"Người đẹp Tây Đô" Việt Trinh: Nếu nói tôi không thích nổi tiếng là giả dối

Thứ sáu, ngày 08/01/2021 13:40 PM (GMT+7)
Việt Trinh kể cô từng trải qua hàng loạt vai tỳ nữ, bưng trà rót nước mới có được thành công trở thành "nữ hoàng phim ảnh" thập niên 90 và hiện tại là một đạo diễn.
Bình luận 0
"Người đẹp Tây Đô" Việt Trinh: Nếu nói tôi không thích nổi tiếng là giả dối - Ảnh 1.

Việt Trinh thời trẻ là một ngôi sao phim ảnh. Ảnh: NSCC

Việt Trinh sinh năm 1972 và là một diễn viên, MC, đạo diễn... nổi tiếng ở làng giải trí Việt Nam từ thập niên 1990 cho đến nay.

Từ vai tỳ nữ đến "nữ hoàng phim ảnh"

Việt Trinh tiết lộ rằng phim đầu tiên cô đóng chính là "Hoa tigôn mọc sau hè". Tuy nhiên, phim này không được chú ý nhiều nên dần dà bị trôi vào quên lãng.

Cô phải trải qua rất nhiều vai tỳ nữ để học hỏi kinh nghiệm diễn xuất. Cô kể lại rằng: "Trong tác phẩm "Lửa cháy thành Đại La", anh Lê cung Bắc đóng vai vua, tôi đóng vai tỳ nữ. Diễm Hương, Lý Hùng đóng chính.

Lúc đó, tôi bưng bình nước bị rớt và nứt khiến một anh trong ê-kíp đã la mắng tôi rất nhiều. Sau đó, anh còn bắt tôi đền. Tôi không biết làm sao, tôi khóc vì hỏi ra mới biết đó là bình cổ. Anh Lê Cung Bắc là người đã "anh hùng cứu mỹ nhân".

Anh giải thích vì không đổ nước vào bình lúc diễn nên chiếc bình khi bưng sẽ bị chòng chành. Lúc đó, tôi nhìn anh, tôi muốn khóc vì thấy được an ủi".

"Người đẹp Tây Đô" Việt Trinh: Nếu nói tôi không thích nổi tiếng là giả dối - Ảnh 2.

Việt Trinh thời trẻ. Ảnh: NSCC

Trải qua hàng loạt vai tỳ nữ, đến năm 1991, với vai Oanh trong phim "Ngọc trong đá" của đạo diễn Trần Cảnh Đôn, Việt Trinh mới thực sự tỏa sáng và được công chúng biết đến. Niềm vui khi lần đầu tiên được giao một vai lớn, cùng với hai ngôi sao Lý Hùng và Lý Thu Thảo đã khiến cô gái trẻ háo hức và phấn khởi.

Tuy chỉ đóng vai thứ chính nhưng vai diễn của Việt Trinh trong phim được khán giả đánh giá cao và yêu mến, thậm chí còn nhiều hơn cả vai chính của Lý Thu Thảo. Bộ phim này cũng là nơi đã "se duyên" cho đôi "tiên đồng, ngọc nữ" trên màn ảnh rộng Lý Hùng và Việt Trinh.

"Người đẹp Tây Đô" Việt Trinh: Nếu nói tôi không thích nổi tiếng là giả dối - Ảnh 3.

Việt Trinh - Lý Hùng. Ảnh: NSCC

Đỉnh cao thành công của Việt Trinh chính là tác phẩm "Người đẹp Tây Đô" năm 1996. Bộ phim này là một mốc son đẹp, đưa cô lên hàng "nữ hoàng phim ảnh" những năm 90. Mỗi khi nhắc đến Việt Trinh, khán giả đều nhớ đến "Người đẹp Tây Đô" và ngược lại.

Trong "Người đẹp Tây Đô", Việt Trinh vào vai Bạch Cúc, một cô gái xinh đẹp chịu nhiều đau buồn, tủi nhục khi bị ép gả cho một công tử Bạc Liêu và sau đó trở thành một chiến sĩ tình báo. Có thể nói, với vai Bạch Cúc, Việt Trinh đã hoàn toàn lột xác từ ngoại hình đến tính cách nhân vật so với các vai diễn trước đây của chị.

Nếu nói tôi không thích nổi tiếng là giả dối!

Việt Trinh chia sẻ rằng, cảm nhận của cô về sự nổi tiếng của năm 18, 19 tuổi và bây giờ rất khác nhau. Cô nói: "Ngày xưa tôi thích người ta nhận ra mình, lúc đó tôi còn sân si, hơn thua trong thời điểm đó. Giờ người ta vẫn nhận ra tôi, nhưng tôi lại thích mình nổi tiếng trong sự giản dị hơn.

Sự nổi tiếng như ly rượu, nó làm tôi say nhưng phải kiềm chế, nếu cảm nhận nhẹ nhàng thì nó làm mình thăng hoa hơn, tốt hơn. Nếu nói tôi không thích sự nổi tiếng là giả dối. Tôi thích sự nổi tiếng nhưng sự nổi tiếng không làm tôi hư. Nó làm tôi thăng hoa trong sự nghiệp hơn".

"Người đẹp Tây Đô" Việt Trinh: Nếu nói tôi không thích nổi tiếng là giả dối - Ảnh 4.

Việt Trinh chuyển hướng sang làm đạo diễn. Ảnh: NSCC

 

Bên cạnh đó, nói về những vai diễn của mình, cô thừa nhận: "Ở Việt Nam hay có chuyện "đo ni đóng giày" vai diễn, có những lúc tôi ngán vai hiền, bởi nhân vật quá giống nhau đâm ra không làm cho tôi có cảm xúc mới để thể hiện nhân vật. Và có lẽ đạo diễn nhìn tôi không thể đóng vai ác được nên toàn giao vai hiền".

Từ thành công của loạt phim ảnh, Việt Trinh rẽ hướng sang làm đạo diễn và được đón nhận với các phim như: "Trở về", "Ba điều ước"...

"Làm diễn viên hay bị đạo diễn la, lúc đó mình không hiểu hay cãi lại. Nhưng khi làm đạo diễn, tôi mới thấy có nhiều nỗi khổ, không chỉ bị diễn viên cãi lại mà còn bị biên kịch ý kiến. Làm đạo diễn áp lực rất lớn. Chính vì khi chuyển từ diễn viên qua đạo diễn, nên tôi hiểu và không làm khó diễn viên. Tôi chỉ khó hai điều: Một là không được nhắc thoại và hai là không được khóc giả".

Đông Du (Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem