Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời. (Ảnh: nguoinoitieng.tv)
Trước đó, vợ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời vào ngày 6/7, hưởng thọ 74 tuổi.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hài cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ được đưa về Huế vào ngày 30/7 tới. Lễ viếng diễn ra tại trụ sở văn phòng Hội. Tối 30/7, đêm thơ để tưởng nhớ hai vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được tổ chức với sự tham dự của các đồng nghiệp, người thân, bạn bè...
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được chôn cất tại Nghĩa trang phía Bắc thuộc phường Hương Hồ, thành phố Huế - khu vực cách sông Hương khoảng 2 km, gần đồi Vọng Cảnh.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của các tập bút ký nổi tiếng như: Rất nhiều ánh lửa (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981), Ngọn núi ảo ảnh, Rượu hồng đào chưa uống đã say, Miền cỏ thơm (tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (1999, 2002, 2007). Tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông là tập bút ký nổi tiếng nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
"Sinh ra ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã sớm chọn Huế để gắn bó. Và chọn sông Hương để viết bút ký thuộc loại hay nhất của đời văn, được trích chọn vào sách giáo khoa, là còn bởi "hình như chỉ sông Hương thuộc về một thành phố duy nhất", và còn "vì yêu quý con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bờ đã nấu nước trăm loài hoa đổ xuống lòng sông, để làn nước thơm tho mãi mãi", nhà văn Hoàng Thu Phố từng viết về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Nhà thơ Ngô Minh từng nói về tác giả Ai đã đặt tên cho dòng sông: "Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay. Bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình..."
Năm 2007, Hoàng Phủ Ngọc Tường được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ ông là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.