Kỹ sư điện bỏ đất Bình Dương về quê Phú Yên nuôi lươn đẻ theo kiểu lạ mắt, ngày càng nhiều người đến xem

Phạm Minh Nhật (TTKN tỉnh Phú Yên) Thứ năm, ngày 28/04/2022 06:01 AM (GMT+7)
Trước khi bỏ về quê thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hoà, (tỉnh Phú Yên) nuôi lươn sinh sản, anh Nguyễn Việt Tuyến tốt nghiệp đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, anh làm việc kỹ thuật điện, lập gia đình và có cuộc sống ổn định hơn 15 năm tại tỉnh Bình Dương
Bình luận 0
Tuy cuộc sống và công việc kỹ thuật điện trong Bình Dương không đến nổi khó khăn, điều trong đầu anh lúc nào cũng canh cánh là nỗi lo về cha mẹ già ở quê không ai chăm sóc.
Cứ mỗi năm hết Tết, thấy cảnh ông bà bịn rịn chia tay con cháu vào Bình Dương sống là anh càng thương bố mẹ già hơn. 

Anh nghĩ “đàng nào mình cũng phải về quê để chăm sóc bố mẹ vậy sao mình không về sớm, lúc còn trẻ để có cơ hội khởi nghiệp lại chứ nếu không, đợi thời gian nữa, lớn tuổi sẽ hết cơ hội”. 

Thế là vào giữa năm 2019, sau khi bàn bạc và trao đổi, thống nhất với vợ con, anh quyết định đưa cả gia đình về quê Phú Yên sinh sống, lập nghiệp để có điều kiện gần gũi, chăm sóc bố mẹ.

Kỹ sư điện bỏ đất Bình Dương về quê Phú Yên nuôi lươn đẻ theo kiểu lạ mắt, ngày càng nhiều người đến xem - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Việt Tuyến với cơ sở nuôi lươn sinh sản đang xây dựng tại quê hương thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên.

Trở về quê đúng lúc bố anh đang định đầu tư mở rộng trại nuôi lươn của gia đình sau khi học tập mô hình nuôi lươn thương phẩm trong bể do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên giới thiệu, anh liền bắt tay vào giúp đỡ bố mẹ. 

Sau một thời gian tiếp cận với nghề nuôi lươn, anh nhận thấy cách nuôi lươn của gia đình mình có điểm chưa hợp lý, vì thế hiệu quả chưa được như ý. Đầu tiên chưa biết cách khai thác, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi lươn thông qua mạng internet.

Tiếp đến là con lươn giống trên địa bàn tỉnh Phú Yên do chưa sản xuất được giống nên còn phụ thuộc vào thương lái, giá rất cao so với tự sản xuất giống, không chủ động được giống nên không chủ động được thời vụ nuôi…

Anh Tuyến liền đầu tư nghiên cứu nghề nuôi lươn thông qua việc tham gia các hội nuôi lươn trên mạng xã hội để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời trực tiếp đến học tập các cơ sở sản xuất lươn giống và tham khảo tư vấn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông tại địa phương.

Tích lũy được nhiều kiến thức, đầu năm 2020 anh quyết định “khởi nghiệp lại”, kiếm thu nhập phục vụ cuộc sống tại quê nhà bằng nghề nuôi lươn. 

Trước hết anh đầu tư kinh phí 50.000.000 đồng xây dựng bể lọc nước để nuôi lươn. Anh Tuyến cho biết: “Nước bơm trực tiếp từ giếng lên nếu nuôi lươn trực tiếp sẽ gây hại cho lươn do nhiệt độ từ nước giếng khoan và môi trường chênh lệch nhau. Ngoài ra sử dụng bể lọc để bay hơi các khí độc hại, lắng đọng các kim loại nặng rồi mới dùng để nuôi lươn thì sẽ tốt hơn”

Tiếp đến anh đầu tư 150.000.000 đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lươn theo hướng sinh sản để sản xuất lươn giống. 

