Vừa há hàm răng đen bóng đã cà (cưa) cho chúng tôi xem, cụ bà Kăn Hươi cho biết, ngoài để làm… đẹp ra, tục cưa răng được thực hiện khi con người đến tuổi trưởng thành, thể hiện sự can đảm của đàn ông và sự cam chịu của đàn bà. Bởi theo phong tục của người Pa Kô ngày xưa, khi đến tuổi trưởng thành, phải chứng tỏ sự trưởng thành đó bằng cách dùng đá dưới suối cà cho hàm răng sát nướu hoặc dùng cây dao có răng cưa, cưa đi một nửa hàm răng cho bằng phẳng.
Nếu ai đến tuổi trưởng thành mà không cưa răng thì sẽ bị dân làng chê cười là thiếu can đảm, đi sim không ai yêu, và tất nhiên hậu quả là trai không lấy được vợ, gái không lấy được chồng. “Mẹ (bà Kăn Hươi xưng hô với khách) cưa răng khi tròn 18 tuổi. Nhờ cưa răng mẹ mới được nhiều trai bản để ý theo đuổi, rủ đi sim rồi có chồng” - bà Hươi cho hay. Còn cụ ông Vỗ Bảo cũng tiết lộ “Người Pa Kô mình thích nụ cười duyên dáng với hàm răng ngắn và đen bóng. Chính vì vậy, đến tuổi đi sim, mình đã cưa, nhuộm răng và đã lấy lòng được nhiều gái bản”.
Cụ bà Kăn Hươi, người hiếm hoi sót lại của tục cưa răng, căng tai.
Sau khi cưa răng xong, người Pa Kô lấy rễ cây “Tì nù tù màu” ở trên đại ngàn Trường Sơn về đốt một đầu rồi cà vào thanh sắt cho ra một ít nhựa màu đen có vị cay. Sau đó dùng nhựa này hòa với tro bếp, rồi dùng que nhỏ đầu có quấn giẻ thấm nhựa cây vào và phết vào răng. Ba đến bốn ngày phết chất nhựa vào răng một lần. Ngoài ra, người phụ nữ Pa Kô còn có tục căng tai để đeo được những đôi bông bằng ngà voi, bằng gỗ hay bằng vàng, bạc có tiết diện lớn. Con gái Pa Kô đến tuổi trăng tròn đã được mẹ dạy cách làm đẹp, trong đó có việc căng tai để đeo trang sức cỡ lớn.
Tục cà răng, căng tai hiện nay đã không còn. Những hàm răng đen hạt huyền lóng lánh và những lỗ tai to, dài đã dần dần đi vào quên lãng, âu cũng là quy luật của sự phát triển…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.