“Do đây là một cuộc điều tra đang diễn ra, chúng tôi không thể suy đoán về nguyên nhân vụ tai nạn. Bell sẵn sàng hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong cuộc điều tra về vụ việc”, ông Eugene Tan, đại diện truyền thông của Bell khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chia sẻ hôm 7/4.
“Tại Bell, tất cả chúng tôi đều đau buồn tột độ sau khi nghe tin (về vụ tai nạn - PV). Chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành tới những người thân yêu của các nạn nhân đã thiệt mạng”, vị này cho biết thêm.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam xác định vụ việc là sự cố hàng không mức A - mức Tai nạn hàng không - căn cứ theo Luật Hàng không dân dụng và các văn bản hướng dẫn. Việc điều tra sự cố này thực hiện theo Điều 106 Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
Sự cố hàng không mức A là mức cao nhất trong thang đo 5 mức được Cục Hàng không quy định. Các mức còn lại gồm B (sự cố nghiêm trọng), C (sự cố uy hiếp an toàn cao), D (sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn) và E (vụ việc không uy hiếp an toàn nhưng ảnh hưởng đến dịch vụ).
Bên cạnh đó, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết trước khi xảy ra tai nạn, trực thăng số hiệu VN-8650 là một trong 2 chiếc Bell 505 do Công ty Trực thăng miền Bắc khai thác. Các máy bay được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ.
Chiếc trực thăng bị tai nạn đã có tổng số 488 giờ bay với 2.655 lần cất/hạ cánh. Phi công lái trực thăng gặp nạn có giấy phép lái máy bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6/2026.
Sau khi xảy ra vụ tại nạn trên, nhà sản xuất máy bay Bell và Ủy ban An toàn vận tải Canada đã gửi thư đến Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hỗ trợ, cử đại diện tham gia điều tra nguyên nhân tai nạn.
Theo thông tin từ nhà sản xuất Bell Textron, dòng máy bay Bell 505 được trang bị công nghệ và động cơ tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa khi sử dụng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.