Có mặt tại chợ Bắc Xa những ngày giáp Tết này mới cảm nhận được hết không khí đông vui, nhộn nhịp nơi đây. Cùng với các chợ phiên Lương Mông họp các ngày 4, 14, 24 hàng tháng; chợ phiên Thanh Lâm họp các ngày 5, 15, 25 hàng tháng; chợ phiên Đồn Đạc họp vào 01, 15; chợ phiên Đạp Thanh họp các ngày 6, 16, 26; (Âm lịch) hàng tháng.
Từ lâu, chợ phiên đã trở thành nơi buôn bán, trao đổi hàng hoá nông sản của nhân dân đồng thời là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa của các dân tộc trong huyện.
Người dân vùng cao Ba Chẽ náo nức đi chợ sắm tết. Ảnh: Minh Thảo
Với sự phong phú của các mặt hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng của núi rừng Ba Chẽ như: Sản phẩm thêu tổ cẩm, thuốc nam... cùng nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con, cho thấy bà con nhân dân vùng cao đã thay đổi cách nghĩ cách làm, thay đổi tập tục sản xuất cũ mà chuyển sang sản xuất hàng hoá góp phần tăng thu nhập cho gia đình và từng bước làm giàu.
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu mua bán của nhân dân trên địa bàn các xã, chợ phiên Ba Chẽ còn phục vụ nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hoá của nhân dân đến từ các xã, các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh với huyện Ba Chẽ như: Sơn Động (Bắc Giang), Đình lập (Lạng Sơn) và huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Mỗi phiên chợ ước tính có hàng nghìn lượt khách đến mua bán, giao lưu, trao đổi các loại hàng hoá.
Những mặt hàng được bán ở các chợ phiên khá phong phú, chủ yếu là các sản vật của núi rừng hay những mặt hàng do chính người dân nơi đây làm ra như: mật ong rừng, nấm lim xanh, rau đậu các loại... Vào dịp cuối năm, ngoài những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống, phiên chợ còn có các mặt hàng đặc biệt để phục vụ ngày Tết cổ truyền như: gạo nếp nương, lá dong, tiền vàng, lịch năm mới, mía tím...
Đặc biệt, đến với chợ phiên ở Ba Chẽ, du khách được đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao. Những cô gái Dao xúng xính trong trang phục sắc màu rực rỡ, tạo nên nét đẹp và không khí vui tươi cho ngày chợ.
Một số hình ảnh nhộn nhịp của phiên chợ vùng cao:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.