Nông dân được dạy nghề theo... đơn đặt hàng

Thu Hà Thứ sáu, ngày 10/07/2020 05:00 AM (GMT+7)
Khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân gắn với nhu cầu về chất lượng lao động thực tế của địa phương và đào tạo nghề theo “đơn đặt hàng” của các doanh nghiệp là phương pháp dạy nghề mà Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã và đang áp dụng rất thành công và hiệu quả.
Bình luận 0

Nông dân phấn khởi

Là một trong những học viên tham gia lớp dạy nghề nấu ăn do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội ND tỉnh Bắc Ninh tổ chức, anh Nguyễn Văn Cử (khu Viêm Xá, phường Hòa Long, TP.Bắc Ninh) tâm sự: "Tôi từng có nhiều năm đi làm thuê rồi làm công nhân tại khu công nghiệp, tuy nhiên công việc vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Cơ hội đến khi Hội ND tỉnh và Hội ND địa phương tổ chức tuyển sinh lớp đào tạo nghề nấu ăn tại khu Viêm Xá, tôi đăng ký tham gia".

Nông dân được dạy nghề theo... đơn đặt hàng - Ảnh 1.

Nhờ đào tạo nghề theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp, nên sau học nghề nông dân thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ có thu nhập ổn định. Ảnh: Thu Hà

6 tháng đầu năm 2020, Hội ND tỉnh Bắc Ninh:

Tổ chức khai giảng 8 lớp dạy nghề cho 280 hội viên nông dân

Tổ chức 20 lớp tập huấn KHKT cho hơn 1.400 nông dân

Sau 3 tháng học nghề, anh Cử được cấp chứng chỉ loại giỏi. Anh quyết định nghỉ việc công ty, ở nhà mở cửa hàng bán cháo dinh dưỡng cho trẻ em. Đến nay, cửa hàng của gia đình có một lượng khách quen đáng kể, Bình quân mỗi ngày, anh Cử được khoảng 200 cốc cháo. Trừ chi phí, mỗi tháng, anh Cử thu về hơn 10 triệu đồng.

"So với đi làm công nhân, hướng đi này giúp gia đình có nguồn thu ổn định lại không phải ca kíp giờ giấc mà có thêm thời gian chăm lo, đưa đón con cái đi học" - anh Cử phấn khởi nói.

Cũng được học nghề ở Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của Hội ND tỉnh, chị Nguyễn Thị Hằng (ở thôn Xuân Hội, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du) lại thành công với nghề mây tre đan.

Vừa kiểm tra lại sản phẩm chuẩn bị bàn giao cho thương lái, chị Hằng vừa tâm sự: "Gia đình tôi vốn làm nông nghiệp, song thu nhập có được chẳng là bao. Sau khi tham gia lớp dạy nghề mây tre đan, tôi đã tranh thủ thời gian để làm thêm. Học nghề này không khó mà lại có thể làm được quanh năm. Tôi chỉ mất 2,5 tháng là có thể làm được sản phẩm để bán".

Hiện nay, ở thôn Xuân Hội không chỉ có gia đình chị Hằng mà còn có trên 700 lao động khác cũng tham gia sản xuất mây tre đan trong các hợp tác xã, công ty, tổ hợp sản xuất…

Ông Đặng Ngọc Giáp - Phó Chủ tịch Hội ND xã Lạc Vệ cho biết: Các lớp học nghề do Hội ND xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân theo nhu cầu thực tế của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Do đó, sau lớp học nghề mây tre đan, hầu hết sản phẩm của người dân trong xã Lạc Vệ làm ra đều được Công ty TNHH Ngọc Quyết và Hợp tác xã Mạnh Cường thu mua với giá cả ổn định để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, tuy là nghề phụ song thu nhập của người sản xuất có thể được 150.000 - 170.000 đồng/ngày.

"Hiện có tới 80% hộ dân trong thôn Xuân Hội tham gia làm nghề mây tre đan. Tổng giá trị sản xuất đạt 30 - 40 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 30% GDP toàn xã. Nhiều người gọi vui Xuân Hội là làng "không ai thất nghiệp" cũng vì lẽ đó" - ông Giáp tự hào.

Hơn 2.500 nông dân được học nghề

Bắc Ninh đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa diễn ra mạnh mẽ. Do đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đòi hỏi những yêu cầu riêng dựa trên nhu cầu học nghề của nông dân gắn với nhu cầu về chất lượng lao động thực tế của địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND các cấp tiến hành điều tra, khảo sát sơ bộ tình hình lao động nông thôn trên cơ sở có định hướng những ngành nghề phù hợp với từng đơn vị.

Với vai trò đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân xây dựng 9 bộ chương trình, khung chương trình theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tốt các lớp đào tạo nghề, liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đào tạo theo "đơn đặt hàng", giúp người lao động có việc làm sau khi hoàn thành khóa học".

Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức được 81 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, cấp chứng chỉ cho 2.507 học viên là hội viên, nông dân. Các ngành nghề chủ yếu như: Kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, bước đầu trung tâm cũng tổ chức liên kết đào tạo một số nghề mới như: Cơ khí, lắp ráp, đóng gói sản phẩm, đào tạo kỹ năng làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài. Sau đào tạo, tỷ lệ học viên được giới thiệu việc làm và có việc làm đạt hơn 75%.

Ông Đào Trọng Đại -Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh chia sẻ: "Nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, một số mô hình đào tạo được áp dụng như: Mô hình dạy nghề lưu động tại khu dân cư, mô hình dạy nghề tại các làng nghề, tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp. Trong quá trình đào tạo, các chương trình và thời gian dạy nghề được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu người học và kỹ thuật, công nghệ sản xuất, chú trọng tới rèn luyện kỹ năng nghề cho học viên bảo đảm hiệu quả ứng dụng nghề nghiệp sau đào tạo".

Trong chương trình khóa học, các lớp dạy nghề đều tổ chức cho học viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong và ngoài tỉnh. Qua đó tạo điều kiện để học viên được tiếp cận thực tế những cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao; tạo cơ hội giao lưu, liên kết, mở rộng thị trường cung cấp và tiêu thụ nông sản. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem