Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng thêm 1,5 - 2%: Chuyên gia nói gì?

Huyền Anh Thứ ba, ngày 06/12/2022 07:34 AM (GMT+7)
Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đánh giá, động thái nới room từ 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là động thái kịp thời của nhà quản lý tiền tệ. Tuy nhiên, sẽ không tạo ra sự bùng nổ nào đó trên thị trường.
Bình luận 0

Ngày 5/12 Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Như vậy, thay vì định hướng ở mức 14% đề ra hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 16%.

Cơ sở để thực hiện nới room tín dụng, theo Ngân hàng Nhà nước đó là tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt và thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn.

Đáng lưu ý, cùng với việc nới room tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ,… Các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) ngay sau động thái này của Ngân hàng Nhà nước.

Nới room tín dụng 1,5 - 2%: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI).

Nới room tín dụng 1,5 - 2%: Động thái kịp thời của Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng thêm 1,5% - 2%. Ông đánh giá thế nào về động thái này của nhà quản lý tiền tệ?

- Cá nhân tôi đánh giá đó là động thái kịp thời để giải quyết vấn đề đó là vấn đề thanh khoản gồm cả thanh khoản của ngân hàng và thanh khoản của cả nền kinh tế giai đoạn từ nay cho tới cuối năm.

Theo đó, ngân hàng có thêm dư địa để cho vay. Đồng thời, những lo ngại về việc nợ xấu phát sinh ngay trong kỳ báo cáo này được giảm bớt, lãi cũ thu được và lãi mới phát sinh trên sổ sách, từ đó giúp ngân hàng tăng thu nhập trong quý cuối cùng của năm 2022.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đảm bảo được thanh khoản khi tiếp cận được dòng vốn từ phía ngân hàng nhờ room mới.

Tuy nhiên, nới room tín dụng chỉ giúp giải quyết nhu cầu vốn cho lĩnh vực ưu tiên liên quan đến nông nghiệp, thương mại, sản xuất dịch vụ, hàng hóa, không phải hướng tới các lĩnh vực không ưu tiên như chứng khoán, bất động sản.

Đó là tác động trực tiếp. Ngoài ra, cùng với việc nới room tín dụng ra, Ngân hàng Nhà nước cũng được chỉ đạo là đảm bảo thanh khoản trong mọi điều kiện, kể cả kéo dài các khoản tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hơn, thậm chí qua tết âm lịch.

Từ đó, nhà đầu tư trên thị trường sẽ không còn quá lo lắng về vấn đề thanh khoản của hệ thống, của nền kinh tế từ nay tới cuối năm. Hay nói cách khác, động thái của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động gián tiếp lên tâm lý của nhà đầu tư.

Vậy việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có trở thành mối "đe dọa" đối với lạm phát của Việt Nam hay không, thưa ông?

- Hiện, lạm phát của Việt Nam chưa cao, vì vậy vấn đề lạm phát không phải vấn đề quá lớn.

Vì sao lại như vậy?

Đó là vì, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng chính sách tiền tệ rất chặt chẽ mặc dù không tăng nhiều về lãi suất điều hành nhưng cung tiền được quản lý rất chặt.

Các công cụ để kiểm soát cung tiền như: Kiểm soát bằng room tín dụng; kiểm soát bằng bán ngoại tệ bình ổn tỷ giá, đồng nghĩa với việc hút VNĐ khỏi lưu thông; nhiều đợt phát hành tín phiếu.

Một vấn đề khác làm cho cung tiền của Việt Nam rất chặt chẽ, đó là bội chi ngân sách nhưng lại không thể giải ngân đầu tư công.

Thống kê cho thấy bội thu ngân sách 280.000 tỷ, đồng thời, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ để có nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng đều đạt và vượt kế hoạch. Tức là, hút tiền vào rất mạnh nhưng kênh bơm tiền ra gần như "tắc". Đó cũng là lý do khiến cho thanh khoản nền kinh tế và hệ thống ngân hàng trong khoảng 2 tháng nay cực kỳ căng thẳng.

Thời gian tới, có nhiều tín hiệu cho thấy áp lực đối với lãi suất có xu hướng giảm, từ đó giảm áp lực lên lạm phát.

