Nhìn lại những "cột mốc" về siêu bão Yagi - một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử Biển Đông

Hồng Liên Chủ nhật, ngày 08/09/2024 11:39 AM (GMT+7)
Siêu bão Yagi, bão số 3 của năm 2024, không chỉ được ghi nhận là một trong những cơn bão mạnh nhất từng tấn công vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, mà còn phá vỡ nhiều kỷ lục về cường độ và tốc độ phát triển.
Bình luận 0

Bão Yagi xác lập nhiều kỷ lục mới 

Cơ quan khí tượng cho biết, siêu bão Yagi là siêu bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, bão số 3 Yagi không chỉ gây ấn tượng bởi sức gió mạnh mà còn bởi sự gia tăng cấp độ nhanh nhất trong lịch sử khí tượng Việt Nam.

Theo cơ quan khí tượng, bão số 3 nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão, bão tăng cấp độ nhanh nhất từ trước đến nay trong lịch sử khí tượng Việt Nam (tăng 8 cấp trong 48 tiếng).

Bão số 3 Yagi cũng nằm trong top 3 siêu bão đạt cấp 16 trở lên khi hoạt động trên Biển Đông. Giá trị khí áp tại tâm bão giảm xuống thấp nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua trong lịch sử quan trắc bão của khí tượng Việt Nam. Với siêu bão Yagi, lần đầu tiên, cơ quan chức năng phải phải ban hành rủi ro thiên tai cấp độ 4 trên Vịnh Bắc Bộ và là lần thứ ba Việt Nam ghi nhận mức rủi ro này trong lịch sử.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tính đến thời điểm hiện tại, bão số 3 Yagi là cơn bão duy nhất mạnh lên thành siêu bão và đổ bộ trực tiếp nước ta. Trước đó, cơn bão RAI (năm 2021) cũng mạnh lên thành siêu bão khi vào Biển Đông nhưng tan dần trên Bắc Biển Đông, không ảnh hưởng.

Nhìn lại những "cột mốc" về siêu bão Yagi - một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử Biển Đông- Ảnh 2.

Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão Yagi là siêu bão mạnh nhất năm 2024 trên khu vực tây bắc Thái Bình Dương tính đến thời điểm hiện tại. Ảnh: TL

Bão Yagi, ban đầu hình thành từ áp thấp nhiệt đới ngoài khơi ở Philippines, sau đó đạt đỉnh với sức gió duy trì tối đa lên tới 150 mph (khoảng 240 km/h, tương đương bão cấp 4), khiến nhất 13 người đã thiệt mạng ở Philippines do lũ lụt và lở đất.

Tối 1/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippin. Sáng 2/9, bão Yagi vượt qua khu vực phía Bắc đảo Luzon (Philippin) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 năm 2024. Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.

Đặc biệt, cả ba trung tâm dự báo thời tiết lớn trên thế giới - Trung tâm Dự báo thời tiết Mỹ (NHC), Trung tâm Khí tượng Nhật Bản (JMA), và Trung tâm Khí tượng Trung Quốc (CMA) - đều thống nhất rằng bão Yagi sẽ có cường độ rất mạnh khi tiến vào Biển Đông và khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng khi đổ bộ vào Việt Nam.

Cụ thể, Trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.

Đến thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia khí tượng, siêu bão Yagi hiện được ghi nhận là cơn bão nhiệt đới mạnh thứ 2 thế giới trong năm 2024, chỉ xếp sau cơn bão cấp 5 Beryl ở Đại Tây Dương.

Thông tin với báo chí, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, trong quá khứ có rất nhiều cơn bão mạnh hoạt động trên Biển Đông, có thể liệt kê như cơn cơn bão (ELLEN), đổ bộ Trung Quốc mạnh cấp 15; cơn bão (DOT) năm 1985; cơn bão BETTY năm 1985, cơn bão ANGELA năm 1995, cơn bão MEGI năm 2010; cơn bão USAGI năm 2013, cơn bão HAIYAN là cơn bão siêu mạnh, cường độ mạnh nhất lên tới cấp 17, tuy nhiên cường độ mạnh nhất ở khu vực phía Đông của Philippines, còn khi vào Biển Đông, bão HAIYAN cường độ giảm còn cấp 14, cấp 15; gần đây vào năm 2018 cơn bão MANGKHUT cấp 15, đổ bộ Trung Quốc. Như vậy có thể thấy đây là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.

"Mặc dù không có cơn bão nào tương tự Yagi nhưng để hiểu mức độ tàn phá của nó tôi lấy ví dụ thế này. Tháng 6/2016, bão Mirinae đi vào Nam Định - Ninh Bình với sức gió 12, giật cấp 13 khiến 3 người chết, 4 người mất tích, 30 nhà sập hoàn toàn, 1.400 nhà bị tốc mái, 12 tàu chìm, hơn 196.000 ha lúa bị ngập, 44.000 cây gãy đổ.

Lần này khu vực bão ảnh hưởng chính có đặc điểm địa hình, kinh tế - xã hội khác với cơn bão trên, nhưng với cường độ như dự báo hiện tại thì nếu không chủ động trong công tác phòng chống thì thiệt hại sẽ rất lớn", ông Mai Văn Khiêm nói.

Theo thống kê của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trung bình mỗi năm Việt Nam chịu ảnh hưởng của trên 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Vùng từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, bao gồm cả đồng bằng Bắc Bộ, có cường độ gió bão lớn nhất cả nước, trung bình đạt cấp 14, giật cấp 15-16, thường xảy ra trong khoảng tháng 7 đến tháng 9. Thống kê giai đoạn 1961-2014 có 116 cơn bão đổ bộ và ảnh hưởng đến vùng này với cường độ gió mạnh ở ngưỡng cao phổ biến là cấp 14.

Khoảng lặng kéo dài sau khi bão Yagi đi qua Hà Nội có ý nghĩa gì?

Theo các chuyên gia khí tượng, để một cơn bão phát triển, bề mặt biển cần đạt ít nhất 27 độ C để cung cấp đủ năng lượng. Đồng thời, gió không thay đổi nhiều theo độ cao. Khi các yếu tố này hội tụ, một cơn bão mạnh có thể hình thành, mặc dù nguyên nhân cụ thể của từng cơn bão rất phức tạp.

Nhìn lại những "cột mốc" về siêu bão Yagi - một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử Biển Đông- Ảnh 4.

Sau khi bão Yagi đi qua Hà Nội có một khoảng lặng kéo dài sau đó trời tiếp tục mưa và gió nhưng giảm cường độ và tốc độ. Ảnh: Mai Hoa

Để một cơn bão duy trì sức mạnh lâu dài, cần có những điều kiện như nước biển ấm và gió nhẹ trong khí quyển. Nếu có quá nhiều gió xoáy mạnh, nó có thể làm yếu hoặc tiêu diệt các đám mây giông trong bão, khiến cơn bão suy yếu trước khi nó có thể phát triển hoàn toàn. Do đó, cơn bão cần duy trì sự cân bằng về năng lượng và điều kiện môi trường.

Bên cạnh đó, giải đáp thắc mắc của người dân về khoảng lặng sau 3 giờ đồng giờ bão Yagi "quần thảo" Hà Nội, các chuyên gia khí tượng cho rằng: Hiện tượng có một khoảng thời gian lặng và sau đó mưa gió giảm và chuyển hướng có thể được giải thích bởi cấu trúc và diễn biến của cơn bão.

Trong quá trình bão di chuyển, có thể xuất hiện "vùng mắt bão" – một vùng trung tâm của bão nơi thời tiết trở nên tạm thời yên tĩnh. Ở vùng mắt, mây và gió giảm mạnh, đôi khi trời quang, do đó sẽ có một khoảng thời gian mà mưa gió tạm ngừng. Đây là đặc trưng của nhiều cơn bão mạnh, bao gồm siêu bão. Hơn nữa, bán kính của bão Yagi rất rộng nên cần quãng thời gian dài để bão đi qua.

Bão Yagi suy yếu khi vào đất liền, khi bão di chuyển từ biển vào đất liền và đi qua một số tỉnh, thành trước khi vào Hà Nội, địa hình và ma sát sẽ khiến bão suy yếu dần. Các yếu tố như dãy núi, đồng bằng hay khu vực dân cư sẽ làm giảm sức gió và lượng mưa của bão. Do đó, sau khi đổ bộ vào Hà Nội, siêu bão Yagi đã suy yếu nhanh chóng thành áp thấp nhiệt đới, làm giảm mưa và gió.

Ngoài ra, sau khi mắt bão đi qua, vùng gió mạnh và mưa lớn sẽ dịch chuyển, và bão thường có xu hướng suy yếu dần. Điều này tạo nên sự giảm mưa gió trong giai đoạn sau khi bão đổ bộ. Những yếu tố trên kết hợp lại giải thích vì sao có khoảng thời gian lặng sau khi bão đổ bộ, và vì sao mưa gió có thể giảm dần sau đó.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ, vị trí vùng áp thấp ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây suy yếu và tan dần.

Tình hình mưa lớn ở Bắc Bộ; gió mạnh và sóng lớn ở Vịnh Bắc Bộ còn diễn biến phức tạp. Cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo mưa lớn và tin thời tiết nguy hiểm trên biển tiếp theo.

Sau bão Yagi, người dân cần đề phòng mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ ngày 08- 09/9/2024, hoàn lưu sau bão số 3 sẽ gây mưa lớn cho cả khu vực các đồng bằng, trung du và vùng núi phía Bắc, với lượng mưa trung bình 24h có thể lên tới 100-150mm, có nơi có thể trên 200mm.

Nhìn lại những "cột mốc" về siêu bão Yagi - một trong những cơn bão mạnh nhất lịch sử Biển Đông- Ảnh 6.

Sau bão Yagi, người dân cần đề phòng mưa lớn, lũ quét, sạt. Ảnh: TL

Nguy cơ cao xảy lũ trên các sông suối và lũ quét, sạt lở đất tại một số địa phương, trong đó đặc biệt cần lưu ý:

(1) Các sông nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình lũ có thể lên mức báo động 2 đến báo động 3.

(2) Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.

(3) Nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với các tỉnh: Quảng Ninh (12 huyện/thị xã), Lạng Sơn (11 huyện), Bắc Kạn (06 huyện), Thái Nguyên (09 huyện), Bắc Giang (08 huyện), Vĩnh Phúc (05 huyện), Hòa Bình (11 huyện), Phú Thọ (09 huyện), Tuyên Quang (06 huyện), Yên Bái (09 huyện), Sơn La (08 huyện), Lai Châu (03 huyện), Lào Cai (04 huyện), Thanh Hóa (10 huyện).

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và các đơn vị dự báo ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến mưa, lũ tại các khu vực nêu trên và cung cấp thông tin chi tiết, kịp thời cho các cơ quan phòng chống thiên tai của Trung ương và các địa phương để có biện pháp chỉ đạo, điều hành, ứng phó kịp thời, hiệu quả.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem