“Người điên” vẻ hàng chục tấm bản đồ Sài Gòn mong ngóng vợ con trở về
“Người điên” vẽ hàng chục tấm bản đồ Sài Gòn mong ngóng vợ con trở về
Chinh Hoàng - Mai Ánh
Thứ hai, ngày 23/05/2022 13:19 PM (GMT+7)
Ông Trương Lâm từng làm chủ của một hãng xà bông. Sau biến cố trắng tay, vợ con ông bỏ đi. Ông lủi thủi trong căn nhà cũ gây dựng lại sự nghiệp từ nghề làm đậu rang bán với giá chỉ 2.000 đồng suốt hơn 20 năm qua.
Mọi người trong hẻm 904/29, Nguyễn Duy, phường 12, quận 8 (TP.HCM) gọi ông Trương Lâm là người "điên" bởi suốt hơn 20 năm qua ông sống trong căn nhà không điện, nước.
Trong hơn 20 năm đó, ông Lâm sống bằng nghề bán đậu phộng rang. Cứ 2 tuần, ông bán 10 bịch đậu, mỗi bịch giá 2.000 đồng và chỉ bán cho người quen.
Bi kịch từ cá độ
Ông Lâm trong quá khứ là một người ăn nên làm ra, xà bông của ông bán chạy khắp Sài Gòn. Nhưng một lần cá cược đua ngựa, ông… thua độ với số tiền lớn, tan gia bại sản. Vợ con ông cũng bỏ đi từ đó. Ở tuổi xế chiều, mong mỏi lớn nhất của người đàn ông là được sum vầy với vợ con, chuộc lại những lỗi lầm năm xưa.
Đi sâu vào trong con hẻm nhỏ 904/29 trên đường Nguyễn Duy, quận 8, có một người đàn ông tóc điểm màu hoa râm ngồi cặm cụi tô vẽ "thương hiệu" đậu rang Thuận Phát trên những... tờ giấy tập học trò. Cái tên này được ông Lâm đặt ra với mong mỏi gây dựng lại sự nghiệp, xóa đi những lỗi lầm xưa cũ, làm lại cuộc đời và mong ngóng vợ con sẽ quay trở về sau hơn 20 năm xa cách.
Mọi người trong hẻm gọi ông Lâm là người "điên" bởi ông suốt hơn 20 năm qua sống trong căn nhà cấp 4 không điện, nước. Ông thay nước sạch sinh hoạt bằng… nước mưa.
Ông Lâm chia sẻ: "Ban đầu tôi bán với giá 1.000 đồng/gói, sau đó tăng lên 2.000. Đợt dịch Covid-19 này tôi bán với giá cao nhất là 3.000 đồng do đậu phộng lên 60.000/kg, dịch nguôi bớt tôi bán lại với giá 2.000 đồng".
Bà Diễm Thu sống trong hẻm 904 nhìn về phía nhà người "điên" xót xa, tiết lộ: "Hồi xưa, ông Năm (Trương Lâm) giàu có nhất nhì khu này, lao vào cờ bạc rồi mất sạch, từ đó trở đi chỉ thấy ông sống một mình, vợ và hai đứa con đi đâu không rõ".
Vẽ hàng chục tấm bản đồ Sài Gòn với mong mỏi… tìm con
Bên trong căn nhà của ông Lâm có hàng chục tấm bản đồ to nhỏ vẽ tay treo kín tường, tất cả đường đi của Sài Gòn được ông dùng trí nhớ vẽ lại. Con đường ông đi không chỉ là con đường giao đậu phộng mà còn là hành trình tìm lại người thân.
Thi thoảng, ông lại lôi ra từ trong góc một tấm giấy croquis khổ A0 ra vẽ lại những tấm bản đồ đã mục, rách bổ sung thêm những con đường trước đó bỏ sót. Ông Lâm tự hào khi nhiều người trêu ông là "thổ địa" nơi này. Bởi khi có ai đi lạc, ông đều nhiệt tình chỉ đúng đường cho họ về nhà.
Ông Lâm nhớ lại, ngày phá sản, vợ đem con bỏ đi rồi không còn liên lạc cho tới giờ, ông sống lầm lũi trong căn nhà cũ không điện, không nước, không người thân.
Ngày đó, ông giao hết chỗ đậu rang trong giỏ rồi lại ngồi một góc ăn xin. Ông chỉ nhận đủ tiền mua cơm sống qua ngày, thời gian còn lại ông nhặt nhạnh từng chiếc ve chai bên đường đem bán. Được hỏi lý do sao phải sống khổ cực như thế, ông Lâm trầm ngâm nói: "Không muốn phiền đến ai".
Hơn 20 năm trôi qua có một số nhà hảo tâm đến ngỏ ý giúp ông Lâm sửa lại nhà nhưng hễ ai nhắc đến việc tân trang nhà cửa hay chuyển đi một nơi khác, ông đều từ chối.
Ông bày tỏ: "Tôi phải ở ngôi nhà này, giữ nguyên vẹn những điều xưa cũ như những mảnh ký ức cuối cùng còn sót lại, kiên trì chờ vợ con… trở về. Biết đâu chúng nó đi qua thấy cảnh thân quen rồi tìm được nhà mình".
Nói về việc bán đậu rang giá 2.000 đồng trong suốt mấy chục năm qua, ông Lâm thổ lộ: "Mục đích tôi làm vậy để quảng cáo "thương hiệu", sau này nhỡ như vợ con quay về, tôi sẽ về quê tìm một mảnh đất trồng lạc, mở xưởng sản xuất".
Cứ 2 tuần ông chỉ làm 10 bịch đậu rang, thay vì 1 lần làm 100 bịch để lâu bán dần thì ông làm một lần 10 bịch để bán nóng trong ngày, khách yêu mến ông bởi chữ uy tín. Cũng có lần không bán được, ông lấy nấu cháo, tự ăn cho hết chứ không lấy hàng tồn bán cho khách...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.