Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) vừa ban hành Nghị quyết thông qua việc vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài sẽ vay vốn từ ngân hàng HSBC với hạn mức tín dụng tối đa 120 triệu USD (khoảng 2.800 tỷ đồng) trong thời hạn hai năm. Ngoài ra, công ty có quyền chọn gia tăng thời hạn vay thêm 364 ngày.
Mục đích vay vốn nhằm bổ sung vốn lưu động, chi phí vốn, thực hiện các mục đích đầu tư kinh doanh chung của công ty, bao gồm bổ sung vốn chủ sở hữu cho CTCP Thế giới Di động và CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh. Khoản vay có thể được Thế giới Di động bảo lãnh tùy theo thỏa thuận giữa các bên.
Theo MWG, lãi suất, phí và các điều khoản cụ thể khác sẽ theo thỏa thuận giữ Thế giới Di động và các bên cho vay tại hợp đồng tín dụng.
Tính đến thời điểm cuối quý III/2020, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài đang vay nợ tài chính ngắn và dài hạn hơn 13.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.150 tỷ đồng từ đầu kỳ. Trong đó, khoản vay từ ngân hàng HSBC khoảng 2.100 tỷ đồng, chiếm 16% tổng nợ vay tài chính của công ty.
Cũng chính vì thế, chi phí lãi vay trong 9 tháng vừa qua của Thế giới Di động đột ngột giảm gần 65% so với cùng kỳ. Bình quân, mỗi ngày Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài chỉ còn gánh hơn 530 triệu đồng chi phí lãi vay. Cùng kỳ năm ngoái, mỗi ngày chi phí lãi vay ngốn tới hơn 1,5 tỷ đồng.
Về hoạt động kinh doanh, công ty cho biết tính đến cuối tháng 9 đã có 962 cửa hàng thuộc chuỗi Thế giới Di động, 1.124 cửa hàng Điện Máy Xanh và 1.623 cửa hàng Bách Hóa Xanh.
Tổng doanh thu tháng 10 của các chuỗi trên đạt khoảng 8.700 tỷ đồng, tăng gần 10% so với mức cùng kỳ năm 2019 và tăng 4% so với tháng 9 nhờ sự đóng góp tích cực của chuỗi Bách Hóa Xanh.
Trong đó, tổng doanh thu của chuỗi Thế giới Di động và Điện máy xanh tháng 10 đạt khoảng 6.700 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ do hai nguyên nhân là sức cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử tiêu dùng còn yếu, chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch Covid-19 và tình hình bão lụt nghiêm trọng gây gián đoạn hoạt động kinh doanh tại miền Trung.
Ngược lại, chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu tháng 10 cao kỷ lục khi vượt mốc 2.000 tỷ đồng, bỏ xa tháng 9 liền trước cũng như cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo phân tích mới đây, nhóm chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán FPT cho rằng, doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng Bách hóa Xanh sẽ còn tăng trưởng thêm 6,1% mỗi năm nhờ xu hướng mua sắm dịch chuyển từ chợ, tiệm tạp hóa sang mô hình chuỗi siêu thị.
Báo cáo thị trường bán lẻ 8 tháng đầu năm của Nielsen cũng chỉ ra rằng, bức tranh tăng trưởng phân cực rõ rệt trong ngành bán lẻ, đặc biệt là trong phân khúc Minimart (siêu thị nhỏ). Theo đó, khi kênh bán lẻ truyền thống suy giảm 3% thì kênh bán lẻ hiện đại lại tăng 15%.
Xét riêng về kênh bán lẻ hiện đại đang phát triển mạnh mẽ tại các vùng ngoài 2 thành phố chính, đặc biệt là nông thôn. Trong đó, chuỗi Bách hóa Xanh ghi nhận sự tăng trưởng tới 138%, tương đương mức tăng trưởng gấp 9 lần.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Bách hóa Xanh nhờ liên tục mở mới đúng địa điểm tiềm năng (chủ yếu ở vùng nông thôn, nơi các kênh bán lẻ hiện đại khác chưa phát triển mạnh), chiếm gần 50% tăng trưởng của chuỗi này trong 12 tháng qua. Cùng việc không ngừng nâng cấp về chất các cửa hàng hiện hữu.
Riêng tại TP.HCM, chuỗi này có mức tăng nổi bật với hơn 35%, gấp 7 lần kênh bán lẻ hiện đại, trong khi đó, kênh truyền thống giảm 7%.
Dù tăng trưởng mạnh và đóng góp tích cực vào doanh thu của MWG, song theo kế hoạch của Thế giới di động, chiến lược mở mới cửa hàng Bách hóa Xanh năm nay sẽ chỉ tiến đến vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ (Đắk Lắk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) với tốc độ mở từ 60- 80 cửa hàng mỗi tháng, và chưa mở rộng ra miền Bắc.
"Bách hóa Xanh chỉ được mở từ Tây Nguyên trở vào, đến khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long. Do đó, năm nay, sẽ không có cửa hàng Bách hóa Xanh nào được mở ở khu vực miền Bắc, nhằm đảm bảo mục tiêu "mở dày chứ không mở rộng" giúp DC (trung tâm phân phối) được khai thác tối đa công suất", ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Thế giới Di động cho hay.
Như vậy, dù chưa "Bắc tiến" Bách hóa Xanh vẫn là một cái tên đáng kể trên thị trường và ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng. Sự thể hiện vượt trội của Bách hóa Xanh đóng góp tích cực cho sự chuyển dịch của ngành bán lẻ nói chung theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.