Chưa được tập huấn kỹ
Năm 2015 là năm đầu tiên những người trồng nhãn ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam áp dụng quy trình sản xuất nhãn mới theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ nhưng nhiều hộ còn băn khoăn, lúng túng. Dẫn chúng tôi đi thăm quan hơn 1 mẫu nhãn của gia đình, bà Trần Thị Bắc – Trưởng thôn Nễ Châu cho biết: từ đầu tháng 3 đến nay, các cơ quan ban, ngành của Bộ NNPTNT phối hợp với Sở NNPTNT Hưng Yên và địa phương triển khai kế hoạch xây dựng vùng nhãn xuất khẩu tại thôn, nhưng đến nay vẫn chưa làm được biển, logo...
Ông Trịnh Văn Thinh ở xã Hồng Giang, (TP. Hưng Yên) đang cắt tỉa, chăm sóc nhãn tại vườn của gia đình. Ảnh: Trần Quang
Theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, người dân không được sử dụng một số loại thuốc trừ sâu độc hại như trước nhưng các cán bộ mới chỉ cho nông dân đi học tập huấn, giới thiệu một số loại thuốc nên dùng chứ chưa thông tin cụ thể nơi bán tới bà con, nên các hộ không biết mua ở đâu, liệu sử dụng của hiệu quả không. “Ngoài ra, việc bao trái theo tiêu chuẩn cho nhãn cũng vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, các hộ cho rằng nhãn tại các vườn đều có chiều cao gấp đôi cây vải, việc bao trái rất khó thực hiện, nếu làm được cũng tốn nhiều nhân công” – bà Bắc nói.
Ông Trịnh Văn Thinh – Chủ nhiệm HTX nhãn lồng Hồng Nam cũng chia sẻ: Toàn xã có khoảng 180ha nhãn với hơn 1.000 hộ trồng, trong đó diện tích được quy hoạch vào vùng nhãn xuất khẩu tại thôn Nễ Châu rộng 10ha với 33 hộ tham gia. “Hiện, các hộ đều có sổ ghi chép nhật ký hàng ngày. Tuy nhiên, việc ghi chép còn lúng túng, có hộ ghi được, có hộ không. Tôi đã nhiều lần đề nghị trong các cuộc hội thảo, họp tại tỉnh và địa phương yêu cầu cử cán bộ về giúp đỡ hướng dẫn tận vườn, nhưng hiện vẫn chưa thấy động tĩnh gì” – ông Thinh cho biết.
Theo bà Trần Thị Bắc, năm nay nhiều vườn nhãn thiệt hại đến hơn 80%. Người dân cho rằng do vào thời điểm tháng 2, lúc nhãn ra hoa gặp nhiều trận mưa a-xit đã dẫn đến hoa bị rụng không thể thụ phấn được. Sau đó, lượng sâu, bệnh trên cây nhãn bùng phát mạnh dù nông dân đã dùng nhiều biện pháp phòng trừ.
Mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu
Theo khảo sát của NTNN tại hai vùng nhãn xuất khẩu từ ngày 21 đến ngày 22.5, cho thấy mỗi nơi làm theo một kiểu. Cụ thể, thay vì thực hiện tập trung, áp dụng đồng loạt như cho các hộ dân tại thôn Nễ Châu thì tại vùng nhãn thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu lại triển khai điểm tại một số hộ điển hình.
Ông Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch Hội ND xã Hàm Tử cho biết, từ khi được cấp mã vùng và có kế hoạch triển khai xây dựng vùng nhãn xuất khẩu, địa phương chủ trương triển khai điểm, nếu thành công sẽ cho các hộ còn lại đến tham quan, học tập nắm bắt thực tế sẽ hiệu quả hơn là thực hiện dàn trải. “Tôi chưa biết quy trình xuất khẩu sang Mỹ như thế nào. Nếu các doanh nghiệp đánh đồng, mua cùng một loại giá với nhãn ở TP.Hưng Yên thì chúng tôi sẽ không chấp nhận vì chất lượng cũng như giá thị trường nhãn Hàm Tử hàng năm luôn cao hơn gấp 1,5 lần so với các loại nhãn khác” – ông Thế nói.
Bà Đoàn Thị Chải – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên cho biết, năm 2015, Hưng Yên có khoảng 3.000ha nhãn, với sản lượng ước đạt khoảng trên dưới 35.000 tấn. “Vụ nhãn năm nay, thị trường Mỹ đã mở cửa cho sản phẩm nhãn của Việt Nam, đây là tín hiệu rất đáng mừng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức do sản phẩm trong nước vẫn được bà con sản xuất theo cách truyền thống, khi áp dụng quy trình mới này vào sản xuất để có sản phẩm xuất khẩu sẽ còn gian nan, nên chắc chắn sẽ chưa xuất khẩu sang Mỹ được nhiều, mà vẫn tiêu thụ tại thị trường trong nước là chính”- bà Chải nhấn mạnh.
Bà Chải cho biết thêm, tại hai vùng nhãn được quy hoạch xuất khẩu tại TP.Hưng Yên và huyện Khoái Châu sau khi triển khai thực hiện, trung bình mỗi tuần đều có cán bộ trạm BVTV xuống kiểm tra hai lần tại các hộ, đến nay theo báo cáo, phần lớn các hộ đều thực hiện và chấp hành tốt quy định, chỉ có một số hộ còn lúng túng, mù mờ về cách làm đang tiếp tục được cán bộ cơ sở hướng dẫn lại.
Cuối năm 2014, phía Mỹ đã chính thức mở cửa thị trường cho nhãn của Việt Nam. Theo đó, để có được nhãn đủ tiêu chuẩn cũng như chất lượng xuất khẩu vào thị trường này, đầu tháng 3.2015, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Bộ NNPTNT) phối hợp với Chi cục BVTV (Sở NNPTNT Hưng Yên) đã kiểm tra thiết lập hồ sơ và cấp mã số vùng sản xuất nhãn xuất khẩu với 9,97ha gồm 33 hộ tại xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) và 10,82ha với 142 hộ tại xã Hàm Tử, (Khoái Châu).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.