Ông Lưu Bình Nhưỡng: Thiệt hại khoảng 25 tỷ đồng, 100 người dân cùng ký đơn khiếu nại công ty bảo hiểm

H.Anh Thứ bảy, ngày 03/06/2023 05:48 AM (GMT+7)
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn chứng, Ban Dân nguyện có nhận được một đơn, 5 trang, tiêu đề là "Đơn khiếu nại". Tuy nhiên, toàn bộ nội dung lại ở dạng tố cáo.
Bình luận 0

Trong những năm qua, ngành bảo hiểm đã có những đóng góp đáng ghi nhận đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm của ngành được đánh giá là rất ấn tượng. Cho đến nay, thị trường bảo hiểm có 78 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Theo đánh giá, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động an toàn, hiệu quả. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, cơ chế, chính sách quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm từng bước được hoàn thiện, hỗ trợ thị trường phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm đã nảy sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, chăm sóc, cũng như bồi thường quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng... Những vụ việc gần đây liên quan đến bảo hiểm nhân thọ đang thu hút sự quan tâm của dư luận là những ví dụ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: 100 người dân cùng ký đơn khiếu nại công ty bảo hiểm - Ảnh 1.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: ĐBND)

100 người dân cùng ký đơn khiếu nại liên quan đến bảo hiểm

Chia sẻ tại tọa đàm bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn chứng: Ban Dân nguyện có nhận được một đơn, 5 trang, tiêu đề là "Đơn khiếu nại". Tuy nhiên, toàn bộ nội dung lại ở dạng tố cáo.

"Đơn này của khoảng 100 công dân khiếu nại có tính chất cá nhân nhưng cùng ký. Đơn có nội dung về việc một công ty bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng có hành vi lừa dối khách hàng tiền gửi tiết kiệm ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đến hôm nay, họ đặt ra 3 nhóm thiệt hại của 100 người này, khoảng 25 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 3, tháng 4 có 73 người khiếu nại đã được công ty này thanh toán toàn bộ", ông Nhưỡng nói và nhấn mạnh: Rõ ràng bảo hiểm là một trong những lĩnh vực dự phòng và chống rủi ro nhưng bây giờ lại là rủi ro.

Thừa nhận, có hiện tượng nhân viên ngân hàng mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ, thậm chí ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm mới cho vay vốn. Trong khi đó, theo quy định, hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm là bị cấm. Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay, theo số liệu thống kê của Cục này, phần lớn bức xúc, khiếu nại là do khách hàng tham gia bảo hiểm qua tổ chức tín dụng gặp khó khăn thời gian qua.

"Các tồn tại, hạn chế phát sinh trong thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đi ngược lại bản chất nhân văn của bảo hiểm nhân thọ, làm suy giảm lòng tin của người tham gia bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ cần chấn chỉnh lại!" - bà Phương nói.

Về những bức xúc của người tham gia bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế thì cho rằng, nguyên nhân chính là chất lượng của hoạt động tư vấn chứ không phải là chất lượng của quy định.

"Có thể người ta không làm đúng theo quy định và dẫn đến thông tin không đầy đủ, thông tin bị sai. Vì thế, vấn đề thực thi pháp luật ở đây đang là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Tôi cho rằng, rõ ràng, vấn đề xử lý hiện nay nên tập trung về tổ chức thực thi, giám sát việc thực thi luật ở lĩnh vực này", ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: 100 người dân cùng ký đơn khiếu nại công ty bảo hiểm - Ảnh 2.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế.

Công khai "hạnh kiểm" doanh nghiệp bảo hiểm, tăng chế tài xử phạt

Bàn về các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, bà Phạm Thu Phương cho biết, Bộ Tài chính đề xuất quy định riêng cho hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Bên cạnh đó cần cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý.

Về phía doanh nghiệp, bà Phương cho biết phải xây dựng bảng tóm tắt hợp đồng bảo hiểm trong đó nêu rõ quyền lợi, nghĩa vụ đóng phí, thời hạn bảo hiểm… Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề xuất khống chế mức chi của doanh nghiệp bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm.

Ngoài ra, Bộ hiện đang rà soát, trình Chính phủ nghị định bổ sung xử phạt hành chính trong kinh doanh bảo hiểm, để phù hợp hơn với thực tế.

Ông Lưu Bình Nhưỡng: 100 người dân cùng ký đơn khiếu nại công ty bảo hiểm - Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính Phạm Thu Phương chia sẻ tại tọa đàm.

Về thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, cùng với các công văn ban hành, Bộ này đã làm việc với từng doanh nghiệp và thị trường bảo hiểm về từng vấn đề. Đồng thời, xây dựng thực hiện kế hoạch thanh, kiểm tra. Kể từ 2022 đến nay, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp. Hiện, kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp đã làm xong, đang hoàn thiện và sẽ công bố theo đúng quy định. Năm 2023, Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm sẽ tiếp tục mở rộng hoạt đông này. Khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương thị trường.

Về truyền thông, phổ biến pháp luật, thời gian tới, Cục sẽ chủ động tuyên truyền; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể về truyền thông, trong đó chú trọng những nội dung dễ gây tranh chấp trong hợp đồng.

Nêu quan điểm của mình, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cơ quan quản lý phải định kỳ công bố kết quả đánh giá "hạnh kiểm" của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Đây là căn cứ quan trọng để người dân biết được doanh nghiệp nào hoạt động tốt, tư vấn đầy đủ, đúng quy định và ngược lại.

"Nếu có những thông tin này thì không ai bỏ tiền tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp làm ăn không minh bạch, nhân viên tư vấn không đầy đủ cho khách hàng, không giám sát tốt đại lý bảo hiểm…", ông Nhưỡng nói.

Đồng thời, theo ông Nhưỡng các cơ quan nhà nước cũng phải nghiên cứu để tăng chế tài đối với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Bởi nếu chỉ phạt 1 đồng mà để người ta trục lợi cả nghìn đồng là không ổn.

Còn theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngô Trung Dũng, ngành bảo hiểm nhân thọ cũng được sự quan tâm của nhà nước trong nhiều năm vừa qua và có sự tăng trưởng khá tốt. Để xảy ra những chuyện như vậy, ông Dũng cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Sự kiểm tra và chấn chỉnh rất cần thiết để lành mạnh hóa ngành bảo hiểm, theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Về mặt quản lý nhà nước, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị cần có phương pháp kiểm tra phù hợp khoa học, mang tính chất kịp thời, theo nguyên tắc quản lý kiểm tra ngẫu nhiên hoặc theo nguyên tắc về quản lý rủi ro.

Thứ hai, khi phát hiện thì phải xử lý một cách nghiêm minh. Làm thế nào để có thể gia cố được cách thức, phương thức giám sát một cách có hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước, các Hiệp hội phải minh bạch hóa, công khai hóa thông tin trong quản lý đến từng đối tượng. Đối với người mua bảo hiểm, cũng nên tự nâng cao hơn nhận thức và trở thành một người tiêu dùng có hiểu biết, có nhận thức.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem