Nông dân nuôi tôm ở Bà Rịa-Vũng Tàu đang lo lắng về một hiện tượng thời tiết này

Chủ nhật, ngày 02/06/2024 05:48 AM (GMT+7)
Còn khoảng 10-15 ngày nữa là đến vụ thu hoạch, nhưng các trang trại, HTX nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lo lắng, đang thời điểm giao mùa, từ nắng nóng gay gắt chuyển sang mưa khiến cho tôm dễ phát sinh dịch bệnh, chậm lớn.
Bình luận 0

Còn khoảng 10-15 ngày nữa là đến vụ thu hoạch, nhưng các trang trại, HTX nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lo lắng, đang thời điểm giao mùa, từ nắng nóng gay gắt chuyển sang mưa khiến cho tôm dễ phát sinh dịch bệnh, chậm lớn.

Tôm chậm lớn, giá bán thấp

Ông Phan Đức Đạt (ở xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay, thời tiết năm nay khắc nghiệt, nắng nóng nhất từ trước đến nay. 

Từ nắng nóng trong một thời gian dài chuyển sang mưa dễ làm tôm bị sốc nhiệt, dẫn đến chết hoặc phát sinh dịch bệnh, chậm lớn. Từ đó ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, kích cỡ tôm.

Ông Đạt có 9 ao nuôi tôm và vừa thu hoạch xuất bán 1 ao, với giá tôm 145 ngàn đồng/kg, loại 30 con/kg, giảm 40 ngàn đồng/kg so với dịp Tết. 8 ao còn lại khoảng 10 ngày nữa mới thu hoạch. “Lẽ ra tôi đã xuất bán hết nhưng tôm không đạt kích cỡ mong muốn, lợi nhuận thấp nên phải để thêm 7-10 ngày nữa”, ông Đạt nói.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, khoảng 10-15 ngày nữa HTX mới thu hoạch tôm. 

Tuy nhiên do nắng nóng, tháng cuối vụ chuyển mưa khiến tôm chậm lớn. Ông Chuyên ước lượng, đến thời điểm xuất bán, tôm chỉ có thể đạt kích cỡ 40 con/kg, trong khi bình thường là 30 con/kg.

Tôm kích cỡ nhỏ, giá bán sẽ thấp hơn khoảng 20 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, do thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi dễ phát sinh dịch bệnh, HTX buộc phải thả tôm với mật độ nuôi thưa hơn, từ đó dẫn đến năng suất giảm.

Với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng (RAS), thông thường khi thời tiết thuận lợi, HTX thả tôm nuôi với mật độ 300-350 con/m2. 

Nhưng ở vụ nuôi trái vụ hiện tại, HTX chỉ có thể thả với mật độ 200 con/m2 để kiểm soát dịch bệnh. Năng suất thu hoạch vụ tôm này chỉ bằng phân nửa vụ thường.

Nông dân nuôi tôm ở Bà Rịa-Vũng Tàu đang lo lắng về một hiện tượng thời tiết này- Ảnh 2.

Ao nuôi tôm HTX Chợ Bến (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) với hệ thống nhà màng phủ kín nhằm giảm độ nóng cũng như lượng mưa, giúp tôm không bị sốc nhiệt độ khi chuyển mùa.

Năng suất giảm, chi phí nuôi tăng cao do phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giá bán lại giảm, khiến người nuôi tôm trong vụ mùa đầu năm nay thiệt đơn thiệt kép. 

“Bình thường giá thành nuôi tôm chỉ khoảng 100 ngàn đồng/kg thì vụ nuôi hiện tại tăng lên đến 130 ngàn đồng/kg. Với giá bán hiện nay, người nuôi tôm đã không còn lời, nếu 10 ngày tới thu hoạch giá vẫn tiếp tục giảm sẽ cầm chắc bị lỗ”, ông Chuyên lo âu.

Theo Sở NN-PTNT, tổng sản lượng tôm nuôi 5 tháng đầu năm đạt 3.432 tấn, tương đương cùng kỳ, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm gần 80%. 

Hàng tháng, Sở NN-PTNT đều thu mẫu nước quan trắc và cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cho bà con nông dân đối với các chỉ tiêu nằm ngoài giới hạn cho phép, cũng như hướng dẫn các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, định hướng nuôi trồng thủy sản.

“Chạy nước rút” chăm tôm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm thời tiết tiếp tục diễn biến theo hướng cực đoan, nắng nóng, áp thấp nhiệt đới, mưa, bão xảy ra không theo quy luật. 

Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, nắng nóng gay gắt và xuất hiện những trận mưa vừa đến mưa to, làm cho các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột, tạo điều kiện phát sinh dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản nuôi.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên thả nuôi tôm ở mật độ thưa, cải tạo ao nuôi, chủ động các biện pháp phòng và trị bệnh cho tôm nuôi như sử dụng vi sinh định kỳ 10-15 ngày/lần, hạn chế thay nước. Khi trời chuyển mưa thì bón vôi theo bờ ao, kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Để cải thiện lợi nhuận trong giai đoạn cuối trước khi thu hoạch, các hộ nuôi, trang trại, HTX đang “chạy nước rút” chăm sóc tôm, tăng cường sức khỏe cho tôm.

Ông Bùi Thế Vương, quản lý HTX Chợ Bến (xã An Ngãi, huyện Long Điền) chia sẻ, con tôm rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ. Nắng nóng thời gian dài rồi gặp mưa, tôm dễ bị bệnh đường ruột, bệnh gan tụy cấp, đốm trắng, chậm lớn… 

HTX tăng cường vitamin C, men tiêu hóa đường ruột, vi sinh, khoáng chất vào thức ăn để phòng ngừa dịch bệnh và tăng sức đề kháng cho tôm.

“Trong nước mưa có axit làm tăng độ pH nguồn nước ao nuôi. HTX tăng cường bón vôi để ổn định độ pH và diệt vi khuẩn có trong nước mưa. 

Bên cạnh đó, các ao nuôi của HTX đều có màng che, ngăn bớt phần lớn lượng nước mưa xuống ao cũng như nhiệt độ khi nắng nóng gay gắt, tránh cho tôm bị sốc nhiệt do thời tiết thay đổi đột ngột”, ông Vương cho hay.

Với các biện pháp “tiếp sức” cho tôm, ông Vương hy vọng, trong 15 ngày tới khi thu hoạch tôm đạt kích cỡ 30 con/kg, năng suất 4kg/m2.

Ngọc Minh (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem