Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Việt Nam được xác định là một trong những điểm nóng toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mất an toàn thực phẩm gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, các bệnh truyền lây từ động vật sang người không chỉ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người, sinh kế và nền kinh tế, mà còn được dự đoán sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai do nhu cầu đẩy mạnh chuỗi sản xuất chăn nuôi và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.
Đặc biệt báo động là chuỗi sản xuất chăn nuôi có khả năng là ổ chứa mầm bệnh lây truyền từ động vật sang người, liên quan tới 60% các trường hợp bệnh truyền nhiễm ở người.
Thói quen tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã thường thấy ở Việt Nam và nhiều nước châu Á có thể làm lây lan thêm các loại virus có khả năng gây thành đại dịch.
Như đã được ghi nhận ở một vài quốc gia trong khu vực, ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản góp phần gây ra tình trạng kháng kháng sinh do sự phổ biến của việc lạm dụng hoặc sử dụng sai thuốc kháng sinh.
Tổ chức WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Theo WB, mất an toàn thực phẩm gây thiệt hại hơn 100 tỷ USD mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Tăng cường năng lực ứng phó với dịch bệnh
Tại Diễn đàn cấp cao về Khung đối tác: "Một sức khỏe" phòng, chống dịch bệnh từ động vật sang người giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ NNPTNT, Bộ Y tế phối hợp tổ chức ngày 16/8, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, trước bối cảnh dịch Covid-19 chưa chấm dứt, thì dịch bệnh đậu mùa khỉ lại đang diễn biến phức tạp ở một số quốc gia trên thế giới.
"Hơn bao giờ hết, Đối tác Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người có vị trí và vai trò rất quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh từ động vật như hiện nay" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Theo Thứ trưởng Tiến, có thể khẳng định, tầm quan trọng của Đối tác Một sức khoẻ về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người, và sự quan tâm, chung tay, hỗ trợ kịp thời nhằm triển khai ngay lập tức khung đối tác và kế hoạch quốc gia.
Với vai trò là cầu nối quan trọng giữa Bộ NNPTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các nhà tài trợ và các đối tác phát triển, Đối tác Một sức khỏe luôn nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy các hoạt động phối hợp liên ngành ở cấp cao và vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu rộng với các sáng kiến Một sức khỏe trong khu vực và trên thế giới, từ đó góp phần nâng cao năng lực quốc gia trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Trong khi đó, TS Pawin Padungtod - cố vấn cao cấp Trung tâm Ứng phó khẩn cấp dịch bệnh động vật, thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam cho rằng, Một sức khỏe là cách tiếp cận hợp nhất nhằm mục đích cân bằng để phát triển bền vững và sử dụng nguồn lực tối ưu.
Việc áp dụng phương pháp Một sức khỏe đối với an toàn thực phẩm sẽ cho phép các quốc gia phát hiện, ngăn ngừa và đối phó với các bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề sức khỏe của cộng đồng liên quan đến thực phẩm một cách hiệu quả hơn.
Khung đối tác Một sức khỏe giai đoạn 2021 - 2025 được ký kết ngày 23/3/2022. Tới nay có 32 đối tác thành viên chính thức. Kế hoạch tổng thể quốc gia Một sức khỏe về phòng chống bệnh dịch từ động vật sang người do EU-Việt Nam hỗ trợ được 3 bộ phê duyệt ngày 21/3/2022. Từ khi ký kết tới nay, có trên 50 chương trình, dự án đang được chuẩn bị và triển khai nhằm nỗ lực hỗ trợ triển khai kế hoạch. Cả ba bộ đánh giá rất cao sự hợp tác và đồng hành của các đối tác phát triển trong nước và quốc tế cho khung đối tác một sức khỏe.
Trong thời gian tới, các bên đều mong muốn thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực thuộc một sức khỏe trong mối tương tác giữa con người, thực vật, động vật và hệ môi trường sinh thái, đặc biệt coi trọng cả sức khỏe thực vật (plant health) trong nội dung Khung đối tác để đảm bảo tính toàn diện.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn cộng đồng các nhà tài trợ, các tổ chức tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của nhằm tăng cường năng lực dự phòng, phát hiện và ứng phó với dịch bệnh, hướng tới giảm thiểu các tác động do bệnh truyền lây từ động vật hoặc có nguồn gốc từ động vật gây ra. Từ đó đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì một thế giới an toàn hơn trước các mối đe dọa dịch bệnh truyền nhiễm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.