Thứ nhất, tình hình thế giới có chuyển biến tích cực khi lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm.

Hai là, và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới có thể giảm mức độ tăng lãi suất.

Ba là, tỷ giá USD/VND gần đây cũng điều chỉnh giảm.

Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng lần này cũng từ nền tảng tổng hòa của các yếu tố trên. Cho nên, rủi ro lớn nhất của Việt Nam hiện nay không phải lạm phát. Đối với chúng ta lãi suất cao đang là vấn đề rất lớn đối với nền kinh tế.

Ông có thể nói rõ hơn?

- Chúng ta phải thấy nghịch lý, lạm phát của Mỹ lên cao nhất trong 40 năm nay nhưng lãi suất tăng 7 lần mới chỉ lên được 4%. Trong khi đó, Việt Nam lạm phát dưới 4% nhưng lãi suất huy động vượt trên 10%, lãi suất cho vay có thể lên tới 14 – 15%/năm. Mức lãi vay này "đe dọa" đến rất nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Nới room tín dụng 1,5 - 2%: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 3.

Việc nới 1,5%- 2% room tín dụng cuối năm chỉ giải quyết thanh khoản cho một số đối tượng doanh nghiệp nên khó tạo sức bật đáng kể nào trong giai đoạn cuối năm nay.

Kể cả không tăng tín dụng, cuộc đua lãi suất cũng đã rất rõ nét

Theo thống kê của Dân Việt từ báo cáo tài chính quý III/2022 của gần 30 ngân hàng, phần lớn các ngân hàng thương mại đang có tỷ lệ huy động/cho vay ở mức trên dưới 100%, thậm chí có những ngân hàng tỷ lệ này vượt trên 100%. Đang có lo ngại rằng, nới room tín dụng sẽ giống như mồi lửa làm bùng lên cuộc đua tăng lãi suất huy động, từ đó làm tăng lãi suất cho vay. Hay nói cách khác, nới room tín dụng có thể làm "trầm trọng hơn" rủi ro mà ông vừa đề cập?

- Như tôi đã nói, câu chuyện nới room chỉ để xử lý vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn. Ví dụ như khách hàng hiện tại nằm trong mục tiêu cấp tín dụng của ngân hàng nhưng vì hạn chế về room nên thời gian qua ngân hàng không thực hiện cho vay được.

Việc nới 1,5%- 2% room tín dụng cuối năm này chỉ giải quyết thanh khoản cho một số đối tượng doanh nghiệp nên khó tạo sức bật đáng kể nào trong giai đoạn cuối năm nay.

Đối với việc các ngân hàng đua lãi suất, theo quan sát của tôi thời gian qua cuộc đua lãi suất đã diễn ra rất rõ nét. Cuộc đua này đã diễn ra từ trước, không phải đến bây giờ mới các ngân hàng mới đua lãi suất. Kể cả không tăng trưởng tín dụng, hầu hết các ngân hàng vẫn đẩy lãi suất lên cao để hút tiền vào, đảm bảo thanh khoản cuối năm khi nhu cầu rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp tăng lên.

Ông có nhắc đến tác động đối với tâm lý nhà đầu tư, vậy điều này có hỗ trợ cho thị trường chứng khoán như thế nào, thưa ông?

- Có thể mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường chứng khoán. Biểu hiện, hiện tại thanh khoản trên thị trường chứng khoán đã tăng khá mạnh, trở lại mức 17.000 – 20.000 tỷ một phiên – đó là mức khá cao so với bình quân trong quý III/2022.

Thực tế, thông tin nới room đã được phản ánh vào giá, bởi kỳ vọng về nới room đã xuất hiện trong tháng 11. Kết quả, thị trường chứng khoán đã hồi phục kể từ cuối tháng 11 cho tới nay và nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là một trong những nhóm cổ phiếu tăng khá mạnh, giúp cho VN-Index hồi phục lên mức như hiện nay (tăng gần 200 điểm so với đáy).

Tuy nhiên, mức độ nới từ 1,5% - 2% không phải mức lớn để có thể bơm ra nền kinh tế một lượng vốn dồi dào, do đó việc tạo ra sự bùng nổ nào đó trên thị trường là không có.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem