, giá trị thu về khoảng 3,5 tỷ USD.

Theo ông Nam, đây là con số ấn tượng sau 10 năm xuất khẩu của ngành gạo Việt Nam. Cơ cấu dành cho xuất khẩu tập trung vào gạo thơm và gạo chất lượng cao. Đây cũng là thành tựu của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất.

3 thị trường chính của xuất khẩu gạo Việt Nam là Philippines, Trung Quốc và Bờ Biển Ngà. Các thị trường thuộc khối AVFTA, CPTPP chuộng gạo Việt Nam phân khúc chất lượng cao.

Quý I/2023, sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam 1,86 triệu tấn, trị giá đạt 981 triệu USD, tăng 23% về lượng và 34% về giá trị. Đây là một trong những ngành hàng hiếm hoi ghi nhận xuất khẩu tích cực trong bối cảnh đầu năm 2023.

Ông Nam cũng cho biết tính đến ngày 15/4, tình hình xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trưởng khi xuất khẩu được khoảng 2,3 triệu tấn, trị giá hơn 1,2 tỷ USD.

Nghịch lý xuất khẩu gạo tăng nóng nhưng nông dân chưa hưởng được bao nhiêu - Ảnh 3.

Ngành gạo là điểm sáng xuất khẩu hiếm hoi trong quý I/2023. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh lương thực trên thế giới đang là điểm nóng. Trong nước, việc đảm bảo lúa gạo và sát cánh cùng bà con nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo, tham gia bình ổn thị trường, an ninh lương thực trong nước.

Dù vậy, ông Nam cho rằng kết quả mang lại từ ngành lúa gạo cho nông dân và doanh nghiệp chưa tương xứng, bởi chi phí nhân công, phân bón, logistics thời gian qua tăng nóng. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng mong muốn bán được có giá để gia tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.

Ngoài ra, theo ông Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nhất là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng để vay mua lúa của nông dân.

Chẳng hạn, tại những thời điểm thu hoạch chính vụ, doanh nghiệp cần nhiều tiền để mua lúa chuẩn bị xuất khẩu nhưng khó tiếp cận vốn ngân hàng. Nguyên nhân là ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp 2 năm rồi mà thuế VAT vẫn chưa được hoàn, việc này kéo dài ảnh hưởng đến vốn, dòng tiền của doanh nghiệp.

Theo ông Nam, một thực trạng ngành nông nghiệp Việt Nam đối mặt là thiếu ổn định trong sản xuất, do đó đã hình thành liên kết vùng. Tuy nhiên, vẫn chưa đi vào thực chất và bền vững. Vì vậy, có hiện tượng khi chào hàng, bên mua đồng ý, hai bên thống nhất nhưng không có hàng để giao.

Trước những khó khăn mà ngành gạo phải đối mặt, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Nguyễn Ngọc Nam đề xuất Bộ Công Thương làm cầu nối, đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có gói cơ chế chính sách riêng cho ngành gạo.

Theo đó, tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ, chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm, có phương án ổn định lãi suất trong những kỳ hạn nhất định hoặc có chính sách điều tiết riêng đối với các doanh nghiệp thuộc mảng nông nghiệp để các doanh nghiệp có thể ổn định cung - cầu, thu mua, dự trữ và xuất khẩu gạo thuận lợi hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem