Ông Lê Văn Cuông: "Thành công của chống tham nhũng là do chọn đúng người đứng đầu"

Thành An Thứ hai, ngày 25/01/2021 06:30 AM (GMT+7)
"Thành công trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta trong thời gian qua là do tổ chức đúng, đặc biệt là chọn được người đứng đầu rất đúng", ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa XI, XII khẳng định.
Bình luận 0

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, "công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế", được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Ông Lê Văn Cuông: "Thành công của chống tham nhũng là do chọn đúng người đứng đầu" - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: Thành An)

Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: "Vấn đề phòng, chống tham nhũng luôn được nhân dân quan tâm. Những thành quả đạt được trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước thời gian qua có thể nói "chưa từng có". Người dân mong muốn cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ được đẩy mạnh trong những năm tới, không thể có sự dừng lại, nhụt chí hay thỏa mãn mà sẽ được tiếp tục thực hiện với cường độ mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Phòng chống tham nhũng là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thưa ông, thời gian vừa qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có những dấu ấn rất nổi bật trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông có đánh giá như thế nào về việc này?

Trước đây cũng có nhiều ý kiến băn khoăn nếu mình chống tham nhũng mạnh quá sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, làm cho cán bộ chùn tay, không dám làm việc.

Thực tế ở một số địa phương như ở TP.HCM và Đà Nẵng đã có một số cán bộ có tư tưởng chần chừ trong thực thi nhiệm vụ.

Nhưng những năm qua, chúng ta làm rất mạnh về công tác phòng chống tham nhũng và đã thu được những kết quả rất to lớn, làm cho nhân dân phấn khởi về mặt tư tưởng.

Ông Lê Văn Cuông: "Thành công của chống tham nhũng là do chọn đúng người đứng đầu" - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Cuông – nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Xuân Hải).

Đáng chú ý, quá trình đấu tranh phòng chống tham nhũng quyết liệt như vậy nhưng kinh tế của đất nước vẫn phát triển tốt, tình hình chính trị, an ninh trật tự xã hội vẫn ổn định, đặc biệt quốc tế ghi nhận và đánh giá Việt Nam là điểm sáng trên bản đồ quốc tế về phát triển kinh tế cũng như phòng, chống tham nhũng những năm qua.

Điều này chứng tỏ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần tạo niềm tin, sự phấn khởi trong xã hội, từ đó hạn chế các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm. Qua đó giúp khai thông các vấn đề trì trệ do tham nhũng, lợi ích nhóm cản trở.

Việc này cũng mang tính răn đe, cảnh báo đối với những người có ý định tham nhũng, những người đang và đã tham nhũng, khiến họ phải "chùn tay". Nếu như không thực hiện tốt quy định của pháp luật sẽ bị "chiếu tướng", bị lộ diện nên từ đó đã tác động đến tư tưởng của người có chức quyền phải đổi mới tư duy, thực hiện đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển, đồng thời chống sự phiền hà, quan liêu.

Đặc biệt thông qua phòng, chống tham nhũng chúng ta phát hiện ra những điểm thiếu sót, sơ hở để tìm cách sửa đổi những quy định pháp luật không phù hợp với thực tế, nhằm khai thông các điểm nghẽn.

Qua đây cũng thấy rằng, thành công của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng những năm qua là rất lớn, được xã hội ghi nhận, lòng dân ngày càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Chúng ta phải kết luận, chính kết quả của phòng chống tham nhũng là động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ là quan trọng

Vậy thưa ông, để đạt được những kết quả to lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng như thời gian vừa qua, vai trò, yếu tố quan trọng nhất ở đây là gì?

- Quan trọng nhất là Nhà nước phải hoàn chỉnh những sơ hở của pháp luật, cụ thể hóa những vấn đề những người có chức có quyền, những người cán bộ đảng viên, người đứng đầu được làm và không được làm, rõ ràng minh bạch bằng các văn bản quy phạm pháp luật để mọi người có căn cứ thực hiện, đồng thời phải xem xét đánh giá sự đúng đắn hay sai phạm cho khách quan và chính xác.

Ông Lê Văn Cuông: "Thành công của chống tham nhũng là do chọn đúng người đứng đầu" - Ảnh 4.

Hàng loạt cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý, kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay.

Thứ hai, tôi cho rằng việc xây dựng đội ngũ cán bộ là quan trọng, bởi dù văn bản có đúng, có trúng đến đâu đi chăng nữa nhưng đội ngũ cán bộ không thực sự nghiêm túc, không liêm khiết, có biểu hiện nhụt chí, sa sút, phai mờ đạo đức, tư tưởng lối sống vẫn có thể bị vi phạm.

Thứ ba, vừa qua, chúng ta tập trung nâng cao đội ngũ cán bộ, không những về phẩm chất đạo đức lối sống mà còn đề cao trách nhiệm thực thi các quy định của nhà nước, đồng thời có những thiết chế nhằm tăng cường quyền lực nhằm chống lại sự tha hóa quyền lực.

Có thể nói, chính sự tha hóa quyền lực đã phá vỡ nề nếp quản lý và sinh ra tham nhũng. Do đó, rất cần quản lý quyền lực bằng những thiết chế cụ thể bằng các văn bản của Đảng và Nhà nước để quản lý các hành vi của cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền chặt chẽ hơn, cụ thể hơn làm tăng trách nhiệm của người đứng đầu hơn.

Thứ tư, công tác thanh tra kiểm tra, giám sát thời gian qua cũng được tăng cường. Việc thực hiện chủ trương, quan điểm sai đến đâu thì xử lý đến đấy, không làm chậm trễ việc xử lý các vụ việc, không có vùng cấm, không kể bất cứ người nào, kể cả đương chức hay về hưu nếu vi phạm đều được xử lý thích đáng. Đó là quan điểm rất đúng đắn và mạnh mẽ giữa nói và việc làm, thực hiện nghiêm việc này góp phần ngăn chặn các biểu hiện tham nhũng vi phạm.

Tựu trung lại, bốn yếu tố rất quan trọng đối với phòng, chống tham nhũng trên được chúng ta thực hiện rất đồng bộ và bài bản. Quan điểm nói  đi đôi với làm, rất khách quan, dân chủ, không áp đặt, mang tính chủ quan hay phe cánh trong vấn đề này, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy, không bao che cho ai… Tất cả đều có chứng cứ rõ ràng, việc xử lý rất minh bạch, không khép kín… Cho nên nó mang đến sự thuyết phục, ngay cả người vi phạm cũng thấy thỏa mãn, cảm thấy không có vấn đề về trù dập, phe cánh, cá nhân.

Quan trọng là người đứng đầu

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua là do việc Tổng Bí thư làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

- Trước đây, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định Thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch tỉnh làm ở tỉnh… nhưng thấy thiết chế này chưa phù hợp, kết quả chưa như mong đợi thì Quốc hội quyết định sửa đổi luật và chuyển Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sang cho Tổng Bí thư làm Trưởng ban, còn ở tỉnh thì giải thể và chuyển sang thành lập Ban Nội chính của tỉnh.

Ông Lê Văn Cuông: "Thành công của chống tham nhũng là do chọn đúng người đứng đầu" - Ảnh 6.

Kỷ luật Đảng luôn nghiêm minh và công bằng với tất cả đảng viên, dù ở bất cứ cương vị công tác nào. (Đồ họa: Việt Anh).

Theo tôi, về mặt tổ chức, bố trí như vậy là phù hợp, bởi lẽ vấn đề phòng chống tham nhũng rất phức tạp, liên quan đến sinh mạng chính trị của con người.

Cho nên phải là người có quyền lực cao nhất là Tổng Bí thư mới là người xử lý được những vấn đề mang tính toàn cục chung; Thủ tướng và Chủ tịch tỉnh chỉ có quyền lực về phía hành pháp còn về vai trò lãnh đạo của Đảng, HĐND các cấp chưa được toàn diện.

Cho nên Tổng Bí thư làm Trưởng Ban chỉ đạo là toàn diện nhất, vì Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng. Việc này cũng làm cho công cuộc chỉ đạo, điều hành, phối hợp khách quan hơn, toàn diện hơn, không có sự nể nang.

Vấn đề này cũng đã được kiểm nghiệm ở trong thực tế mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những việc này đa phần mang tính tổ chức. Còn quan trọng nhất vẫn phải là người đứng đầu - ở đây là Tổng Bí thư đã rất bản lĩnh, có những chỉ đạo rất quyết liệt, rất cụ thể và cũng rất nhân văn.

Thứ nữa, Tổng Bí thư cũng là người không có đụng chạm đến vấn đề lợi ích nhóm, "sân trước, sân sau"… nên cũng thuận lợi trong việc chỉ đạo, thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư là người có uy tín, trong sạch nhất trong Đảng thì mới tập hợp được mọi người ủng hộ. Còn nếu không trong sáng, nói một đường, làm một nẻo thì dù có chức vụ cao đến đâu đi chăng nữa thì những người thực thi nhiệm vụ ở phía dưới hoặc những người bị phanh phui tham nhũng cũng không cảm thấy phục.

Phải khẳng định, thành công trong công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta trong thời gian qua là do tổ chức đúng, đặc biệt là chọn được người đứng đầu rất đúng. Người đứng đầu có uy tín, bản lĩnh, phương pháp giải quyết vấn đề rất dân chủ, minh bạch, nhân văn được dư luận tâm phục khẩu phục.

Cho nên việc chọn người đứng đầu ở bất kỳ nhiệm vụ nào cũng rất quan trọng. Người đứng đầu phải rất gương mẫu, có bản lĩnh, trí tuệ, khách quan… thì mới đạt được kết quả. Nếu chúng ta tổ chức đúng nhưng lựa chọn người nhầm người thì không thể đạt được những kết quả tốt.

Kết lại, tôi muốn nói rằng, trong khoảng thời gian 2 năm gần đây, nhất là từ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động việc đấu tranh phòng chống tham nhũng gắn vấn đề giữ lời nói đi đôi với thực hiện thì công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.

Những thông điệp, những câu nói rất bình dị của Tổng Bí thư như "lò đã cháy lên rồi thì củi tươi, củi khô cũng phải cháy", hay "Phòng chống tham nhũng, ai chùn bước thì đứng sang một bên" và những lời đó nói đi đôi với làm, làm có hiệu quả, làm đến nơi đến chốn, không né tránh, không có vùng cấm đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và cử tri.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem