Nga gặp khó khi bán một nguyên liệu quan trọng, lượng nhập về Việt Nam qua Trung Quốc có ảnh hưởng?

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 11/03/2022 06:30 AM (GMT+7)
Nga đóng vai trò quan trọng cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ cho thế giới. Trong khi chiến sự Nga - Ukraine có thể khiến nguồn cung này đến nhiều quốc gia bị gián đoạn thì nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ đứng ngoài tác động này.
Bình luận 0

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gỗ xẻ quan trọng nhất của Nga, chiến sự Nga - Ukraine tác động thế nào?

Trong khi chiến sự Nga - Ukraine có thể khiến nguồn cung này đến nhiều quốc gia bị gián đoạn thì nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ đứng ngoài tác động này.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga năm 2021 đạt 147 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2020. 

 Nga cũng là nguồn cung gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn nhất của Nga.

Năm 2021 lượng gỗ tròn Trung Quốc nhập khẩu từ Nga chiếm 48% trong tổng lượng gỗ tròn Nga xuất đi các các thị trường.

Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ gỗ xẻ quan trọng nhất của Nga. Năm 2021 lượng gỗ xẻ nhập khẩu từ Nga vào Trung Quốc chiếm 55% tổng lượng gỗ xẻ mà Nga xuất đi tất cả các thị trường.

Nga là quốc gia có diện tích rừng tự nhiên vô cùng lớn – 815 triệu ha – lớn gấp gần 60 lần diện tích rừng hiện tại của Việt Nam. Lượng gỗ khai thác mỗi năm của Nga khoảng 200 triệu m3, tương đương với 10% lượng cung toàn cầu.

Nga gặp khó khi bán một nguyên liệu quan trọng, lượng nhập về Việt Nam qua Trung Quốc có ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Có một lượng nhỏ gỗ có nguồn gốc từ Nga được nhập khẩu vào Việt Nam qua Trung Quốc, chủ yếu ở dạng sản phẩm là gỗ xẻ và veneer. Trong ảnh: Nga đầu tư nhiều cho công nghệ chế biến gỗ. Ảnh: AFP.

Theo WRI năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Nga đạt khoảng 12,3 tỷ USD, trong đó chủ yếu là mặt hàng gỗ nguyên liệu.

Nga không phải thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, tương đương 2% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các nguồn trong cùng năm. 

Trong đó, một lượng nhỏ gỗ có nguồn gốc từ Nga được nhập khẩu vào Việt Nam qua Trung Quốc, chủ yếu ở dạng sản phẩm là gỗ xẻ và veneer.

Chiến sự Nga - Ukraine ít tác động đến việc nhập khẩu gỗ của Trung Quốc, Việt Nam tính đường tìm nguồn thay thế

Sau khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ lo ngại nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng do Việt Nam vẫn nhập một lượng gỗ nguyên liệu từ Nga và có một phần nhập gỗ có nguồn gốc từ Nga từ Trung Quốc.

Ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cho rằng, chiến sự Nga - Ukraine chưa chắc đã có tác động đến nguồn gỗ nguyên liệu từ Nga qua Trung Quốc và từ Trung Quốc về Việt Nam. 

Theo ông Hà, Nga và Trung Quốc có đường biên giới sát nhau, thậm chí người Trung Quốc đã sang Nga mở xưởng chế biến gỗ nên chiến sự Nga - Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung gỗ nguyên liệu, thậm chí còn mua được nhiều hơn với giá rẻ.

Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thu Trang, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty gỗ An Lạc cho rằng, gỗ nguyên liệu có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu về Việt Nam qua Trung Quốc có thể không bị ảnh hưởng, thậm chí, doanh nghiệp Trung Quốc có thể được hưởng lợi khi Nga không thể xuất khẩu gỗ nguyên liệu đi thị trường khác, ngoài Trung Quốc. 

 Trong khi đó, ông Vũ Hải Bằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Woodsland cho rằng, trong sản xuất ván dán, các doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định được vị thế so với doanh nghiệp Trung Quốc và xuất khẩu được khá nhiều vào thị trường Mỹ nhưng lạ thường là 100% gỗ đó là mặt gỗ bạch dương (Birch) và phần lớn nguồn gỗ từ bên Nga. 

"Nếu không duy trì được nguồn cung qua đối tác Trung Quốc thì sẽ bị ảnh hưởng - ông Bằng nói.

Tuy nhiên, để ứng phó với nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu có thể thiếu hụt, ông Bằng cho biết, đã bàn với một số đối tác thay thế một số chi tiết từ gỗ sồi sang gỗ keo, và đây là cơ hội cho nguồn cung gỗ nội địa.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cước phí vận chuyển ngày càng tăng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ nên tìm nguồn gỗ thay thế, ưu tiên sử dụng nguồn gỗ rừng trồng trong nước và tập trung phát triển gỗ rừng trồng trong nước. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem