Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội NDVN phát biểu tại Đại hội Hội ND Bình Phước
Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN Lương Quốc Đoàn gợi mở các vấn đề thảo luận tại Đại hội Hội ND Bình Phước
Chinh Hoàng
Thứ sáu, ngày 18/08/2023 13:10 PM (GMT+7)
Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2023-2028, đồng chí Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên ban Chấp hành Trung Ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đã gợi mở 6 vấn đề thảo luận nhằm thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân...
Sáng nay 18/8, tại Bình Phước, đồng chí Lương Quốc Đoàn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã dự, phát biểu chỉ đạo Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Phước lần thứ X, nhiệm kỳ 2023- 2028.
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn khẳng định, Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nơi sinh sống của 41 dân tộc anh em. Bình Phước có 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 huyện biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, với chiều dài đường biên giới là 258,939km.
So với các vùng khác trên cả nước, Bình Phước được xem là một vùng đất trẻ, gắn với nhiều dấu mốc lịch sử chói lọi cùng với các địa danh không thể nào quên như: Phú Riềng Đỏ, Điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh - 1973, Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô...
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí cách không xa Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đồng thời lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển.
Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu... đã tạo nên tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của Bình Phước.
Nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhưng nhờ nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên, nông dân toàn tỉnh, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bình Phước vẫn hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội IX Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã đề ra.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ được các cấp Hội quan tâm thực hiện; Công tác thi đua, khen thưởng được đổi mới, chú trọng khen thưởng tập thể, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tại Bình Phước xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân.
Cũng theo Chủ tịch Lương Quốc Đoàn, từ những kết quả đó, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 3/11 huyện thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 2/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Để thể hiện vị trí, vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bình Phước cần tham gia mạnh mẽ, giải quyết một số hạn chế sau đây:
Hiện nay, đời sống của cư dân nông thôn còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, kết quả xóa đói giảm nghèo ở nông thôn chưa bền vững; nông dân vẫn khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa, vốn, khoa học kỹ thuật, pháp luật...).
Vai trò chủ thể, trách nhiệm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy đầy đủ, thể hiện ở việc chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp, phần lớn nông dân chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp, tỷ lệ thiếu việc làm cao.
Trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứngở vị trí yếu thế, hầu như chưa được đưa ra các quyết định trong chuỗi sản xuất. Trong khi thách thức trong sản xuất nông nghiệp là rất gay gắt, mức độ rủi ro cao, ngoài những rủi ro như lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh… thì những năm qua, giá các loại vật tư đầu vào cho nông nghiệp tăng nhanh hơn giá nông sản gây nhiều khó khăn cho nông dân trong việc bảo đảm cuộc sống và mở rộng sản xuất.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đổi mới cách thức sản xuất trong nông dân còn chậm, năng suất, chất lượng, giá trị nhiều mặt hàng nông sản còn thấp; "liên kết 4 nhà" chưa chặt chẽ; tỷ lệ cơ giới hóa, khoa học hóa trong sản xuất và chế biến nông sản còn thấp; xu thế gia công trong nông nghiệp ngày càng rõ; Phát triển nông thôn thiếu quy hoạch; kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội còn nhiều hạn chế, môi trường ô nhiễm; dự báo thị trường và thiên tai còn nhiều bất cập. Các vấn đề: việc làm và thu nhập; đấtđai; dân chủ ở cơ sở và đạo đức phong cách của một số cán bộ... có lúc, có nơi đã trở thành tâm trạng, gây tâm lý bức xúc cho người nông dân.
Sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn nhìn chung vẫn là nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch; hợp tác, liên kết trong chuỗi sản xuất còn rời rạc, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa. Việc sản xuất còn tự phát, nông dân không đủ năng lực dự báo thị trường dẫn đến tình trạng được mùa, rớt giá. Vấn đề chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa hiện đang là thách thức lớn nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Chất lượng, mẫu mã nông sản không đồng đều, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường trở thành cản trở lớn đến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường.
Tại Đại hội, đồng chí Lương Quốc Đoàn gợi mở một số vấn đề, nội dung nhằm thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân, giúp cả thiện đời sống nông dân nói chung và nông dân tỉnh Bình Phước nói riêng.
Một là:
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần sử dụng có hiệu quả những ứng dụng của internet, mạng xã hội, nền tảng công nghệ thương mại điện tử để tương tác trực tiếp, nhanh chóng giữa Trung ương và địa phương, giữa Hội Nông dân các cấp trong tỉnh và hội viên, nông dân.
Tập trung tuyên truyền các nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu thông tin trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; chú trọng các nội dung tuyên truyền có tác động mạnh, nhanh, sức lan tỏa rộng; các phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, gương nông dân giỏi điển hình, mô hình hợp tác, liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu biểu.
Hai là:
Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo số lượng, chất lượng, nhất là quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội; chăm lo xây dựng đội ngũ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp có đủ năng lực, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chú trọng thu hút cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, từ phong trào quần chúng, cán bộ có kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn về làm việc tại Hội Nông dân.
Ba là:
Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, hướng mạnh về cơ sở.
Thực hiện tốt công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân gắn với giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc, vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội của nông dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân trong sản xuất, kinh doanh, hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thiếu sót, ngăn chặn, hạn chế tiêu cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiên quyết xử lý sai phạm; chú trọng kiểm tra, giám sát chuyên đề, tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở Hội.
Bốn là:
Tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao chỉ số phát triển con người cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Năm là:
Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân; tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân; tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân; nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; đẩy mạnh tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân và tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân.
Sáu là:
Tch cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp Hội trong tỉnh cần thực hiện tốt vai trò đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động tham gia đối với các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chức năng, nhiệm vụ của Hội.
Hội Nông dân Bình Phước tiếp tục đổi mới việc tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nông dân theo hướng đi sâu, đi sát, khơi dậy ý thức làm chủ của hội viên, nông dân; tổ chức Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại trực tiếp, các hình thức diễn đàn, tiếp xúc có tổ chức để lắng nghe ý kiến của hội viên, nông dân...
Các cấp Hội cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức và liên kết, hợp tác với các giai tầng khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.