 

Kỹ sư điện bỏ đất Bình Dương về quê Phú Yên nuôi lươn đẻ theo kiểu lạ mắt, ngày càng nhiều người đến xem - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Việt Tuyến đang vệ sinh tổ đẻ của lươn mẹ sau vụ nuôi

Theo anh Tuyến, nghề nuôi lươn muốn thành công phải tính đến việc sản xuất được lươn giống. Lươn giống khi mua từ các tỉnh khác do bị thay đổi về môi trường sống, thời tiết, nguồn nước…nên thường bị hao hụt rất lớn, giá lươn giống sản xuất trong tỉnh rẻ hơn rất nhiều so với đi mua ngoài tỉnh Phú Yên.

Mặt khác sản xuất lươn giống nếu đạt sẽ cho lợi nhuận cao gấp đôi so với nuôi lươn thịt. Khi đi học hỏi kỹ thuật nuôi lươn sinh sản tại các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, anh Tuyến cứ luôn trăn trở  tại sao người ta làm được mà mình không nghiên cứu để làm được và quyết tâm phải làm cho được.

Qua hơn 1 năm trời mày mò tự nghiên cứu xây dựng chuồng trại, kỹ thuật nuôi lươn sinh sản, rồi qua không biết bao nhiêu lần trầy trật, thay đổi kiểu này kiểu nọ liên tục, không đạt hiệu quả…đến đầu năm 2021 cố gắng của anh mới đạt được kết quả.

Anh đã cho lươn mẹ sinh sản thành công, đến hiện nay lươn giống đã đạt size bán ra thị trường (250-300 con/kg) và tỷ lệ sống trên 80%. 

Anh Tuyến tâm sự: “Lúc đầu ban đầu mình bỏ vốn đầu tư xây dựng chuồng trại với kinh nghiệm từ con số 0, mình cũng chưa nghĩ đạt kết quả hay không, cứ thế mà làm thôi. Cứ suy nghĩ nếu không cho lươn sinh sản thành công thì chuyển sang phương án nuôi lươn thịt, vừa làm vừa điều chỉnh nhiều lần, cuối cùng cũng đạt kết quả nên mình mở rộng sản xuất thêm”.

Qua thời gian nghiên cứu kỹ thuật nuôi lươn sinh sản anh Tuyết đúc kết ra được kinh nghiệm rằng nuôi lươn sinh sản không quá khó, quan trọng nhất là cách mình chăm sóc, đánh giá con lươn và thiết kế chuồng nuôi sao cho càng giống môi trường tự nhiên thì lươn càng dễ đẻ.

Sau khi làm chủ kỹ thuật nuôi lươn sinh sản, anh Tuyến tiếp tục đầu tư vốn để xây dựng khu vực sản xuất lươn giống để cung cấp ra thị trường. 

Hiện cơ sở sản xuất lươn giống của gia đình anh có 3 khu vực, khu sản xuất lươn thịt với 200m2, khu nuôi lươn sinh sản đã thành công với 150m2, anh đang đầu tư thêm 200 triệu để đầu tư cơ sở mới với diện tích 200m2 để nuôi lươn sinh sản. 

Anh dự định trong thời gian tới khi lượng con giống đủ để cung cấp ra thị trường sẽ đẩy mạnh việc công tác marketting, giới thiệu lươn giống của cơ sở anh ra thị trường qua các kênh facebook, trang web, bán online…

Là một người trẻ, dám từ bỏ môi trường đô thị thành phố, có thu nhập ổn định để trở về miền quê “khởi nghiệp lại”, bước đầu thành công, anh Tuyến chia sẻ: “Thế hệ trẻ, nếu ai cũng muốn học hành, làm những công việc phù hợp, môi trường thuận lợi ở các đô thị, thì đối với công việc nông nghiệp ở vùng quê thì ai làm? 

Thật ra ở vùng quê vẫn có những người trẻ, biết cách làm vẫn có thu nhập và phát triển. Ở quê nhà vẫn có những cơ hội khởi nghiệp từ nông nghiệp thử sức những người trẻ với mong muốn cho thu nhập cao”.

Trước thực tế hiện nay tại vùng nông thôn các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên, tình trạng thiếu lao động trẻ trong sản xuất nông nghiệp đang được đặt ra, việc những người trẻ quay về sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất quê mình như anh Nguyễn Việt Tuyến là điển hình rất đáng học tập.

Mọi người nếu có nhu cầu học tập, tham quan mô hình nuôi lươn và mua lươn giống có thể liên hệ với Anh Nguyễn Việt Tuyến, địa chỉ: Thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hoà, điện thoại: 0934885115 (zalo).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem