Phát ngôn gây sốc của MC Trấn Thành về chuyển giới
Trấn Thành phát ngôn đưa hormone vào mạch máu để chuyển giới: "Chết người"
Thứ hai, ngày 29/05/2023 08:26 AM (GMT+7)
Bác sĩ chuyên khoa nam học khẳng định, phát ngôn của Trấn Thành về việc đưa hormone vào mạch máu để chuyển giới là thông tin sai lệch, có thể gây nguy hiểm chết người khi thực hiện.
Ít ngày qua khi tập 1 chương trình "Người ấy là ai" mùa 5 phát sóng, MC Trấn Thành đã gây tranh cãi với phát ngôn liên quan đến vấn đề chuyển giới.
Cụ thể, trong lúc giới thiệu về một thí sinh chuyển giới từ nữ sang nam đến từ Thái Lan, Trấn Thành đã chỉ vào cánh tay có vết sẹo của người này và nói: "Anh ấy từng là một phụ nữ. Cái tay này, người ta phải mở mạch máu ra rồi đưa hormone và mọi thứ vào để chuyển giới".
Trong phần phụ đề giới thiệu về thí sinh, chương trình cũng ghi: "Bác sĩ mở mạch máu dưới cánh tay để đưa hormone vào cơ thể tôi".
Thông tin từ Trấn Thành cũng như chương trình đưa ra nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Một bác sĩ tên K.B. thậm chí còn đăng tải trên trang cá nhân, cho biết bản thân "giật mình" vì phát ngôn của Trấn Thành. Bác sĩ B. khẳng định, nếu đưa testosterone (hormone sinh dục nam) trực tiếp vào mạch máu thì con người có thể "đăng xuất" (chết - PV) tức khắc.
"Lỗi ở đây có thể do người làm thông tin của chương trình chưa tìm hiểu kỹ dẫn đến nhầm lẫn" - bác sĩ B. nhận định.
Ngay sau đó, trên fanpage chương trình trên đã đăng cáo lỗi về việc "sơ suất trong khâu biên tập". Tuy nhiên, phía nhà sản xuất chỉ cho rằng nguồn gốc vết sẹo trên cánh tay của thí sinh chưa được truyền tải theo đúng nội dung nhân vật chia sẻ, không bình luận tính đúng sai của thông tin y khoa mà Trấn Thành phát ngôn.
Riêng MC Trấn Thành đến nay chưa có phản hồi chính thức về sự việc.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ, bác sĩ Trà Anh Duy, chuyên khoa nam học chia sẻ, hormone sinh dục nam testosterone chỉ có chỉ định tiêm bắp, không thể tiêm hay truyền tĩnh mạch.
"Có thể bạn thí sinh muốn nói về việc lập đường truyền tĩnh mạch, để chuẩn bị cho quá trình gây mê phẫu thuật chuyển giới, nhưng chương trình đã hiểu nhầm" - bác sĩ nhận định.
Còn thạc sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TPHCM) phân tích, tất cả hormone testosterone sử dụng đều thuộc nhóm tan trong dầu và phóng thích chậm. Các thuốc này phải tiêm bắp sâu, tiêm chậm. Khi đưa testosterone vào cơ thể, cần lưu ý tiền căn dị ứng, các rối loạn đông cầm máu, hội chứng đa hồng cầu, hội chứng ngưng thở giữa đêm, các yếu tố nguy cơ ung thư…
Bác sĩ Dũng phân tích thêm, để thực hiện chuyển giới đúng, cần thỏa mãn đồng thời 5 tiêu chuẩn.
Thứ nhất, Bộ Y tế phải cho phép chuyển giới. Thứ hai, cơ sở y tế được cấp giấy phép thực hiện. Thứ ba, bác sĩ thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề. Thứ tư, tuân thủ các quy trình y khoa. Thứ năm, bệnh nhân có nhu cầu và được chỉ định đúng dựa trên thể trạng, sức khỏe thực tế.
Liên quan đến phát ngôn "mở mạch máu dưới cánh tay để đưa hormone vào", chuyên gia Nam học khẳng định: "Không ai lấy thuốc đó (thuốc bổ sung hormone testosterone) để tiêm vào tĩnh mạch, sẽ gây chết người".
Các bác sĩ cho biết, hiện nay ở mỗi nước sẽ có một quy trình chuyển giới khác nhau. Tuy nhiên, cơ bản sẽ trải qua các bước: Điều trị tâm lý, điều trị nội tiết, phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục. Tất cả các quá trình đều phải theo dõi sát.
Khi phẫu thuật chuyển giới, vẫn có tỷ lệ nhất định xảy ra các biến chứng, như hoại tử vị trí mổ, nhiễm trùng, rò niệu đạo… Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân trước khi quyết định thực hiện một can thiệp hay thủ thuật gì cần phải tìm hiểu kỹ, có sự tư vấn, thăm khám đầy đủ của nhà chuyên môn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.