Bà P.T.T.N (ngụ tại quận Bình Thạnh) kể lại, 2 ngày trước khi nhập viện, bà ăn cá bạc má nấu canh ngót, ăn xong thấy đau bụng nhiều. Lúc đầu bà nghi đau do mổ lấy sỏi thận 3 năm trước nhưng sau đó, cơn đau nhiều hơn, không đứng lên được bà mới vào bệnh viện, bác sĩ khám và yêu cầu nhập viện ngay. Lúc đó bà không biết mình bị hóc xương.
Bác sĩ Lê Nguyên Khoa, khoa Nội soi Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cho biết, qua thăm khám, chụp CT phát hiện có dị vật cắm trong đại tràng của người bệnh. Bệnh viện quyết định cố gắng phẫu thuật nội soi và lấy ra được một chiếc xương cá dài 3cm.
"Rất may mắn là xương khá lớn và cắm chưa quá sâu nên nội soi lấy ra được. Có những trường hợp xương nhỏ hơn, cắm sâu vào ruột hoặc lẫn vào các nếp gấp của ruột không thể nội soi, chúng tôi sẽ phải mổ mở để tìm xương. Với các trường hợp dị vật trôi xuống ruột, đại tràng, nếu không lấy ra kịp thời, dị vật làm thủng ruột sẽ gây nhiễm trùng ổ bụng.
Trường hợp của bệnh nhân N, xương cá đã đâm thủng đại tràng, vết thủng tuy nhỏ nhưng nếu để lâu thêm vài ngày, dịch tiêu hoá của đại tràng thấm vào ổ bụng sẽ gây nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể sốc nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Khoa nói.
Các bác sĩ cho biết, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều ca hóc dị vật như xương cá, xương gà, viên thuốc còn nguyên vỏ… nhưng những trường hợp dị vật trôi xuống đại tràng thì khá hiếm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.