Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hiện nay, nhiều người dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang sống trong lo lắng khi nhiều diện tích lúa hè thu chết bất thường, nhất là khu vực nằm cặp công trình đường cao tốc Bắc - Nam.
Theo người dân, đây là nơi sản xuất lúa quanh năm, cho năng suất cao. Khi làm đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn ấp 9, xã Vị Thắng, cụ thể là khi công trình được bơm cát, nhiều diện tích lúa chết bất thường.
Phóng viên Dân Việt tìm hiểu thì được biết, cách nay từ 3-5 tháng, khi công trình cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Vị Thắng bơm cát, lúa đông xuân 2023-2024 của người dân ấp 9 khi đang trổ lại bị vàng lá và chết rụi.
Lúc này có tổng cộng 5ha lúa đông xuân của 10 hộ dân bị thiệt hại, trong đó có 4ha của 7 hộ dân bị thiệt hại 30%, còn lại 1ha của 3 hộ dân bị thiệt hại 90%.
Đến vụ hè thu 2024 này, có 9/10 hộ dân nói trên có lúa trồng cặp công trình đường cao tốc Bắc - Nam bị thiệt hại, với tổng diện tích 1,7ha. Trong đó, hộ có diện tích thiệt hại ít nhất khoảng 200m2, hộ có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất là 2.500m2.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Lĩnh ở ấp 9, xã Vị Thắng cho biết, ông có tổng cộng 13.000m2 đất lúa, riêng vụ hè thu bị thiệt hại khoảng 2.000 m2.
"Sau khi sạ hơn 10 ngày, cây lúa bắt đầu chết dần. Nhờ ngành nông nghiệp xuống đo thì phát hiện độ mặn đến 6,6‰. Đây là vùng an toàn, không bao giờ có nước mặn, chỉ có thể giải thích là do cát công trình nhiễm mặn, sau đó tràn qua ruộng của dân thôi".
Ông Nguyễn Trường Sơn cũng ở ấp 9 cho hay, gia đình ông có 2.800m2 diện tích lúa. Vụ đông xuân vừa qua, khi lúa bất ngờ bị vàng lá, ông tưởng bị xì phèn từ công trình nên mua phân lân về bón. Tuy nhiên, càng bón, cây lúa càng lụn đi, thiệt hại nặng khoảng 70%.
"Sau khi nhờ ngành nông nghiệp địa phương đến kiểm tra thì phát hiện nước trong ruộng có độ mặn từ 2,1‰ - 2,8‰ tùy vị trí. Đến vụ hè thu này, sau khi sạ, cây lúa tiếp tục chết, thiệt hại khoảng 1.250m2. Nguyên nhân là độ mặn còn tồn động từ vụ trước đó" - ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, các đơn vị có liên quan đến công trình cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn xã Vị Thắng phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân liên quan đến thiệt hại ở trên. Riêng ngành chức năng địa phương cần làm một con mương nhỏ để thoát nước mặn ở khu vực bị ảnh hưởng, nếu không lúa của người dân tiếp tục thiệt hại.
Cũng như 2 hộ dân trên, ông Nguyễn Văn Đẹt ở ấp 10 cho biết, tổng diện tích lúa của ông là 2.600m2, vụ đông xuân vừa qua bị thiệt hại 1.300m2, còn vụ hè thu thiệt hại khoảng 600m2.
Riêng phần lúa non chết cây của vụ hè thu, ông Đẹt cố gắng kiếm mạ dặm lại, đồng thời xịt thuốc dưỡng và nhờ nước mưa tuần qua nên lúa dần xanh trở lại.
Ông Đẹt mong muốn ngành chức năng hỗ trợ một cách thỏa đáng, để ông có vốn bù lỗ do thiệt hại thời gian qua.
Do lúa bị thiệt hại nặng qua 2 vụ, người dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đã gửi đơn xin bồi thường thiệt hại đến ngành chức năng địa phương.
UBND xã Vị Thắng sau đó đã đề nghị UBND huyện Vị Thủy mời các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra thực tế diện tích lúa bị ảnh hưởng. Tham gia cùng đoàn có đại diện của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), đại diện Công ty Trường Sơn (đơn vị thi công).
Kết quả kiểm tra từ Chi cục thủy lợi cùng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho thấy, diện tích lúa của các hộ dân bị thiệt hại là do nhiễm mặn. Đại diện đơn vị thi công và chủ đầu tư cũng thống nhất kết quả lúa bị ảnh hưởng do nồng độ mặn cao, nhưng đều khẳng định cát đắp nền lấy từ nguồn cát sông được cấp phép, không phải là cát biển. Do vậy, không có chuyện nồng độ mặn tràn qua ruộng làm ảnh hưởng đến lúa của nông dân.
Trong khi đó, UBND xã Vị Thắng thì cho biết, địa phương nằm trong khu vực an toàn, từ trước đến nay không bị nhiễm mặn tự nhiên, kể cả các con sông lớn quanh địa bàn xã cũng không có mặn. Riêng khu vực sản xuất lúa của 9 hộ dân nói trên từ trước đến nay, trồng lúa đều đạt năng suất khá cao.
Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang vẫn chưa có kết luận chính thức về nguồn gây nhiễm mặn làm lúa chết và các hộ dân bị ảnh hưởng vẫn mòn mỏi chờ hỗ trợ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.