Nông dân Thái Bình rủ nhau làm nông nghiệp hữu cơ, khỏe người, thu nhập khá

Thứ sáu, ngày 30/06/2023 15:39 PM (GMT+7)
Hiện nay, các hợp tác xã và doanh nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh Thái Bình chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và đã có những bước phát triển vượt bậc, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bình luận 0

Ông Trần Quốc Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình cho biết: Trong quá trình triển khai, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao của các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở. Đặc biệt là công tác quy vùng sản xuất giúp chủ mô hình yên tâm đầu tư sản xuất. 

Hiện nay, việc giảm sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã làm giảm tình trạng ô nhiễm tới môi trường đất, nước, không khí, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. Việc sản xuất theo quy mô lớn, áp dụng các phương thức sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ góp phần tiến tới xây dựng thương hiệu cho nông sản Thái Bình, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.

Nông dân Thái Bình rủ nhau làm nông nghiệp hữu cơ, khỏe người, thu nhập khá - Ảnh 1.

Hệ thống nhà màng trồng rau theo hướng hữu cơ tại thôn An Lộc, xã Trung An (Vũ Thư, Thái Bình).

Năm 2017, anh Nguyễn Công Tới, thôn Vô Hối Đông, xã Thụy Thanh (Thái Thụy) mạnh dạn tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất lúa. Vì canh tác theo phương thức truyền thống nên dù có sản lượng cao nhưng giá thành thấp, ít thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Đến năm 2020, nhờ sự tư vấn và hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, anh Tới đã tham gia dự án cấy lúa theo hướng hữu cơ. 

Anh chia sẻ: Hiện tại tôi đã quy hoạch được vùng trồng lúa theo hướng hữu cơ rộng 11ha. Trong quá trình sản xuất, các chuyên gia luôn kiểm soát chặt chẽ về chất lượng đất, nước nhằm giảm tồn dư hóa học trong đất. Gia đình tôi chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ để thay thế thuốc bảo vệ thực vật. Đây là năm thứ ba tôi cấy lúa theo hướng hữu cơ, bước đầu đạt được hiệu quả. Bên cạnh việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao, được đông đảo người dân tin tưởng đặt mua từ sớm.

Đến thăm HTX Nông nghiệp xanh Trung An (Vũ Thư), chúng tôi được ông Trịnh Văn Điều, Giám đốc HTX giới thiệu về triển vọng của các mô hình sau 9 tháng triển khai hoạt động. Ông Điều cho biết: Hiện tại HTX đã quy hoạch được 50ha sản xuất, trong đó có 40ha trồng rau màu, 10ha trồng lúa theo hướng hữu cơ. Chúng tôi đã đầu tư lắp đặt 6 nhà màng theo tiêu chuẩn Israel, tổng diện tích 1.500m2 với kinh phí đầu tư trên 400 triệu đồng. 

Nhờ đó, HTX đã triển khai sản xuất được 7 loại rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng cánh đồng rau an toàn gắn với du lịch.

Bà Ngô Thị Vui, thôn An Lộc, xã Trung An hiện là thành viên HTX Nông nghiệp xanh Trung An. Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của việc sản xuất rau theo hướng hữu cơ nên bà rất tích cực cùng các thành viên tuyên truyền, vận động người dân tham gia ứng dụng phương thức canh tác này. 

“Thời gian qua, tôi cùng nhiều thành viên đã chuyển sang sản xuất rau theo hướng hữu cơ. Nhờ đó môi trường đã được cải thiện, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, sức khỏe của chúng tôi cũng được bảo đảm” - bà Vui chia sẻ.

Nông dân Thái Bình rủ nhau làm nông nghiệp hữu cơ, khỏe người, thu nhập khá - Ảnh 2.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy, Thái Bình).

Trong quá trình sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng, trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng. Với những vùng thâm canh trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng, chống sâu bệnh.

“Mỗi vụ chúng tôi phải đầu tư khoảng 1,5 triệu đồng/sào nhưng sản lượng lại thấp hơn nhiều so với phương thức canh tác truyền thống. Trước đây năng suất luôn đạt 1,8 - 2 tạ/sào, vụ thu hoạch vừa qua chỉ đạt 1,4 - 1,5 tạ/sào. Ngoài ra, phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm hơn so với nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ. Trong nhiều trường hợp sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt. Cùng với đó, do chưa đủ tiêu chuẩn để công nhận là lúa hữu cơ, giá thành sản phẩm vẫn chỉ tính theo giá thị trường như lúa truyền thống nên khả năng thu lợi không cao. Điều này khiến chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn trong phát triển mô hình” - anh Nguyễn Công Tới chia sẻ.

Thực tế hiện nay phần lớn các hộ nông dân Thái Bình vẫn sản xuất với quy mô hộ gia đình, nhỏ, manh mún nên việc quy vùng sản xuất theo hướng hữu cơ không hề dễ dàng. Nhận thức của nông dân về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế khiến việc tổ chức sản xuất để đáp ứng quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ là một thách thức lớn. 

Hiện nay, xã Trung An (Vũ Thư) chỉ có 50% số hộ tham gia sản xuất rau theo hướng hữu cơ, hầu hết người dân vẫn đang tập trung sản xuất theo phương pháp canh tác cũ.

Ông Vũ Văn Thuần, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Trung An cho biết: Nhiều hộ dân chưa đủ điều kiện để tham gia sản xuất rau theo hướng hữu cơ do khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng như hệ thống thủy lợi nội đồng, hệ thống điện lưới chưa thuận tiện để lắp đặt hệ thống tưới, tiêu; giá phân bón sạch, phân bón hữu cơ, kinh phí lắp đặt hệ thống nhà màng cao; quá trình cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, OCOP còn nhiều khó khăn. Vì vậy không có đủ sản phẩm đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho khách hàng, hệ thống siêu thị lớn. 

Bên cạnh đó, người dân chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm sản xuất rau theo hướng hữu cơ nên việc triển khai sản xuất cũng là thách thức không nhỏ. Do vậy chưa hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ, chưa khuyến khích nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, người nông dân quan tâm, dần trở thành xu thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững hiện nay. Thời gian tới, hy vọng cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan sẽ có những định hướng cùng cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp  tiếp cận kiến thức và mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, mang lại hiệu quả cao.


Nguyễn Triệu (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem