Những “đóa hoa” kiên cường

Nguyệt Minh Chủ nhật, ngày 05/03/2023 19:31 PM (GMT+7)
Có một xóm trọ nhỏ chỉ cách bệnh viện Bạch Mai khoảng 200m đường chim bay. Đây là nơi sinh sống của 119 bệnh nhân đang hằng ngày chiến đấu với căn bệnh suy thận quái ác, họ đang nỗ lực giành giật hy vọng về một cuộc sống khỏe mạnh hơn.
Bình luận 0

Không thể gục ngã

Trái ngược với dòng xe cộ tấp nập, chúng tôi như lạc vào thế giới khác trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hoàng Mai, Hà Nội). Không ồn ào náo nhiệt, không nhà cao tầng vững chãi, chỉ có những dãy trọ nhỏ cũ kỹ đã tồn tại vài thế kỷ, nằm san sát nhau.

Đằng sau những cánh cổng bằng sắt đã hoen gỉ theo năm tháng, là cuộc sống của 119 bệnh nhân đang hằng ngày phải chạy thận. Họ sống trong những căn phòng trọ nhỏ đến mức chỉ đủ một chỗ ngả lưng. Căn lớn nhất rộng 7m2 đến 8m2, có những căn nhỏ chỉ rộng 4m2, không đủ chỗ cho 2 người lớn có thể đi lại thoải mái.

Những “đóa hoa” kiên cường  - Ảnh 1.

Xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh nghị (Hoàng Mai, Hà Nội) đang là nơi sinh sống của 119 bệnh nhân chạy thận. Ảnh: Nguyệt Minh

Sắp xếp mãi, chúng tôi mới có chỗ ngồi trong căn phòng của chị Đặng Thị Xiêm (28 tuổi, Bắc Kạn). Gọi căn phòng cho hoa mỹ, nơi chị Xiêm ở chỉ như một cái hộp bê tông, đủ kê một chiếc giường nhỏ, và dư đúng một lối bước ra ngoài. 

Bệnh suy thận có thể điều trị khỏi, nhưng chỉ có một cách để chữa dứt điểm, đó là thay một quả thận mới. Nhưng chi phí ghép thật rất đắt đỏ, nếu có thận được hiến tặng, chi phí cũng có thể lên đến vài trăm triệu. Những người không có điều kiện ghép thận, đành phải chống chọi với căn bệnh này suốt quãng đời còn lại với tình trạng sức khỏe ngày càng đi xuống.

Chị Xiêm buồn kể: “Chạy thận đã tiêu tán hết cả gia tài rồi, giờ có một chỗ để ngả lưng đã là may mắn”. Quả đúng như vậy, nhiều người dân trong xóm trọ cũng chậc lưỡi mà nói với chúng tôi: “Phải đi chạy thận thì từ giàu cũng thành nghèo”.

Chị Xiêm có dáng người nhỏ bé, làn da trắng muốt nhưng không hồng hào do sức khỏe yếu. Năm nay chị mới 28 tuổi, nhưng căn bệnh suy thận đã đeo bám chị gần 7 năm ròng rã. Nhớ lại năm 21 tuổi, chị Xiêm bồi hồi. Lúc ấy bản thân vẫn đang khỏe mạnh, bỗng dưng chị bị đau bụng, khi đi khám bác sỹ kết luận bị suy thận và phải đi chạy thận.

Những “đóa hoa” kiên cường  - Ảnh 3.

Chị Đặng Thị Xiêm (28 tuổi, Bắc Kạn) trong căn phòng trọ nhỏ chỉ khoảng 4m2 của mình. Không còn sức khỏe để làm việc nặng, hằng ngày chị làm thiệp giấy để kiếm thêm thu nhập, vơi bớt gánh nặng cho gia đình mình. Ảnh: Nguyệt Minh.

21 tuổi, cái độ tuổi còn đong đầy những hoài bão, ước mơ, nhưng kết luận của bác sĩ ngày hôm ấy đã khiến cuộc đời chị đi vào một ngã rẽ hoàn toàn mới - bắt buộc phải chiến đấu với bệnh tật. “Lúc ấy, tôi sốc lắm, cảm giác như một bước rơi xuống vực thẳm, tôi trầm cảm mất một thời gian trước khi học được cách chấp nhận sự thật”. 

Cũng giống như chị Xiêm, anh Nguyễn Xuân Cường (47 tuổi) cũng đã đồng hành cùng người vợ của mình là chị Hà Bích Liên (32 tuổi) trong suốt 4 năm chị bị suy thận. Gia đình anh chị có 4 người, chị Liên bị suy thận, con trai cả là cháu Nguyễn Hà Bảo An bị bệnh tim. Tất cả những gánh nặng trong gia đình đều dồn lai vai người bố trẻ.

Anh Cường chia sẻ: “Tôi không thể gục ngã, vì tôi là chỗ dựa duy nhất của vợ và 2 đứa con nhỏ”.

Những “đóa hoa” kiên cường  - Ảnh 4.

Ông Mai Anh Tuấn - Tổ trưởng xóm chạy thận, ông là một trong những người đầu tiên ở xóm chạy thận này. Ảnh: Nguyệt Minh.

Ông Mai Anh Tuấn - Tổ trưởng xóm chạy thận cho biết: “Ở đây mỗi người mỗi hoàn cảnh, muôn hình vạn trạng, nhưng có điểm chung là ai cũng khổ, bởi trên 95% họ là những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo của các địa phương chuyển về đây. Họ đang nỗ lực từng ngày để chiến đấu với căn bệnh suy thận quái ác”.

Sức mạnh từ những người cùng khổ

Xóm chạy thận là mái nhà yêu thương thứ 2 của 119 bệnh nhân suy thận và người nhà của họ trên khắp mọi miền đất nước.

Ông Tuấn cho chúng tôi biết, khoảng những năm 90, xóm này vẫn còn vắng vẻ, chẳng có người ở. Anh Tuấn là một trong những người đầu tiên ở đó, rồi sau này, từ những người chạy thận đầu tiên, dần phát triển thành cả xóm trọ. 

Những “đóa hoa” kiên cường  - Ảnh 5.

Vì diện tích phòng trọ nhỏ, nên đa số các bệnh nhân phải nấu ăn chung ở khu vực bên ngoài. Ảnh: Nguyệt Minh.

Ông Tuấn tâm sự: “Hiện nay, nhiều bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, phải chạy thận ở Hà Nội được giới thiệu về ở xóm trọ, vì chi phí thuê phòng ở đây không quá đắt, vị trí cũng gần các bệnh viện lớn. Cứ người này giới thiệu người kia, đến hiện tại xóm trọ không khi nào vắng người”.

Ngày qua ngày, sống cùng nhau trong xóm trọ nhỏ, các bệnh nhân dần coi nhau như  người nhà. Bởi đa số những bệnh nhân sống ở đây, thời gian họ gặp người nhà có thể còn không nhiều bằng thời gian họ gặp những bệnh nhân khác.

Những “đóa hoa” kiên cường  - Ảnh 6.

Cuộc sống yên bình đằng sau những cánh cổng sắt đã hoen gỉ của những bệnh nhân chạy thận và người thân của họ trong xóm trọ nghèo. Ảnh: Nguyệt Minh

Không u ám, buồn tẻ như vẻ ngoài cũ kĩ và cái tên “Xóm chạy thận”, nhịp sống trong xóm bình yên đến lạ. Những người cũ giúp người mới đến, người còn khỏe mạnh giúp người đã yếu sức. Cứ như thế, họ đoàn kết, gắn bó và truyền sức mạnh cho nhau từ chính trong bóng tối bệnh tật.

Đi sâu vào trong xóm, chúng tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh (76 tuổi), bà Mạc Thị Vớ (72 tuổi). Ông, bà đã ở xóm chạy thận được 5 năm, cũng ít khi được gặp con cái do các con đều đi làm ăn và lập gia đình ở xa.  

Bà Vớ tâm sự: “Tôi còn may mắn khi có ông ở cùng, nhiều người còn phải thường xuyên ở một mình. Hiểu được hoàn cảnh của nhau, nên tất cả mọi người đều yêu thương nhau như chính người nhà. 

Ở đây, có đôi lúc chúng tôi quên đi nỗi buồn, thay vào đó là sự hạnh phúc và niềm vui khi có một ai đó được ghép thận thành công và trở về nhà. Với một người chạy thận, chẳng có ước mơ nào cao quý hơn ước mơ được ghép thận”.

Những “đóa hoa” kiên cường  - Ảnh 7.

Dù tuổi đã già yếu, lại phải chống chọi lại với căn bệnh suy thận quái ác, nhưng bà Vớ và ông Thanh vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc ở khi ở xóm chạy thận. Ảnh: Nguyệt Minh

Đôi lúc, có thành viên phải đi cấp cứu trong đêm, những người trong cùng dãy trọ lại nháo nhào, mỗi người mỗi việc phụ giúp họ trước khi người nhà của họ kịp lên. Chính vì thế, sợi dây gắn kết của họ lại càng thêm bền chặt. Họ sống dựa vào nhau không chỉ về mặt sức khỏe, mà còn dựa vào nhau cả  mặt tinh thần. 

Có không ít người đã từng buồn chán và không có sức sống khi mắc bệnh suy thận, nhưng nhiều người trong họ đã tìm thấy ánh sáng khi đến với xóm chạy thận. 

Chị Xiêm bày tỏ: “Chính việc được sống cùng mọi người ở đây, đã tạo cho tôi có động lực, và hy vọng sống. Giờ đây, tôi luôn sẵn sàng vượt qua khó khăn, để đón nhận những kỳ tích của cuộc sống. Tôi luôn không ngừng nỗ lực và hy vọng, một ngày nào đó bản thân sẽ được ghép thận, và tôi sẽ lại được sống một cuộc đời bình thường”.

Những “đóa hoa” kiên cường  - Ảnh 8.

Các thành viên trong xóm trọ vẫn thường xuyên giúp đỡ, hỏi thăm . chia sẻ khó khăn với nhau. Họ coi nhau như người trong một gia đình. Ảnh: Nguyệt Minh.

Tuy nhiên, để những bệnh nhân ở đây có cuộc sống đỡ khó khăn hơn, họ vẫn luôn cần sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm trên cả nước. Mỗi một sự góp sức nhỏ, là một nguồn sức mạnh to lớn để những bệnh nhân ở đây có thể chống chọi lại với bệnh tật.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Báo Nông Thôn Ngày Nay, Tòa nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Số tài khoản: 21210000524887 - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV chi nhánh Tây Hồ, Hà Nội.

Chủ tài khoản: Báo Nông Thôn Ngày Nay

Vui lòng ghi rõ: Ủng hộ bệnh nhân xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem