Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Gia Linh Chủ nhật, ngày 14/07/2024 16:09 PM (GMT+7)
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM là thiếu nguồn vốn đầu tư từ nhà nước. Số dự án được đưa vào sử dụng chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân.
Bình luận 0

Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác số 3 – Đoàn giám sát của Quốc hội và UBND TP.HCM về thị trường bất động sản vừa qua, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết việc phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2025 có 68 dự án, khu đất đang triển khai và dự kiến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, có 32 dự án, khu đất từ giai đoạn 2016-2020 chuyển sang và bổ sung 36 khu đất mới. Tuy nhiên, giai đoạn này mới chỉ có 2 dự án (quy mô hơn 600 căn) đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng.

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn đầu tư từ nhà nước, ngân sách nhà nước nên chưa thể bố trí đầy đủ để xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu của nhà nước cho các đối tượng chính sách như cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên…

Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn- Ảnh 1.

Thiếu nguồn vốn, việc phát triển dự án xã hội tại TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Gia Linh

Hiện tại, TP.HCM chỉ bố trí được 10% nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhà ở xã hội. Cụ thể, theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, TP.HCM cần 37.700 tỷ đồng để phát triển các dự án nhưng thực tế thành phố chỉ có khả năng đáp ứng bố trí từ ngân sách khoảng 3.770 tỷ đồng.

Đến năm 2030, Thành phố cần số vốn 86.400 tỷ đồng, trong khi đó chỉ có khả năng bố trí từ ngân sách 8.600 tỷ đồng, còn lại chỉ có thể sử dụng từ các nguồn vốn xã hội. Bởi vậy, nguồn vốn rất thấp, rất khó đạt được chỉ tiêu đặt ra do bố trí từ ngân sách.

Ngoài ra, với thị trường bất động sản nói chung, sự bùng nổ của làn sóng các dự án đã gây ra nhiều vấn đề về quản lý và tăng giá đất, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng và môi trường sống. 

Sự thiếu hụt nguồn cung nhà ở phù hợp với nhu cầu thị trường dẫn đến giá nhà tăng cao, gây khó khăn cho người dân trong việc mua sắm nhà ở.

Trước đó, để đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, lãnh đạo TP.HCM đã phân các dự án thành 5 nhóm vấn đề vướng mắc, giải quyết để tập trung tháo gỡ.

Cụ thể, nhóm 1 tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các dự án nhà ở xã hội; nhóm 2 sắp xếp trình tự thủ tục thực hiện quy trình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; nhóm 3 đảm nhận quy trình xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha; nhóm 4 thúc đẩy đầu tư công các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Và cuối cùng, nhóm 5 phân công trách nhiệm theo dõi, giải quyết thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tham khảo thêm

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem