Nguồn cung hầu hết phân khúc bất động sản tại TP.HCM vẫn lao dốc
Nguồn cung bất động sản tại TP.HCM vẫn khan hiếm giữa lúc mua bán tiếp tục năm sau giảm hơn năm trước
Gia Linh
Thứ bảy, ngày 23/03/2024 15:50 PM (GMT+7)
Các tháng đầu năm 2024, đa số các phân khúc bất động sản tại TP.HCM vẫn chưa dừng được xu hướng sụt giảm nguồn cung. Trong khi đó, giá bán nhà, đất vẫn neo ở mức cao.
Dữ liệu báo cáo thị trường bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh lân cận các tháng đầu năm của DKRA Group cho thấy bức tranh thị trường tuy đã qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng nguồn cung sản phẩm vẫn chưa được cải thiện.
Tại phân khúc căn hộ, nguồn cung mới 2 tháng đầu năm chỉ bằng 66% so với cùng kỳ, tập trung giai đoạn trước Tết Âm lịch, phân bổ chủ yếu tại TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đáng chú ý, lượng tiêu thụ nguồn cung mới tiếp tục giảm, giảm đến 53% so với cùng kỳ.
Trong đó, phân khúc căn hộ hạng B chiếm 76% nguồn cung và 93% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường, tập trung hầu hết tại khu Tây - TP.HCM. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, ghi nhận mức tăng 3 - 6% ở một số dự án tại TP.HCM có pháp lý hoàn chỉnh, tiến độ xây dựng, bàn giao nhanh chóng.
Giá bán căn hộ mới cao nhất trong thời gian qua tại TP.HCM là 82 triệu đồng/m2, còn thấp nhất là 52,5 triệu đồng/m2.
Để kích cầu khách hàng, nhà đầu tư... doanh nghiệp địa ốc ra sức tung các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, quà tặng mở bán,..
Trong khi đó, nguồn cung phân khúc biệt thự, nhà phố vẫn khan hiếm và giảm nhẹ 27% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ mới duy trì ở mức thấp, chỉ đạt 16% nguồn cung đưa ra thị trường.
Theo đó, TP.HCM là địa phương dẫn dắt thị trường với tỷ trọng đạt 52% nguồn cung và 94% lượng tiêu thụ mới. Các khu vực Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh ghi nhận tình trạng khan hiếm dự án mở bán mới trong 2 tháng đầu năm 2024.
Dù chịu áp lực của chi phí đầu vào tăng, tuy nhiên mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với lần mở bán trước đó. Còn mặt bằng giá thứ cấp có xu hướng đi ngang so với thời điểm cuối năm 2023, trong khi thanh khoản ở mức trung bình, giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đảm bảo tiến độ thi công, pháp lý rõ ràng và được phát triển bởi các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường. Đây là phân khúc có giá trị giao dịch lớn, hàng tỷ đồng nên việc giá bán không có nhiều biến động cũng khiến khách hàng khó quá khả năng tiếp cận.
Chuyên gia của DKRA dự kiến trong những tháng tiếp theo, nguồn cung mới tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên khó có những đột biến trong ngắn hạn. Phần lớn dự án mở bán mới tập trung chủ yếu ở TP.HCM, Long An, Đồng Nai và Bình Dương.
Riêng phân khúc đất nền, trong các tháng đầu năm, nguồn cung và lượng tiêu thụ mới ghi nhận mức giảm lần lượt là 14% và 25% so với cùng kỳ. Trong đó, giao dịch tập trung ở nhóm sản phẩm có mức giá trung bình khoảng 21,5 triệu đồng/m2.
Hiện tại, Long An đang là thị trường chủ lực về tỷ trọng nguồn cung và lượng tiêu thụ mới của thị trường, với tỷ lệ đạt lần lượt là 60% và 58%. Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với lần mở bán trước đó. Các chính sách ưu đãi, thanh toán kéo dài, cam kết lợi nhuận.... tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.
Dự kiến nguồn cung mới trong những tháng tiếp theo sẽ đạt nhiều khởi sắc, phần lớn sản phẩm tập trung ở các khu vực giáp ranh TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng đến cuối năm 2023, thị trường bất động sản TP.HCM đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bước vào chu kỳ phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Chủ tịch HoREA đánh giá với đà phục hồi này, thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.