Theo dấu chân Bác
Pác Bó là nơi sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, ngày 28.1.1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn trở về để trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tại đây, Người đã có nhiều chủ trương và quyết định quan trọng cho sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Dòng suối Lê Nin xanh trong trước cửa hang Pác Bó. (Ảnh: Thiên Việt)
Đến với Pác Bó, chúng ta sẽ được thăm cột mốc 108 - nơi chứng kiến những giây phút thiêng liêng đầu tiên khi Người trở về sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm đường cứu nước; nền nhà ông Lý Quốc Súng - công dân Việt Nam đầu tiên đón Bác trở về; hang Cốc Bó - nơi Bác chọn làm chỗ ở và làm việc để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong hang tối, ngọn lửa yêu nước của Người đã trở thành ngọn lửa thiêng thắp sáng vận nước; bàn đá “chông chênh lịch sử Đảng”, núi Các Mác sừng sững như bức thành đồng còn mãi với thời gian, suối Lê Nin uốn lượn chảy quanh chân núi, dòng suối dưới chân lán Khuổi Nặm vẫn “rì rào” ngày đêm, hang Diêm Tiêu, hang Slí điếng, nhà cụ Dương Văn Đình...
Đền thờ Bác nằm trên ngọn đồi có tên Pò Tếng Chấy. Sau khi dâng hương, hoa tưởng nhớ Bác, du khách bắt đầu hành trình chiêm ngưỡng công trình đền thờ Bác khánh thành ngày 19.5.2011, sau hơn 1 năm khởi công. Nhìn toàn cảnh bên ngoài, ngôi đền giống như ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở Pác Bó. Với thiết kế và trang trí rất đẹp mắt nhưng trang nghiêm, đền thờ Bác Hồ mang đến cho người viếng thăm cảm giác ấm áp như một ngôi nhà sàn bình dị. Sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật điêu khắc, họa tiết và hoa văn thể hiện tinh hoa dân tộc, tạo cho người xem cảm giác gần gũi, nhẹ nhàng nhưng tôn kính...
Nhiều địa danh lịch sử
Trên 4 bức tường của đền thờ là những bức phù điêu khắc họa trên đá tuy mộc mạc, nhưng sống động. Trên đó đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác từ khi Người trở về nước ngày 8.2.1941, đến ngày giành được độc lập dân tộc- tháng 8.1945.
Du khách có thể men theo dòng suối Lê Nin qua những vách đá với rừng cây xanh thẳm, có lúc phải băng qua những đoạn đá sỏi lởm chởm. Hang Cốc Bó hiện ra bên sườn núi đá nham nhở. Dù rằng, nhiều năm đã qua, khu di tích đã cố gắng hoàn nguyên hiện trạng, nhưng dấu tích của cuộc tấn công hèn hạ, giặc xâm lược đã cho nổ mìn phá hoại cửa hang và phá sạch Nhà lưu niệm Bác, vẫn in đậm trên những mảng đá xô lệch, được gắn kết bởi xi măng và rêu xanh. Hang rộng trên chục mét, dài chừng vài mươi mét, rất ẩm ướt và lạnh lẽo do nước từ vách đá rỉ ra. Trong hang có một thạch nhũ nhô lên trông giống mặt người với tóc và râu rất dài, được Bác đặt tên là tượng Các Mác.
Ngoài bờ suối, chiếc bàn đá Bác ngồi làm việc mỗi ngày vẫn còn đó và mỏm đá Bác ngồi câu cá thư dãn vẫn còn kia, để lại cho hậu thế những ấn tượng sâu sắc về tính cách đơn sơ, giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại. Hang Cốc Bó đã đi vào lịch sử cùng với quãng thời gian sống và làm việc của Bác ở nơi quê hương cách mạng này.
Bên trong đền thờ, tượng Bác với dáng ngồi thanh thản được tạc bằng đồng uy nghi đặt nơi trang trọng nhất ở gian chính điện. Bên trên là dòng chữ Hồng Nhật Cao Minh (mặt trời đỏ từ trên cao chiếu sáng).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.